Sau cúm loại A, Trung Quốc đang bước vào đỉnh điểm của dịch cúm loại B. Cô Trần, 41 tuổi, ở Dương Châu, Giang Tô, gần đây mắc bệnh cúm. Tuy nhiên nghĩ rằng cúm chỉ là bệnh vặt, cô Trần không đi khám chữa bệnh kịp thời, cố gắng chống chọi với bệnh cúm trong 10 ngày. Hậu quả là vài ngày trước, cô ngất xỉu ngay khi vừa thức dậy, phải đi cấp cứu. Kết quả xét nghiệm tại bệnh viện cho thấy phổi của cô cơ bản đã mất chức năng, suy hô hấp, hai lá phổi trắng bệch, tính mạng cực kỳ nguy hiểm.
Bác sĩ cho biết, cô Trần vốn có bệnh tiểu đường, cách đây hơn nửa tháng, cô bắt đầu có các triệu chứng cúm bao gồm sốt, ho và mệt mỏi, tuy nhiên vì coi thường bệnh cúm nên cô đã chọn cách chữa tại nhà. Khoảng 10 ngày tiếp theo, các triệu chứng của cô Trần dần trở nên trầm trọng hơn, bắt đầu cảm thấy tức ngực và hen suyễn nhưng vẫn không đến bệnh viện điều trị.
|
Ảnh minh hoạ. |
Cách đây vài ngày, cô Trần đột ngột ngã quỵ tại nhà, gia đình đã đưa cô đến bệnh viện để cấp cứu, điều trị. Tuy nhiên, trong lúc truyền dịch, cô Trần đột nhiên rơi vào tình trạng hôn mê. Bác sĩ ngay lập tức kiểm tra chi tiết và phát hiện cả hai lá phổi của cô đều chuyển sang màu trắng, đây là bệnh viêm phổi nặng do biến chứng của bệnh cúm.
Sau khi kiểm tra chi tiết tại bệnh viện, phổi của người phụ nữ bị nhiễm nhiều loại virus, là một bệnh nhiễm trùng hỗn hợp. Các bác sĩ chỉ ra rằng việc chống chọi với bệnh cúm sẽ làm tăng đáng kể tình trạng nhiễm nấm gây bệnh, cuối cùng dẫn đến bệnh phổi trắng.
Các bác sĩ nhắc nhở rằng đây là mùa cúm, bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh có nguy cơ cao bị viêm phổi nặng, nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt cao dai dẳng, khó thở thì nên đi khám ngay, không nên chủ quan.
Hiện tại, cô Trần đang được điều trị và theo dõi tại bệnh viện.