Căn bệnh khoảng 20% người Việt mắc nhưng hầu hết đều tự chữa

Google News

Việc tự ý chữa trị như bôi thuốc, đắp lá khi viêm da rất nguy hiểm, có thể dẫn đến bội nhiễm, nhiễm trùng, hoại tử dẫn đến có thể phải cắt cụt chi.

Thời tiết lạnh khô cũng là nỗi lo lắng, ám ảnh hàng đầu của những người bị viêm da, viêm da cơ địa. Đây là bệnh lý da liễu và có tỷ lệ mắc cao tại Việt Nam. Theo thống kê, ở nước ta, có đến 20% dân số từng mắc căn bệnh này.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng thời gian qua tiếp nhận xử trí nhiều bệnh nhân bị viêm da do tự ý sử dụng thuốc, đắp ủ bằng lá cây. Việc làm này khiến bệnh nhân bị viêm nhiễm lở loét rất nguy hiểm.
Cụ thể, trong ngày 21/1 Khoa Khám bệnh, bệnh viện tiếp nhận 1 bệnh nhân bị viêm da ở bàn tay. Bệnh nhân nữ 10 tuổi, trú tại huyện Quảng Hòa đến khám với bàn tay có nhiều vết lở loét, viêm nhiễm nặng nề.
Can benh khoang 20% nguoi Viet mac nhung hau het deu tu chua
 Bệnh nhi 10 tuổi với bàn tay lở loét chảy mủ do tự ý đắp thuốc chữa viêm da 
Người nhà bệnh nhân cho biết, ban đầu chỉ nổi mụn nhỏ li ti, sau lan rộng, gia đình đã rửa, đắp lá cây khoảng 1 tháng nay để chữa, nhưng không khỏi. Từ những nốt viêm da nhỏ hiện nay đã tạo vết loét to có mủ.
Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân 30 tuổi, trú tại huyện Quảng Hòa đến khám với biểu hiện: đầu vú nổi nhiều nốt mẩn ngứa. Bệnh nhân, đã mua thuốc tự bôi nhưng không đỡ. Qua thăm khám, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm da cơ địa.
Viêm da cơ địa là bệnh lý da liễu biểu hiện bằng tình trạng da nổi mẩn đỏ và ngứa, có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Đây là bệnh lý diễn ra kéo dài thành mãn tính và có xu hướng bùng phát theo chu kỳ.
Tương tự, trong thời gian gần đây, Bệnh viện Da liễu Hà Nội cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám các bệnh về da, chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết khô lạnh mùa đông, như: Viêm da cơ địa, khô da, sần ngứa, mề đay…
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Yến, Trưởng khoa Khám bệnh của bệnh viện lưu ý, có những bệnh nhân khi mắc bệnh đã tự ý lên mạng, tìm kiếm “bác sĩ Google” hoặc mua thuốc tự điều trị.
Tại Khoa Da liễu (Bệnh viện Nhi Trung ương) cũng liên tục tiếp nhận các trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng da khô đỏ, ngứa trên diện rộng. Trong đó có thể kể đến trường hợp bé trai T.P (14 tháng tuổi, ở Hà Nội) khi thấy da con khô sần, nổi mảng đỏ, ngứa... không cho đi khám, người lớn đã tự mua thuốc về nhà để điều trị.
Sau đó, các tổn thương trên da tiếp tục lan ra toàn thân, khiến bé ngứa ngáy khó chịu, quấy khóc, ăn kém. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé P. được chẩn đoán viêm da cơ địa hay còn gọi là chàm thể tạng (eczema), là căn bệnh mạn tính và có liên quan tới cơ địa dị ứng.
“Một trong những sai lầm thường gặp ở cả người lớn và trẻ em khi gặp các vấn đề, như: Da khô, nứt nẻ… thường dùng các loại lá đun lấy nước để tắm. Các loại lá cây như trà xanh dù kháng khuẩn nhưng lại khiến da khô, tạo môi trường bất lợi cho da... Thậm chí, nhiều bệnh nhân còn dùng lá chà xát lên da, làm cho da bị tổn thương nặng nề”, bác sĩ Nguyễn Quang Minh, khoa Da liễu, BV Nhi Trung ương cảnh báo.
Điều này rất nguy hiểm bởi khi tự ý chữa trị có thể dẫn đến bội nhiễm, nhiễm trùng, hoại tử dần dẫn đến có thể phải cắt cụt chi, các bộ phận cơ thể…
Để phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra từ viêm da do tự ý đắp lá, bôi thuốc các bác sỹ cảnh báo người dân không tự ý sử dụng các bài thuốc chưa được kiểm chứng để chữa trị, cũng như tự ý mua thuốc về sử dụng khi chưa được bác sỹ thăm khám, kê đơn.
Khi có những biểu hiện của bệnh lý người dân cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra khi chữa trị muộn.
Theo H. Anh/ Infonet

>> xem thêm

Bình luận(0)