Cách sử dụng hành tăm trong các bài thuốc tốt cho sức khỏe

Google News

Với hàm lượng chất xơ cao, khả năng kháng khuẩn tốt, hành tăm có thể tiêu diệt vi sinh vật gây hại cho đường tiêu hóa, chống đầy hơi, giảm viêm và táo bón.

Hành tăm có các tên gọi khác là: củ nén, hành nén,... Là loài cây thuộc họ Hành, có thể dùng các bộ phận: củ, hoa, lá để chế biến thực phẩm và chữa trị bệnh. Cây hành tăm phù hợp để trồng ở đất thịt pha cát, là loài cây ưa sáng. Cây được trồng bằng củ, không chịu được ngập úng.
Nhiều giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe
Tăng đề kháng, chống oxy hóa: Trong củ hành tăm có nhiều khoáng chất, selen, vitamin,... đặc biệt là vitamin C, đều là các chất chống oxy có vai trò tạo mô liên kết, collagen cải thiện độ đàn hồi của da. Đây cũng là những thành phần tốt cho hệ miễn dịch để giúp cơ thể tăng đề kháng chống lại tác nhân gây bệnh bên ngoài môi trường.
Tốt cho xương khớp: Đối với xương khớp, hành tăm có tác dụng gì? Thành phần vitamin K trong củ hành tăm có thể hỗ trợ ổn định mật độ xương, điều hòa tế bào để phòng ngừa loãng xương.
Vitamin K kích thích sản xuất osteocalcin để duy trì mật độ xương. Đặc biệt, Vitamin K giúp hạn chế sự đào thải canxi qua nước tiểu để giảm nguy cơ loãng xương.
Tốt cho thị lực: Những thành phần vitamin A, zeaxanthin, lutein,... trong hành tăm có công dụng loại bỏ gốc tự do ảnh hưởng không tốt đến mắt, giảm oxy hóa khi mắt tiếp xúc với ánh sáng. Quercetin trong hành tăm giúp bệnh nhân bị thoái hóa điểm vàng bảo vệ sự ổn định của thị lực.
Cải thiện tiêu hóa: Với hàm lượng chất xơ cao, khả năng kháng khuẩn tốt, hành tăm có thể tiêu diệt vi sinh vật gây hại cho đường tiêu hóa, chống đầy hơi, giảm viêm và táo bón. Chất xơ trong hành tăm là chất xơ không hòa tan nên khi ăn sẽ mang lại cảm giác no lâu, giảm thiểu được cảm giác thèm ăn.
Cach su dung hanh tam trong cac bai thuoc tot cho suc khoe
 Hành tăm chữa nhiều bệnh rất độc đáo nhiều người chưa biết - Ảnh BSCC
Cách sử dụng hành tăm trong các bài thuốc
Chữa ho gà: Giã nhuyễn lá hoặc củ hành tăm sau đó đem hấp cùng đường phèn rồi chắt lấy phần nước để uống.
Chữa cấm khẩu do trúng gió: Lấy khoảng 10g củ hành tăm đem ép lấy nước cốt sau đó lấy lông gà quét vào nước hành và đưa vào trong cổ họng cho đến khi nôn ra được.
Chữa lòi dom: Giã nát 10 tép hành tăm rồi xào nóng sau đó dùng xông hậu môn.
Ngộ độc thức ăn: Giã nát 6g củ hành tăm rồi pha cùng với rượu trắng và uống.
Chữa viêm khớp: Giã nát 15g gừng, 60g củ hành tăm rồi trộn lẫn trong rượu trắng sau đó trộn đều và đắp lên vùng bị đau.
Chữa đau thần kinh sườn: Giã nát 2 miếng nhỏ củ cải trắng, 2 củ gừng, 100g củ hành tăm rồi đem sao nóng sau đó cho vào một chiếc khăn mỏng để đắp lên vùng bị đau.
Chữa tê tay chân: Nấu 3g ớt với 16g gừng và 62g củ hành tăm lấy nước uống 2 lần/ngày.
Giải cảm: Giã nát củ hành tăm đã được rửa sạch sau đó hòa vào nước để uống. Hoặc vò nát lá hành tăm sau đó đập dập củ gừng rồi cho chung vào trong một chiếc túi lưới và dùng để đánh gió giải cảm.
Trị sâu bọ hoặc rắn cắn: Nhai 7 củ hành tăm nuốt lấy phần nước còn phần bã dùng để đắp lên nơi bị cắn.
Phòng ngừa cảm lạnh: Nhai một nắm nhỏ hành tăm sau đó nuốt cùng 1 chén rượu trắng.
Trị bí tiểu, trướng bụng: Lấy một nắm hành tăm đã rửa sạch đem giã nhỏ sau đó sao nóng rồi cho vào một chiếc khăn mỏng, đắp lên vùng bụng dưới.
Ứ máu vết thương: Nấu củ hành tăm lấy nước rửa vết thương cho sạch rồi giã củ hành tăm sống đắp lên vết thương và buộc lại.
Trị cảm do thời tiết (nóng rét, đau đầu, ngạt mũi): Nấu cháo gạo tẻ, giã 20 củ hành tăm cho vào chảo, thêm 1 thìa dấm ăn khi còn nóng.
Trị cảm phong hàn, sốt không có mồ hôi, đau mình mẩy, nước tiểu trong, sợ gió: Dùng hành tăm và lá tía tô mỗi thứ 20 – 30g, thái nhỏ nấu cháo gạo ăn khi còn nóng, sau đó đắp chăn nằm cho ra mồ hôi.
BS Đinh Minh Trí (Đại học Y dược, TP HCM)
BS Đinh Minh Trí

>> xem thêm

Bình luận(0)