Các nhà khoa học cảnh báo: Coi chừng bệnh sốt rét quay lại!

Google News

Từ tháng 9/2017 đến nay bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã điều trị tám bệnh nhi mắc sốt rét, trong khi trước đây gần như không có. Cùng với sự quay đầu này, các nhà khoa học cảnh báo tình trạng kháng thuốc có thể dẫn đến bệnh siêu sốt rét.

Lợi hại hơn xưa
Tháng 11 năm qua, khoa nhiễm – thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM tiếp nhận cùng lúc hai bé ngụ ở Dăk Nông mắc bệnh sốt rét nặng, một bé ba tuổi, bé kia chỉ… năm tháng tuổi. Tuần qua, khoa lại tiếp nhận một bé sáu tuổi, ngụ tại Bình Phước, bị sốt rét nhưng được chuyển đến với chẩn đoán nhiễm trùng huyết và viêm phổi.
 Nếu trẻ sốt trên ba ngày, đặc biệt khi sống ở vùng có dịch, người lớn nên đưa trẻ ra cơ sở y tế gần nhất để được xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng.
BS điều trị Phạm Nguyễn Thảo Vy của khoa nhiễm – thần kinh, cho biết phần lớn những trường hợp sốt rét từ tuyến dưới chuyển lên đều có chẩn đoán ban đầu là nhiễm trùng huyết, viêm phổi hay sốt xuất huyết. Theo giới chuyên môn, điều này cho thấy tình trạng mất cảnh giác của y tế cơ sở đối với sốt rét sau một thời gian dài bệnh rất ít, vì thế người thầy thuốc thường chẩn đoán nhầm hoặc bỏ sót, không chỉ định xét nghiệm tìm ký sinh trùng gây bệnh. Nhưng thực tế sốt rét vẫn hiện hữu và tỏ ra nguy hiểm hơn xưa nhiều. Trong vài năm gần đây, các nhà khoa học đã ghi nhận bệnh sốt rét kháng thuốc xuất hiện ở Campuchia, sau đó dần dần lan sang Thái Lan, Lào và giờ đây là các tỉnh phía Nam Việt Nam.
Người ta gọi đây là bệnh “siêu sốt rét” (super malaria), vì một dòng ký sinh trùng gây bệnh giờ đây đã kháng mạnh mẽ với artemisinin, thành phần chính của phác đồ chữa sốt rét thông dụng nhất hiện nay chống ký sinh trùng Plasmodium falciparum.
Tháng 4 năm qua, bộ Y tế Việt Nam cho biết đã ghi nhận một số ca sốt rét kháng thuốc ở năm tỉnh phía Nam, và cảnh báo khả năng bệnh sẽ lan đến những vùng khác.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí khoa học Lancet Infectious Diseases tháng 9 năm qua, GS Arjen Dondorp, giám đốc Đơn vị nghiên cứu y học nhiệt đới Oxford – đại học Mahidol (Thái Lan), lo sợ không bao lâu nữa sốt rét sẽ trở thành căn bệnh không thể điều trị được.
Mỗi năm thế giới có 212 triệu người mắc sốt rét và liệu pháp điều trị hàng đầu là kết hợp artemisinin với piperaquine. Nhưng nếu ký sinh trùng kháng với artemisinin, dần dà nó sẽ kháng tiếp với piperaquine.
Theo GS Dondorp, ở Việt Nam tỷ lệ điều trị sốt rét thất bại hiện khoảng 30% và ở một số vùng ở Campuchia tỷ lệ này lên tới 60%. Nhưng mối nguy của “siêu sốt rét” không chỉ như thế, mà còn ở chỗ nếu lan đến châu Phi, nơi chiếm 92% ca sốt rét trên thế giới, nó sẽ gây thảm hoạ cho nhân loại.
Cảnh giác bệnh ở trẻ em
PGS.TS Nguyễn Trần Chính, nguyên giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết thầy thuốc không nghĩ đến bệnh sốt rét ở trẻ em vì bệnh cảnh cổ điển của sốt rét cơn ít gặp ở đối tượng này. Trẻ mắc sốt rét chủ yếu có vẻ mệt mỏi, bỏ ăn, buồn nôn, nôn ói, đôi lúc kèm tiêu chảy. Trẻ nhỏ mắc bệnh hay bứt rứt, quấy khóc, nhiệt độ tăng cao dần. Phần lớn trẻ sốt khá cao, 40 độ C, mặt đỏ, thở nhanh. Đôi khi nhiệt độ không quá cao, nhưng trẻ cũng bị co giật và cơn co giật chỉ kéo dài vài phút.
Theo BS Chính, nếu sốt rét xảy ra ở trẻ ăn uống không tốt, ảnh hưởng của bệnh rất rõ nét. Khi đó trẻ bị phù, sụt cân, suy dinh dưỡng, dễ bị nhiễm trùng phổi hoặc tiêu chảy. Ở trẻ chưa có miễn dịch với bệnh, đặc biệt trẻ từ sáu tháng – ba tuổi, ở một đợt tấn công nào đó của ký sinh trùng, trẻ dễ bị nặng với sốt rét thể não, thể thiếu máu nặng và có thể tử vong.
BS Thảo Vy khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên chủ quan với bệnh sốt rét. Nếu trẻ sốt trên ba ngày, đặc biệt khi sống ở vùng có dịch, người lớn nên đưa trẻ ra cơ sở y tế gần nhất để được xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng. Bác sĩ nói: “Bệnh sốt rét càng chẩn đoán và điều trị chậm trễ, tiên lượng sẽ càng nặng”.
Vài năm gần đây, các nhà khoa học đang tìm cách chế tạo vắc xin ngừa sốt rét, trong số này, vắc xin PfSPZ, sản phẩm của hãng Sanaria (Hoa Kỳ) tỏ ra khá hứa hẹn. Vắc xin được làm bằng ký sinh trùng Plasmodium falciparum sống giảm độc lực, thực nghiệm ban đầu cho thấy nó có thể bảo vệ người lớn chưa từng mắc bệnh trước đó. Cùng với hướng chế tạo vắc xin, người ta còn nghĩ đến hướng phát triển một loại muỗi biến đổi gien để không truyền bệnh cho người.
Trong khi chờ những vũ khí mới chống sốt rét trở thành hiện thực, giới chuyên môn vẫn khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp cổ điển, như làm sạch môi trường để muỗi không có chỗ trú ngụ, ngủ mùng, tăng cường diệt lăng quăng và diệt muỗi.
Lo sợ thảm hoạ sốt rét cho nhân loại
Trả lời hãng tin BBC năm qua, GS Arjen Dondorp cho biết y học đang hành động chống lại thời gian, bởi nếu không nhanh chóng chiến thắng được tình trạng sốt rét kháng thuốc, nó sẽ trở thành căn bệnh bất trị và gây ra tử vong cho nhiều người. Trong khi đó, TS Michael Chew, Đơn vị nghiên cứu y học nhiệt đới Oxford, đại học Mahidol, nói: “Hàng năm có khoảng 700.000 người trên thế giới tử vong vì những bệnh nhiễm trùng kháng thuốc trong đó có sốt rét, nếu con người không hành động nhanh chóng, số tử vong này sẽ là hàng triệu người mỗi năm vào trước năm 2050”.
Theo Châu Giang/TGTT

>> xem thêm

Bình luận(0)