Chất làm đầy, hay còn gọi là filler là hợp chất có cấu tạo từ Axit Hyaluronic – tương tự một chất tự nhiên tồn tại trong cơ thể người, được dùng để tiêm vào da với một lượng rất nhỏ bằng loại kim chuyên biệt.
|
Tiêm filler nâng mũi đang là trào lưu được nhiều người ưa thích do hiệu quả tức thì, không cần đụng đến dao kéo. Ảnh minh họa: Zing.vn. |
Chất gel sẽ ngay lập tức tạo thành một khối mô dày dưới nếp nhăn (vùng trán, đuôi mắt, khóe miệng) hoặc vùng cần nâng độn (lầm đầy, làm thẳng sống mũi, làm hở cánh mũi) và tạo hình cằm, tạo đường cong mà không cần đụng chạm "dao kéo".
Sở dĩ hiện nay, nhiều người hào hứng với phương pháp nâng mũi bằng tiêm filler là do ưu điểm cho hiệu quả tức thì, không cần đụng đến dao kéo. Tuy nhiên, đã có không ít trường hợp nhận “trái đắng” từ phương pháp làm đẹp này.
Trao đổi về vấn đề này, Đại tá – Tiến sĩ Nguyễn Huy Thọ, Nguyên chủ nhiệm khoa Phẫu thuật hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện TW Quân đội 108 cho biết, chất filler nếu đúng quy chuẩn cho phép, được Bộ Y tế cấp phép thì khi tiêm vào cơ thể sẽ tự phân hủy được. Thời gian filler phân giải, tự tiêu đi khoảng từ 6-8 tháng. Sau đó, bệnh nhân muốn đẹp phải đi làm lại bằng quá trình tương tự.
Nếu tiêm filler kém chất lượng, chất làm đầy này sẽ không thể tự tiêu hủy được, do đó sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng như chất tiêm vào bị vón cục, gây sưng tấy, nhiễm trùng chảy mủ và máu, mũi biến dạng, hoại tử,...
|
Một trường hợp bị chảy mủ sau hơn 4 tháng tiêm filler nâng mũi. Ảnh: Facebook nhân vật. |
Ngoài ra, theo bác sĩ Thọ, khi tiêm bất kỳ chất gì vào cơ thể cần phải đảm bảo thực hiện ở điều kiện vô trùng. Với các trường hợp bị nhiễm trùng do quá trình thực hiện chưa đảm bảo tiệt trùng, khi tiêm sẽ đưa vi khuẩn vào dẫn đến bệnh nhân bị nhiễm trùng sau 5-7 ngày. Triệu chứng nhiễm trùng thông thường là sưng, tấy, đau.
Ngoài ra, hóa chất tiêm vào không rõ nguồn gốc, kém chất lượng cũng có thể gây dị ứng. Cụ thể, tại vùng tiêm sẽ bị sưng nề, nổi mẫn, ngứa. Sau một thời gian, người tiêm có thể có cảm giác bất thường, vết tiêm bị chảy dịch, da đỏ theo từng ngày/mùa/năm, kèm theo cảm giác đau, sưng tấy.
Bác sĩ Nguyễn Huy Thọ còn cho biết thêm, điểm bất lợi khi tiêm filler là không có cảnh báo trước. Khác với kháng sinh, chất filler tiêm vào không có quy trình thử phản ứng. Do đó, tùy từng người, chất tiêm vào có thể gây phản ứng nếu không phù hợp với cơ thể.
Có trường hợp xuất hiện biểu hiện nhiễm trùng trong 5-7 ngày sau tiêm. Tuy nhiên, cũng có trường trường hợp sau một thời gian dài mới xuất hiện mủ, gọi là nhiễm trùng muộn, do vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào hoặc do bản thân chất tiêm vào gây viêm.
Với các trường hợp bị biến chứng, sau một thời gian tiêm, chất filler gây xơ hóa dưới da tại vùng tiêm. Đối với những trường hợp này, cần phẫu thuật để lấy đi chất làm đầy trong mũi (nạo mũi). Nếu không lấy ra, vùng tiêm bị biến chứng gây vón cục, sưng đau, biến dạng hoặc hoại tử.
Trước các biến chứng khôn lường xảy ra với nhiều trường hợp sau tiêm filler làm đẹp, bác sĩ Nguyễn Huy Thọ cảnh báo: Tuyệt đối không ham rẻ, nghe những lời tư vấn xuôi tai để đánh đổi nhan sắc, sức khỏe của mình ở những cơ sở không có uy tín, không có chuyên môn.
|
Đại tá – Tiến sĩ Nguyễn Huy Thọ, Nguyên chủ nhiệm khoa Phẫu thuật hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện TW Quân đội 108. |
Bệnh nhân cần đến các bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật hoặc những cơ sở thẩm mỹ được cấp phép. Và cần được các bác sĩ có chuyên môn tư vấn, giải thích cơ chế thực hiện, những thành công, thất bại có thể xảy ra”.