Làm đẹp bằng tiêm Filler có an toàn như quảng cáo?

Google News

(Kiến Thức) - Gần đây, phương pháp tiêm Filler thu hút những người thích làm đẹp nhưng sợ đụng chạm dao kéo. Được quảng cáo hiệu quả, an toàn nhưng thực tế, hàng loạt trường hợp biến chứng nguy hiểm do tiêm Filler khiến không ít chị em hoang mang. 

"Nâng mũi bằng chất làm đầy không đau, không cần can thiệp dao kéo, không để lại sẹo. Tiêm chất làm đầy mũi (Filler) không cần nghỉ dưỡng, sở hữu ngay chiếc mũi đẹp tự nhiên chỉ sau 15 phút...", hay "không chảy máu, không đau đớn, không biến chứng... phương pháp nâng mũi không phẫu thuật được nhiều người lựa chọn do tuyệt đối an toàn..." là những quảng cáo hấp dẫn khiến không ít chị em quyết tâm làm đẹp ngay và luôn.
Tuy nhiên, có một thực tế là trong khi công nghệ làm đẹp này càng phổ biến thì lại có nhiều hơn những người phụ nữ gặp biến chứng kinh hoàng. 
Mù mắt, liệt nửa người vì tiêm Filler
Mới đây nhất (đầu tháng 3/2018), trao đổi trên Zing, thạc sĩ - BSCKI Hoàng Thanh Tuấn (Hà Nội) cho biết nhận được lời "cầu cứu" của một nữ bệnh nhân bị biến chứng nặng do tiêm Filler để nâng mũi. Bệnh nhân bị viêm nặng, mưng mủ, hoại tử gần như toàn bộ sống mũi sau 10 ngày làm đẹp tại một spa ở Hà Nội. 
Lam dep bang tiem Filler co an toan nhu quang cao?
 Bệnh nhân hoại tử mũi do tiêm filler tại một spa. Ảnh: BSCC.
Sau một tuần điều trị tích cực bằng cách hút mủ, đặt dẫn lưu, bơm rửa, theo dõi sát sao, vùng mũi của bệnh nhân đã ổn định. 
Trước đó, theo thông tin trên Đời sống&Pháp luật, mong muốn sở hữu mũi cao, thanh thoát mà không cần phẫu thuật, mới đây chị H. (27 tuổi, Hưng Yên) đã tiêm Filler nâng mũi tại một spa gần nhà. Ngày thứ 2 sau khi làm đẹp, mũi chị H. bắt đầu có hiện tượng sưng đỏ, dần chuyển sang bầm tím. Chị được spa này giải thích đây là hiện tượng bình thường và chờ cho mũi hết sưng.
Ngày thứ 5, tình trạng mũi không được cải thiện, thậm chí tiến triển nặng hơn. Quá lo sợ, bệnh nhân lập tức về Hà Nội thăm khám và kiểm tra.
Lam dep bang tiem Filler co an toan nhu quang cao?-Hinh-2
Chị H. suýt mất mũi vì tiêm Filler - Ảnh: BSCC.
Bác sĩ thẩm mỹ Nguyễn Hoàng Hà (tốt nghiệp bác sĩ Đa khoa, Đại học Y Hà Nội), người điều trị biến chứng sau thẩm mỹ cho chị H., chia sẻ: "Bệnh nhân bị tiêm Filler trúng tĩnh mạch nên bị tắc mạch máu, không phát hiện kịp thời có thể dẫn đến tình trạng hoại tử, khó giữ lại phần mũi".
Tháng 12/2017, TAND quận 6 (TP.HCM) thụ lý đơn kiện của Nguyễn Thị L. (23 tuổi, quê Đắk Lắk) - người bị mù mắt trái vì tiêm chất làm đầy trên mặt - với chủ cơ sở thẩm mỹ H.A (đường Đặng Nguyên Cẩn, quận 6, TP.HCM). 
Chia sẻ câu chuyện của mình với báo chí, chị Nguyễn Thị L cho biết, hơn một năm chị L. đến cơ sở thẩm mỹ H.A. xin học xăm mi, nhấn mí, tiêm chất làm đầy. Trong quá trình học, Nguyễn Thị L được chị H. (chủ cơ sở thẩm mỹ) đề nghị làm mẫu tiêm Filler và quay phim lại làm tư liệu.
Sau khi L. chấp thuận, người phụ nữ tên H. dùng một mũi kim to chứa chất làm đầy đâm thẳng vào sống mũi cô gái. Chỉ vài phút sau, L. có cảm giác đau nhói, choáng váng đầu óc và ói liên tục và ngất xỉu.
Nạn nhân sau đó được chủ cơ sở thẩm mỹ đưa đến bệnh viện (BV) cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ (BS) chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết não, thuyên tắc động mạch mắt gây mù mắt trái, thuyên tắc mạch máu não dẫn đến yếu nửa người bên phải. Sau khi xuất viện, L. tiếp tục đến khám tại BV Chợ Rẫy thì được cho biết toàn bộ dây thần kinh hốc mắt trái đã bị phá hủy và bắt đầu bong giác mạc. Mắt của cô gái cũng bị teo nhãn cầu, có khả năng phải múc bỏ.
Tháng 9 năm ngoái, chị Y.L (17 tuổi, Hà Nội) chia sẻ trên một diễn đàn làm đẹp về việc tiêm Filler nâng mũi tại một spa khá nổi tiếng. Tuy vậy, chị Y.L bị sưng phồng cánh mũi, tấy đỏ và nổi nhiều mụn nước to 2 ngày sau khi tiêm.
"Vậy là không cứ gì tiêm Filler ở các cơ sở thẩm mỹ "chui" tại gia, ngay cả khi thực hiện ở những spa nổi tiếng thì các chị em cũng nên cẩn thận bởi vẫn có thể gặp rủi ro", chị L. lên tiếng cảnh báo những ai muốn thực hiện việc tiêm chất làm đầy nên cẩn thận.
Những sự số trên chỉ là một vài trong rất nhiều trường hợp biến chứng kinh hoàng từ phương pháp làm đẹp bằng tiêm Filler thời gian gần đây. 
Làm đẹp bằng tiêm filler có thực sự an toàn?
Chia sẻ về việc làm đẹp bằng Filler trên VOV, Đại tá - PGS.TS Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết: “Tại Khoa Phẫu thuật hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chúng tôi cùng các đồng nghiệp đã phải khắc phục sự cố, thậm chí cấp cứu cho rất nhiều trường hợp gặp biến chứng do tiêm chất làm đầy.
Với chị em phụ nữ, phần lớn các trường hợp bị biến chứng do lạm dụng tiêm Filler nâng mũi bị biến dạng hoặc sưng tấy, môi hoại tử hoặc ngực bị viêm nhiễm dẫn đến xơ hoá, vón cục như quả cam, quả chanh dẫn đến nhiễm trùng…
Chúng tôi phải khoét bỏ hoàn toàn phần ngực hoặc chích nạo vét khối hoại tử đó và tái tạo bộ phận mới. Nguy hiểm nhất với cánh mày râu, đa phần họ dùng Filler tiêm vào dương vật nhằm tăng kích thước, đến khi viêm nhiễm, đau đớn chúng tôi lại phải giúp họ khắc phục hậu quả đáng tiếc này”.
Lam dep bang tiem Filler co an toan nhu quang cao?-Hinh-3
Bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật khuyên mọi người không nên tiêm filler để nâng mũi.
PGS.TS Tài Sơn khuyên mọi người không nên tiêm Filler để nâng mũi, bởi Filler là chất lỏng, không thể đậu trên sống mũi lâu được mà chỉ một thời gian ngắn chúng sẽ chảy tràn sang hai bên cánh mũi, làm mũi bị bè, to, rất xấu. Mặt khác, nếu lạm dụng tiêm nhiều chất này ở những cơ sở không được cấp phép trong khi tay nghề kỹ thuật viên không chuyên nghiệp sẽ dẫn đến biến chứng như: nhiễm trùng, hoại tử do Filler không đảm bảo.
Cách làm đẹp này cũng chỉ phù hợp với trường hợp như muốn làm đầy với thể tích từ một đến vài xi-lanh, còn việc làm đẹp để bơm má, nâng ngực và mông… thì cần phải tiêm với dung lượng lớn trong khi những bộ phận này có nhiều mạch máu. Nếu tiêm không chuẩn rất dễ dẫn tới biến chứng và tử vong.
Trong khi đó, theo khuyến cáo của các chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ, việc sử dụng Filler không rõ nguồn gốc tại các cơ sở chui, bác sỹ không có tay nghề thì bản thân việc sử dụng Filler ẩn chứa đầy hiểm họa như: Làm liệt cơ mặt, tăng nếp nhăn nếu ngừng dùng, đẩy nhanh quá trình lão hóa da và gây nên những biến chứng khó lường.

Filler được phát minh ra để thay thế cho silicone lỏng. Thành phần của chất này bao gồm HA (Hyaluronic Axit), cũng là một axit có trong cơ thể. Tất cả đã được kiểm nghiệm thực tế trên hàng trăm nghìn ca, chúng cho kết quả an toàn, được Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) công nhận.

Tuy nhiên, Filler chính hãng đạt chuẩn rơi vào tay người tiêm sai kỹ thuật vẫn có nguy cơ biến chứng. Filler chính hãng được bác sĩ có giấy phép hành nghề tiêm sẽ đảm bảo tỷ lệ an toàn rất cao. Bác sĩ cũng là người chịu trách nhiệm khi biến chứng xảy ra.
Hiện nay chất liệu Filler bị làm giả trôi nổi trên thị trường rất nhiều. Nếu bệnh nhân người tiêm chất sau 20 tháng vẫn không tan hết. Đây là loại đã bị pha silicone lỏng.
Thảo Nguyên

>> xem thêm

Bình luận(0)