Thật khó để phân biệt loại cỏ này với những giống cỏ dại khác, bởi ngoại hình của nó quá đỗi bình thường. Bạn có thể tìm thấy chúng trên đồng ruộng, quanh nhà hoặc ở bất kỳ đâu. Nếu chỉ nhìn qua, chắc hẳn không ai nghĩ rằng thứ cỏ nhìn rất đỗi “tầm thường” này lại có “mỏ vàng” trong rễ.
Cụ thể, rễ của chúng chính là một loại thảo dược. Trong Đông y, chúng được gọi là hương phụ, củ gấu hoặc cỏ gấu, có vị cay, hơi đắng và ngọt. Ở Việt Nam, chúng cũng được sử dụng khá phổ biến để hỗ trợ điều trị giảm đau, chướng bụng, ợ hơi, kinh nguyệt không điều. Người Việt thường chế biến chúng với nhiều phụ liệu như cam thảo, nước gừng, nước gạo, rượu, giấm, muối…
Mùa xuân là mùa hương phụ phát triển mạnh mẽ nhất. Vốn dĩ chúng có sức sống rất mãnh liệt, không quá kén môi trường sống, tuy nhiên cần được tưới nước thường xuyên.
Trái ngược với phần thân và lá nhìn rất mỏng manh, phần rễ hương phụ lại phình ra thành củ. Phần rễ này sau khi thu hoạch sẽ được phơi khô, sau đó được rang theo phương pháp đặc biệt để làm thành dược liệu. Được biết, hương phụ chứa tinh dầu, flavonoid, tanin, acid phenol, alcaloid, glycosid tim, pectin, tinh bột... và chất đắng.
Ở xứ Trung, bột dược liệu làm từ hương phụ có giá từ 58 - 76 NDT/kg, tương đương khoảng 202.000 - 264.000đ/kg. Còn ở nước ta, củ gấu khô (chưa xay thành bột) có giá chỉ từ 95 - 140.000đ/kg.