Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 7 năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,5 triệu tấn sắn, giá trị đạt gần 684 triệu USD. Khách hàng lớn nhất, gần như “bao mua” toàn bộ củ sắn và sản phẩm sắn của nước ta là Trung Quốc (chiếm hơn 90%).
Dưới đây là tác dụng cũng như lưu ý khi sử dụng sắn - loại củ quen thuộc với người dân Việt:
Giá trị dinh dưỡng
100g sắn nấu chín chứa 191 calo, 40g carb, 1,5g protein, 3g chất béo, 2g chất xơ, vitamin C (20% nhu cầu hằng ngày), đồng (12%), vitamin B1 (7%), vitamin B9 (6%), vitamin B7 (6%), kali (6%), magie (5%), vitamin B3 (5%).
Sắn đặc biệt chứa nhiều vitamin C hoạt động như chất chống oxy hóa, hỗ trợ sản xuất collagen và tăng cường khả năng miễn dịch cùng nhiều lợi ích khác. Ngoài ra, sắn còn giàu đồng - khoáng chất cần thiết cho quá trình tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh, sản xuất năng lượng, chuyển hóa sắt.
Sắn có nhiều lợi ích với sức khỏe nhưng cần ngâm và nấu chín. Ảnh minh họa: ENF
Lợi ích tiềm năng
Chứa tinh bột kháng
Theo Healthline, sắn chứa hàm lượng tinh bột kháng cao, có đặc tính tương tự như chất xơ hòa tan. Ăn thực phẩm nhiều tinh bột kháng mang lại một số lợi ích.
Đầu tiên, tinh bột kháng nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi trong ruột của bạn, có thể giúp giảm viêm và tăng cường sức khỏe tiêu hóa.
Thứ hai, tinh bột kháng có khả năng cải thiện trao đổi chất, giảm nguy cơ béo phì và tiểu đường loại 2. Những lợi ích này có thể do sắn cải thiện kiểm soát lượng đường trong máu, tăng cảm giác no và giảm cảm giác thèm ăn.
Cung cấp lượng lớn vitamin C
100g sắn chứa lượng vitamin C đáp ứng 20% nhu cầu mỗi ngày. Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong nhiều khía cạnh của sức khỏe, bao gồm cả khả năng miễn dịch, chống lại tổn thương da và kích thích sản xuất collagen - loại protein được tìm thấy khắp cơ thể trong xương, da, cơ và khớp.
Ba không khi ăn sắn
Không ăn sống
Sắn có thể gây nguy hiểm nếu ăn sống với số lượng lớn hoặc chế biến không đúng cách. Sắn sống chứa các chất hóa học gọi là cyanogenic glycoside - có thể giải phóng xyanua vào cơ thể bạn. Thường xuyên hấp thụ cyanogenic glycoside sẽ làm tăng nguy cơ ngộ độc xyanua - liên quan đến suy giảm chức năng tuyến giáp và thần kinh, tê liệt, tổn thương nội tạng và thậm chí tử vong.
Bóc vỏ, ngâm với nước và nấu chín sắn làm giảm hàm lượng hóa chất độc hại trên. Ngoài ra, chế độ ăn uống đầy đủ nhiều protein có thể làm giảm nguy cơ mắc các bất ổn sức khỏe.
Không ăn sắn có vị đắng
100g sắn thông thường chứa 3-5mg độc tố thuộc loại glycoside. Khi chế biến sắn đúng cách, người ăn sẽ không gặp vấn đề gì. Sắn có vị đắng rõ ràng chứng tỏ lượng glycoside cao, có khi lên tới 10-15mg. Người trưởng thành chỉ cần ăn 200g sắn cũng sẽ ngộ độc.
Không ăn nhiều
Sắn chứa 191 calo trên khẩu phần 100g, cao so với các loại rau củ khác. Trong khi đó, lượng calo tương tự ở khoai lang là 90, cà rốt là 35. Hàm lượng calo cao khiến sắn trở thành loại cây trồng chủ lực ở nhiều quốc gia.
Tiêu thụ nhiều calo hơn mức bạn đốt cháy có thể góp phần làm tăng cân theo thời gian. Do đó, tốt nhất bạn nên ăn sắn ở mức độ vừa phải, không quá 100g mỗi ngày.