Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đặt tên cho biến chủng SARS-CoV-2 mới xuất hiện ở Botswana, Nam Phi (tên khoa học B.1.1.529). Đây là biến chủng được coi là rất nguy hiểm vì khả năng lây lan có thể hơn 5 lần Delta. Trước đó, biến chủng Delta đã khiến hàng loạt quốc gia quay trở lại với ác mộng Covid-19 sau khi tưởng như đã kiểm soát được dịch bệnh.
Biến chủng Omicron có nhiều điều lạ và đáng lo ngại.
Biến chủng có rất nhiều đột biến tại vị trí nhạy cảm
Omicron có hơn 32 đột biến được phát hiện tại protein gai (S). Đặc biệt, 15 đột biến tại vùng gắn kết thụ thể (RBD) và vị trí furin, nơi có thể làm tăng khả năng lây lan.
Trong vô số các đột biến mới, Omicron có 3 đột biến cũ của biến chủng Nam Phi (Beta). Biến chủng Nam Phi rất đề kháng với kháng thể trung hoà.
Những đột biến chắc chắn sẽ ảnh hưởng khả năng kháng vaccine hoặc kháng thể đơn dòng. Mức đề kháng cụ thể sẽ được nghiên cứu và tính toán thêm.
|
WHO đặt tên biến chủng B.1.1.529 là Omicron và xếp vào danh sách biến chủng đáng lo ngại. Ảnh: Telegraph.
|
Xuất hiện ở 8 nước
Hiện tại, biến chủng này đã xuất hiện tại ít nhất 8 nước phía Nam châu Phi là Botswana, South Africa, Lesotho, Zimbabwe, Namibia, Mozambique, Malawi và có thể là Hong Kong, Bỉ.
Ngay sau khi thông tin về biến chủng B.1.1.529 được WHO xác nhận, chính phủ hàng loạt quốc gia, từ châu Âu tới châu Á, đã siết chặt biện pháp phòng dịch, đóng cửa biên giới với người đến từ các nước miền Nam châu Phi. Nước Mỹ cũng ngay lập tức ban lệnh cấm nhập cảnh với người đến từ Nam Phi.
Ngày 25/11, Pháp cũng khởi động chiến dịch tiêm mũi vaccine bổ sung cho tất cả người trưởng thành. Đồng thời, cơ quan y tế EU phê chuẩn mũi tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em nhóm 5-11 tuổi.
Nhiều biến chủng nguy hiểm đến từ Nam Phi
Các biến chủng nguy hiểm như Beta hay Omicron đều xuất hiện tại Nam Phi, nơi những quốc gia có tỷ lệ mắc HIV cao nhất. Suy giảm miễn dịch là môi trường thuận lợi cho virus sinh sôi, phát triển và tạo biến thể. Tuy nhiên, số lượng đột biến khổng lồ trong một biến thể như Omicron là điều khiến các nhà khoa học lo lắng.
Vì có sự xuất hiện biến thể ở nhiều quốc gia khác nhau, các nước lớn nên tiếp tục chia sẻ vaccine cho nước khác, để khống chế đại dịch toàn cầu này.
Có vaccine và thuốc chống lại Omicron không?
Các loại vaccine hiện tại, kể cả Pfizer và Moderna vẫn có thể kìm hãm biến thể Delta, đặc biệt giảm tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, nguy cơ lớn hiệu quả của vaccine với chủng Omicron sẽ bị giảm nhiều lần bởi các đột biến tại vị trí protein gai, đặc biệt là vùng RBD quá nhiều. Chúng là các vị trí vaccine được thiết kế ban đầu hướng tới.
Các công ty sản xuất vaccine sẽ cố gắng thiết kế nhiều phiên bản khác để chống Omicron. Tuy nhiên, chúng ta cần 6-9 tháng nữa mới có kết quả.
Điều nên làm
Việc chúng ta có thể làm bây giờ là tiêm vaccine đầy đủ, giữ sức khoẻ tốt, tuân thủ 5K. Đặc biệt, bài học từ việc xuất hiện biến thể mới sau khi virus "đi qua" người bị suy giảm miễn dịch đã thể hiện rất rõ mức độ nguy hiểm.
Vì vậy, chúng ta cần bảo vệ người cao tuổi, bị bệnh nền và suy giảm miễn dịch tốt hơn. Đây cũng là bảo vệ cho xã hội nói chung. Cách đơn giản nhất là hãy ưu tiên vaccine cho các trường hợp trên.
Bài viết do TS.DS Phạm Đức Hùng (từng thực tập ở Đại học Harvard, Mỹ; tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Leuven, Vương quốc Bỉ; hiện làm việc tại Bệnh viện Cincinnati, Ohio, Mỹ) cung cấp thông tin.