Theo PGS.TS Tạ Văn Bình, nguyên Giám đốc Bệnh viện nội tiết Trung ương, nhiều người lạm dụng mổ u tuyến giáp mà không lường đến hậu quả. Việc mổ giáp không chỉ gây suy giáp, ảnh hưởng tim mạch và toàn bộ tuyến nội tiết của cơ thể. Khoảng 5-7% bệnh nhân sau mổ tuyến giáp bị thiếu canxi tạm thời và hơn 1% thiếu vĩnh viễn...
Ung thư tuyến giáp chưa nhất thiết phải mổ
TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết Đái Tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho hay, hàng ngày, ông tham vấn rất nhiều bệnh nhân có u tuyến giáp rất nhỏ (lớn hơn 10 mm), được chọc tế bào ra ung thư tuyến giáp thể nhú.
Ai cũng muốn mổ hoặc đốt... vì đã được bác sĩ ở bệnh viện từ quê đến tỉnh, thậm chí ở Trung ương, cả công và tư, chỉ định làm sớm. Thậm chí, có bệnh nhân nữ 73 tuổi, chỉ cần có kết quả siêu âm kết luận TIRADS 5 là được chỉ định mổ ngay mà không cần xét nghiệm tế bào.
“Gần 1 tháng trước, đi thăm và hội chẩn cho một giáo sư ngành Y, vừa chào thầy xong đã bị “mắng” tại sao các bác sĩ Nội tiết lại chỉ định mổ tuyến giáp nhiều?”, TS Bảy kể.
Nội soi tuyến giáp tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
TS.BS Bảy phân tích, tuyến giáp là bệnh lý rất phổ biến ở Việt Nam nhưng việc điều trị hiện nay khá lung tung và không thống nhất, đặc biệt là chỉ định mổ và điều trị hormon tuyến giáp. Vì ung thư tuyến giáp thường tiến triển rất chậm, chỉ trừ những trường hợp đã có di căn hạch hay nằm sát/phá vỡ bao giáp hoặc vi ung thư cả 2 thùy thì mới có chỉ định mổ, còn lại hoàn toàn có thể theo dõi sát. Ngay cả trường hợp ung thư tuyến giáp lớn hơn 1 cm cũng không nhất thiết phải mổ hay can thiệp ngay lập tức.
Những trường hợp có chỉ định mổ u tuyến giáp là:
- U tuyến giáp có triệu chứng (ví dụ chèn ép, biến dạng cổ).
U tuyến giáp đã được khẳng định là lành tính nhưng to lên và có triệu chứng.
U tuyến giáp có tăng nồng độ Calcitonin máu (nghi ngờ ung thư tuyến giáp thể tủy - là loại ung thư rất ác tính).
U tuyến giáp có kết quả tế bào học không xác định (không rõ ràng, thuộc Bethesda nhóm III và IV), không phù hợp để theo dõi.
U tuyến giáp có kết quả tế bào học là ung thư hoặc nghi ung thư (thuộc Bethesda nhóm V và VI).
(Theo Hội tuyến giáp châu Âu)
Với nhiều bệnh nhân, chỉ định chọc tế bào cũng cần xem lại, vì theo Hướng dẫn của Hội tuyến giáp châu Âu năm 2023, chỉ chọc tế bào chẩn đoán nếu u TIRADS 5 lớn hơn 10 mm; hoặc cùng lắm chỉ nên chọc u lớn hơn 5 mm, còn u từ 2 - 3mm thì không nên chọc.
Những trường hợp u tuyến giáp không có chỉ định mổ, Hướng dẫn của Hội tuyến giáp châu Âu cũng ghi rõ: Không chỉ định điều trị hormon giáp (L-Thyroxin) cho các u tuyến giáp lành tính và bình giáp.
Thực tế, đại đa số bệnh nhân khi phát hiện có u ở tuyến giáp, thường nghĩ ngay đến ung thư. Dù được chẩn đoán u lành, nhiều người vẫn đòi được mổ, cắt u vì sợ ung thư tuyến giáp về sau.
Trước đây, các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ bị ung thư tuyến giáp khoảng 7-15% ở những người có bướu nhân tuyến giáp, nhưng nhiều nghiên cứu mới đây cho thấy tỷ lệ này có xu hướng thấp hơn nhiều.
Một nghiên cứu ở Đức trên 17.592 người có u tuyến giáp lớn hơn 1 cm được phát hiện trên siêu âm. Theo dõi từ 5 - 23 năm cho thấy: 189 người (chiếm 1,1%) được chẩn đoán ung thư tuyến giáp dựa trên kết quả chọc tế bào. Tỷ lệ ung thư tuyến giáp ở những người được theo dõi trên 5 năm giảm nhanh xuống mức dưới 1/1000 ca.
Với bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa có kích thước khối u từ 1-4 cm, được Hội Tuyến giáp Hoa Kỳ (ATA) khuyến cáo có thể cắt bán phần tuyến giáp thay cho cắt toàn bộ hoặc gần toàn bộ tuyến giáp. Bởi, cắt bán phần tuyến giáp vẫn có lợi ích tương tự nhưng tỷ lệ biến chứng thấp hơn so với cắt toàn bộ tuyến giáp.
U tuyến giáp là bệnh lý rất phổ biến ở Việt Nam.
Phương pháp theo dõi chặt mà không can thiệp
TS.BS Bảy cho biết, năm 1993, BS Akira Miyauchi ở Bệnh viện Kuma Kobe, Nhật Bản, bắt đầu đưa ra phương pháp theo dõi chặt mà không can thiệp (mổ ngay) các vi ung thư tuyến giáp thể nhú (PTMC) có nguy cơ thấp (T1aN0M0). Mới đây, “cha đẻ” của phương pháp theo dõi chặt này đã đưa ra một số kinh nghiệm và ý kiến như sau:
Phương pháp theo dõi: Các bệnh nhân được đánh giá bằng siêu âm mỗi 6 tháng, và có thể hàng năm sau đó. Kết quả, theo dõi sau 5 và 10 năm thấy tỷ lệ khối u tuyến giáp to lên 3 và 5,5%; tỷ lệ xuất hiện di căn hạch là 0,9 và 1,1%. Yếu tố khiến u to lên là những bệnh nhân dưới 40 tuổi.
Nhiều bác sĩ cho rằng, bệnh nhân lo sợ và không muốn sống cùng khối ung thư, nhưng nguyên nhân có thể lại chính từ cách giải thích về bệnh của bác sĩ. Thực tế ở Bệnh viện Kuma, chất lượng sống của các bệnh nhân PTMC cao hơn so với bệnh nhân mổ ngay và ngày càng nhiều bệnh nhân PTMC lựa chọn theo dõi sát.
So sánh giữa phương pháp theo dõi sát và mổ: Mổ là phương pháp tốt, tỷ lệ khỏi gần như 100%. Tuy nhiên, mổ có thể có các biến chứng như tỷ lệ liệt dây thanh tạm thời và vĩnh viễn là 8,7% và 0,9%; tỷ lệ bị suy cận giáp tạm thời và vĩnh viễn là 20,8% và 1,4%.
Tổng chi phí trong 10 năm của bệnh nhân điều trị mổ ngay cao gấp 4,1 lần bệnh nhân theo dõi sát (ở Nhật). Những bệnh nhân phải mổ sau một thời gian theo dõi sát có tiên lượng và tái phát hạch cổ sau mổ tương đương nhóm mổ ngay.
Cẩn thận biến chứng co quắp tay và cơ hô hấp
PGS.TS Tạ Văn Bình cảnh báo, hiện tại, nhiều người lạm dụng mổ u tuyến giáp mà không lường đến những hậu quả tác hại của nó. Với ung thư tuyến giáp, bắt buộc phải mổ, các trường hợp bướu giáp đơn thuần nên điều trị nội khoa theo dõi.
Bởi việc mổ giáp không chỉ gây suy giáp, ảnh hưởng tim mạch và toàn bộ tuyến nội tiết của cơ thể và có khoảng 5-7% bệnh nhân sau mổ tuyến giáp bị thiếu canxi tạm thời và dưới 1% thiếu vĩnh viễn. Bệnh này được gọi là suy cận giáp mắc phải.
Nguyên nhân là tuyến cận giáp nằm gần tuyến giáp, khi phẫu thuật tuyến giáp, tuyến cận giáp bị chấn thương. Khi bị suy cận giáp, xét nghiệm thấy nồng độ canxi máu thấp, trong nước tiểu cao, phospho máu cao, magie máu thấp, nồng độ hormon PTH (hormon cận giáp) thấp. Làm điện tâm đồ: Có thể phát hiện loạn nhịp tim…
Theo PGS.TS Tạ Văn Bình, việc chẩn đoán suy cận giáp tương đối khó khăn, phải do bác sĩ chuyên khoa nội tiết đảm nhiệm. Mức độ và tần suất xuất hiện các triệu chứng thường phụ thuộc vào mức độ hạ canxi máu.
Người bệnh thường có biểu hiện: Cảm giác tê bì ở các đầu ngón tay, môi và lưỡi; Đau các cơ ở chân, tay, bụng và vùng mặt; Yếu cơ: Co rút cơ, nhất là cơ quanh miệng, cánh tay và bàn tay. Co thắt thanh quản có thể gây khó thở nặng đòi hỏi phải điều trị cấp cứu; Đau bụng dữ dội mỗi khi có kinh nguyệt; Rụng tóc từng mảng và lông mày thưa; Da khô, móng tay bị biến dạng và dễ gãy; Đau đầu, mệt mỏi; Một số bệnh nhân bị trầm cảm hoặc co giật kiểu như động kinh…
Bệnh có thể gây ra các biến chứng do canxi máu thấp như: Cơn tetani, người bệnh có cảm giác tê bì môi, lưỡi, chân và tay, sau đó xuất hiện co quắp các ngón tay thành dấu hiệu điển hình gọi là “bàn tay người đỡ đẻ”, có thể kéo dài và rất đau. Thường kèm theo co giật các cơ ở vùng mặt và thanh quản, đôi khi gây khó thở dữ dội, nghe có tiếng rít thanh quản; Mất ý thức, co giật kiểu động kinh; Răng sún, loãng xương; Rối loạn nhịp tim và ngất.
Ngoài ra, còn một số biến chứng khác, thường là vĩnh viễn và không được cải thiện với điều trị canxi và vitamin D, đó là lùn, trí tuệ kém phát triển, đục thủy tinh thể...
Tình trạng bệnh nhân thiếu canxi sau mổ giáp là phổ biến. Vì vậy, sau mổ giáp nên áp dụng chế độ ăn giàu canxi như bơ sữa, rau xanh, nước cam đậm đặc, ngũ cốc... và ít phospho; tránh dùng nước ngọt có acid phosphoric.