Theo BS Vũ Văn Đại - Khoa Y học Cổ truyền Bệnh viện TƯ Quân đội 108, các bệnh về cơ xương khớp, ngoài những nguyên nhân do quá trình thoái hóa tự nhiên thì phần lớn bệnh lý phát sinh là do những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày làm ảnh hưởng xấu đến hệ cơ xương khớp.
Thói quen xấu âm thầm giảm "tuổi thọ" xương khớp. Ảnh SK&ĐS
Lười vận động
Lười vận động là một trong những thói quen xấu gây hại cho xương khớp. Theo một số nghiên cứu khoa học, Việt Nam là một trong 10 nước có tỉ lệ người lười vận động nhất trên thế giới. Thói quen lười vận động sẽ dẫn đến hàng loạt các bệnh nguy hiểm như: tim mạch, đái tháo đường, béo phì, đặc biệt là các bệnh về xương khớp như: viêm khớp, thoái hóa khớp, đau vai gáy, đau cột sống…
Thay vì ngồi một chỗ, mỗi ngày bạn chỉ cần dành khoảng 30 phút thực hiện những bài tập thể dục đơn giản, không chỉ rất hữu ích cho hệ xương khớp mà còn tăng cường sức khỏe như: bơi lội, đạp xe, đá bóng, cầu lông, võ thuật, tập thái cực quyền, khí công dưỡng sinh…
Bẻ tay, vặn lưng, cổ quá mức
Việc bẻ khớp ngón tay, vặn lưng, vặn cổ, các khớp hoạt động nhanh đột ngột và quá tầm vận động, dẫn đến việc phá hủy các cấu trúc sụn khớp và dây chằng xung quanh khớp nên rất có hại cho khớp.
Đây chính là nguyên nhân khiến các khớp ngày càng to lên. Đồng thời, cũng có thể gây ra những tổn thương như: bong gân, giãn dây chằng, trật khớp, làm sụn khớp nhanh bào mòn và đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Nếu không bỏ thói quen này, khớp sẽ bị thoái hóa, biến dạng khớp, to khớp ở vùng các ngón tay hay rách dây chằng, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, cột sống thắt lưng, thoát vị nhân đĩa đệm gây chèn ép rễ thần kinh...
Ngồi làm việc lâu tại một vị trí
Ngồi làm việc liên tục 8 tiếng/ngày khiến nhiều người không có thời gian cho việc vận động. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và các cơ quan trong cơ thể như tim, gan, thận,.. mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu trong cơ thể.
Tuần hoàn máu ở chân giảm, cơ mông, hông sẽ kém linh hoạt đồng thời xương cũng dần mỏng đi, giòn và dễ gãy hơn. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hàng loạt các bệnh nguy hiểm như: viêm khớp, thoái hóa khớp, đau vai gáy, đau cột sống…
Không tiếp xúc đủ với ánh nắng mặt trời
Canxi và vitamin D là hai “nguyên liệu” quan trọng trong việc thúc đẩy và duy trì sức khỏe bộ xương và cơ thể. Cơ thể bị thiếu hụt “vitamin ánh mặt trời” sẽ giảm khả năng hấp thụ canxi. Điều này sẽ tăng nguy cơ loãng xương, đau xương, suy nhược cơ...
Tuy nhiên, do tính chất công việc nên nhân viên văn phòng dành hầu như toàn bộ thời gian ngồi tại chỗ và làm việc trong nhà, ít khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Quan trọng hơn là đa phần mọi người đi làm đều đã bôi đủ kem chống nắng vì thế việc hấp thụ vitamin D cũng phần nào bị hạn chế.
Chườm nóng, chườm lạnh sai cách
Chườm đá hoặc chườm nóng có thể giúp giảm đau, giảm đau mỏi gối, sưng tấy. Nhưng chườm quá lâu, quá nóng hoặc quá lạnh có thể làm tổn thương vùng chườm, càng khiến tê bì chân tay hơn.
Tập luyện quá sức
Nhiều người nghĩ rằng tập luyện càng nhiều càng cải thiện sức khỏe, giảm đau nhức. Nhưng sự thật là, tập luyện quá sức hoặc các bài tập không phù hợp với tình trạng bệnh có thể khiến tình trạng đau lưng, mỏi gối, tê bì tay chân trở nên tồi tệ hơn.
Chế độ ăn thiếu khoa học
Nhiều người lầm tưởng chế độ ăn uống không ảnh hưởng đến hệ xương khớp. Tuy nhiên, ăn uống không hợp lý có thể khiến cơ thể không có đủ dưỡng chất để nuôi dưỡng xương khớp hoặc gây béo phì khiến các khớp phải vất vả “gánh” trọng lượng của cơ thể, từ đó, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp.
Ngoài ra, thói quen sử dụng đồ uống có ga, rượu, cà phê, ăn nhiều đồ ngọt… cũng góp phần làm giảm bớt lượng canxi và ngăn khả năng hấp thụ canxi của xương, gây loãng xương.
Giày cao gót gây đau khớp chân
Phụ nữ đi giày cao gót hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp và đau chân. Giày cao gót đặt bàn chân của bạn ở một vị trí không bình thường, gây căng thẳng các khớp, căng cơ và có thể khiến lưng bạn không thẳng.
Thường xuyên đi giày cao gót khiến cơ đùi hoạt động nhiều hơn để giữ cho đầu gối của bạn thẳng. Nó cũng đặt các lực xoắn nguy hiểm lên đầu gối của bạn.