Trúc là sinh viên tỉnh lẻ, năm 18 tuổi, cô lặn lội lên Sài Gòn học Đại học. Vốn là cô gái có tính tình hòa đồng lại sở hữu gương mặt xinh xắn dễ nhìn, Trúc luôn được các anh chàng cùng lớp vây quanh. Nhà Trúc ở nông thôn nhưng cha mẹ lại là điền chủ nhiều ruộng nhiều đất, thế nên chuyện con gái quen ai hoặc hôn nhân của con mình, ba mẹ Trúc cũng rất “kén cá chọn canh”.
Vào năm nhất đại học, một lần tình cờ Trúc đang đi mua sách thì xe bị hư giữa đường. Lúc này may mắn có anh bạn cùng lớp đi ngang qua giúp đỡ tận tình. Anh chàng thư sinh cao ráo lại chịu khó học hành nên dần dà Trúc cũng đem lòng yêu mến. Tuy có cảm tình với nhau nhưng cả hai lúc nào cũng giấu mọi người vì e ngại.
Mãi đến cuối năm hai đại học, trong một chuyến dã ngoại tận Đà Lạt cả hai mới thổ lộ tâm tình và quyết định quen nhau. Học xong, ra trường, tìm được công việc ổn định họ tính tới chuyện hôn nhân. Thế nhưng, đôi trẻ lại phải đối mặt với sự phản ứng dữ dội từ gia đình Trúc. Đúng như lời “dự báo” từ trước, ba mẹ Trúc hà khắc đòi “đặt đâu con ngồi đó”, nếu muốn tự chọn chồng thì Trúc phải chọn được người “môn đăng hộ đối”. Chuyện lấy một anh chàng nghèo kiết xác không thể chấp nhận được.
Rõ ràng, chuyện “môn đăng hộ đối” ngày nay không ít người vẫn còn xem trọng. Họ quan niệm người không cùng đẳng cấp dễ có quan điểm bất đồng, gây xung đột khiến đời sống hôn nhân gặp trục trặc. Vì lý do này mà các gia đình khá giả khi dựng vợ gả chồng cho con cái đều muốn tìm một gia đình tương xứng để hôn nhân suôn sẻ, thuận hòa.
Tuy có phần “dễ chịu” so với thời xưa nhưng nhiều gia đình hiện nay vẫn còn đặt nặng vấn đề này. Cha mẹ lúc nào cũng muốn con hạnh phúc nên chuyện môn đăng hộ đối đặt ra xưa nay cũng không hẳn là xấu. Bởi lẽ một cuộc hôn nhân vừa có tình yêu chân thành vừa “xứng đôi vừa lứa” thì còn gì viên mãn bằng. Nhưng nếu không có được điều này thì các cuộc hôn nhân vẫn cứ diễn ra theo quy luật bất biến của nó. Nếu thật sự thấu hiểu cảm thông thì sóng gió gì cũng có thể vượt qua, tay trắng cũng tạo nên sự nghiệp rực rỡ.
Thật ra "môn đăng hộ đối" không nên quá phụ thuộc vào các yếu tố vật chất. Bởi vì tiền bạc, địa vị bạn có thể nỗ lực đạt được, còn tình cảm thì không đơn thuần có được nhờ cố gắng. Chỉ cần thấu hiểu, cảm thông và chấp nhận khác biệt là bạn có thể gắn bó nhau lâu dài. Đừng để tư tưởng “môn đăng hộ đối” giết chết tình yêu chân thành.
Nếu ngày xưa hôn nhân là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” cốt sao cho “môn đăng hộ đối” thì nay người trẻ đã phần nào thay đổi quan điểm này. Họ độc lập sớm hơn nên có thể tự quyết định hôn nhân của cuộc đời mình mà không cần xét đến yếu tố gia cảnh. Họ xem tình yêu là quan trọng hơn hết và luôn muốn dốc lòng xây dựng nền tảng hôn nhân hạnh phúc từ sự chân thành. Vậy nên có lẽ các gia đình hiện đại cũng nên suy nghĩ “nhẹ nhàng” hơn về vấn đề này.