Trên trang facebook cá nhân của mình, chuyên gia, diễn giả Phạm Ngọc Anh cho rằng, một số chị em phụ nữ khi đã có gia đình thường kêu gào: Chồng tao chán lắm, thế nọ thế kia rồi thao thao kể về tất thảy những tật xấu của người đầu ấp tay gối, thế nhưng có một điều mà họ không bao giờ nghĩ tới đó chính là 2 từ: Ly hôn.
"Có thể nhiều người cho rằng họ sợ, rồi thì họ lo lắng cho con cái… tôi thì nghĩ khác biệt đôi chút, có thể trong suy nghĩ của họ, chồng mình lúc nào cũng thật sự "tệ" theo một cách nào đó nhưng lại là người luôn bên họ trong những khi họ cảm thấy mệt mỏi nhất. Nói không ngoa thì chồng có thể là người hiểu họ từ chân tơ kẽ tóc, không một ai có thể hiểu người vợ bằng chồng của họ", diễn giả Phạm Ngọc Anh nói.
Theo diễn giả Phạm Ngọc Anh, trong hôn nhân, tình bạn – cách mà 2 người sẻ chia, đồng cảm, đứng về phía nhau mới là thứ quan trọng nhất. "Tôi vẫn thường biết ơn rằng vợ mình không phải là người hoàn hảo nhưng cô ấy là người biết lắng nghe, chẳng cần phải đao to búa lớn, cô ấy cứ bên cạnh tôi trong suốt những năm tháng khó khăn rồi cùng tôi trưởng thành và phát triển", anh nói.
Theo các chuyên gia tâm lý, bất cứ ai khi đang ở trong đời sống hôn nhân đều luôn có một khát khao mong muốn đó là sự thân mật, đồng cảm giữa hai người. Tuy nhiên, đây là thứ mà các cặp đôi vợ chồng dễ thất vọng về nhau nhất.
Sự thân mật, đồng cảm giữa vợ chồng bản chất chính là tình bạn, là tình tri âm, tri kỷ. Thế nhưng trước khi kết hôn, đa số các bạn trẻ đều nghĩ rằng tình yêu mới là điều quan trọng. Ít bạn trẻ hiểu được rằng để chung sống lâu dài thì khía cạnh tình bạn trong hôn nhân mới là điều cần thiết nhất. Có người ví, tình yêu mà không có tình bạn cũng như một bức tranh đẹp nhưng xa lạ.
Những người không khao khát một tình yêu bất diệt chỉ vì họ thiếu tình bạn trong hôn nhân. Không thể tránh khỏi, sự vắng mặt tình bạn sẽ dẫn đến một loạt các đòi hỏi ích kỷ cuối cùng là sự hiểu lầm, lục đục, thậm chí ghẻ lạnh trong cuộc sống lứa đôi.
Đó là lý do vì sao có những cặp vợ chồng không thể chia sẻ được với nhau những điều hệ trọng của mình, trong khi họ lại có thể tâm sự những điều đó với bạn bè.
Trong khi đó, đã là vợ chồng thì phải trò chuyện được với nhau về mọi điều buồn vui ở đời. Cao hơn nữa, muốn thành người tri âm, tri kỷ của nhau vợ chồng phải tâm đắc trong nhiều lĩnh vực mới có thể tìm thấy hứng thú trong những khi trò chuyện với nhau.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, muốn như thế phải có thời gian, vợ chồng mới hòa hợp được với nhau, hai "cái tôi" mới cộng vào thành "cái chúng ta".
Từ tình yêu đến tình vợ chồng là cả một khoảng cách lớn. Khi ta yêu một ai đó, nhiều khi không phải ta yêu chính con người đó mà ta đang yêu cái "ảo ảnh màu hồng" của người đó, hình ảnh tưởng tượng về người đó, với các ưu điểm được phóng to lên và các khuyết điểm được thu nhỏ lại. Sau khi kết hôn, ánh hào quang lung linh ấy tan dần, phải có thời gian và nỗ lực của cả hai, mới dần đi tới những hứng thú, quan điểm, thói quen gần giống nhau, mới có những nguyên tắc ứng xử gần giống nhau và nói chung là mới hợp nhau. Điều đó, đòi hỏi cả hai đều phải cố gắng hàng ngày, suốt đời, không ngừng nghỉ. Vì bất kỳ một hạnh phúc nào mà chẳng phải cố gắng.
Ngân Khánh