Câu hỏi: Tôi được biết có nhiều người ở TP.HCM và các tỉnh miền Trung bị nhiễm sán lá gan lớn, một số bị áp xe gan. Xin bác sĩ cho biết biểu hiện nghi ngờ có thể bị nhiễm sán lá gan lớn là gì?
Trả lời
Bác sĩ chuyên khoa II Đào Bách Khoa, Trưởng khoa Nhiễm A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM
Sán lá gan lớn gây bệnh cho người có 2 loại: Fasciola hepatica và Fasciola gigantica. Sán lá gan lớn ký sinh, sinh sản và trưởng thành ở động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu được thải qua phân ra môi trường bên ngoài.
Người mắc bệnh do ăn sống các loại rau mọc dưới nước (như rau nhút, rau ngổ, rau cần, cải xoong...) hoặc uống nước chưa nấu chín có nhiễm ấu trùng sán.
Biểu hiện nhiễm sán lá gan lớn phản ánh hành trình của sán trong cơ thể người.
Trong giai đoạn sán đi qua gan, kéo dài khoảng 2-4 tháng, phản ánh sự di chuyển của ấu trùng qua vách ruột non, màng bụng và mô gan. Những biểu hiện của giai đoạn này gồm:
Đau bụng vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc vùng thượng vị, có thể đau âm ỉ, đôi khi dữ dội.
Sốt nhẹ, thoáng qua, một số ít có thể sốt kéo dài, sốt cao.
Mệt mỏi, biếng ăn, sụt cân.
Cảm giác đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn.
Nổi mề đay, sẩn da.
Một số trường hợp, ấu trùng sán di chuyển lạc chỗ và gây tổn thương ở các vị trí bất thường như thành ruột, màng phổi, cơ thăn...
Xét nghiệm máu có thể phát hiện tăng bạch cầu ái toan.
Siêu âm bụng có thể thấy các tổn thương ở gan dạng nhiều kén sán nhỏ tụ thành khối, đường hầm, phân nhánh, biểu hiện sự di chuyển của sán qua gan.
Giai đoạn sán trưởng thành ở ống mật, kéo dài nhiều năm. Những biểu hiện lâm sàng trong giai đoạn này gồm:
Những triệu chứng như sốt, ăn không ngon, đau bụng biến mất.
Một số trường hợp bị biến chứng tắc nghẽn đường mật với biểu hiện: Vàng da, sốt, đau bụng từng cơn.
Xét nghiệm máu bạch cầu ái toan có thể không tăng.
Siêu âm bụng phát hiện một khối mềm sáng gây tắc nghẽn đường mật ngoài gan.