Những người tình cờ bị "bệnh lạ"
Vào khoảng cuối năm 2012, dư luận xôn xao về căn “bệnh lạ” của anh Văn Viết Điền (42 tuổi, Bình Phước) với tình trạng bị bong tróc da, toàn thân loang lổ, đốm đen, đốm trắng, sụt cân nghiêm trọng. Sau khi mang mẫu máu của anh Điền đi xét nghiệm, kết quả cho thấy anh nhiễm bốn loại ký sinh trùng là amip tiêu hóa, giun đũa Toxocara SP, giun lươn Strongyloides Stercoralis và sán dải heo Cysticercose. Những loại ký sinh trùng này có thể ký sinh dưới da của thân chủ và gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
|
Bệnh nhân Văn Viết Điền. |
Một trường hợp khác là bệnh nhân Lê Lan, 41 tuổi (Khương Đình, Hà Nội) cũng đã phát hiện những con giun bò lổm nhổm dưới da. Theo nhận định của các nhà khoa học, chị Lan mắc giun vì khi tiếp xúc nhiều với đất, vật nuôi mà không đeo găng tay đã khiến ấu trùng sống trong đất và động vật chui vào trong da.
Hay trường hợp của ông H.V.Đ (Thái Thịnh, Hà Nội) cũng đã phải nhập viện vì cơ thể suy kiệt do “giun lươn” ký sinh trong cơ thể. Biểu hiện ban đầu là ông hay đau bụng, đi ngoài, ăn uống không ngon, buồn nôn làm sụt cân khoảng 13 kg. Trên da còn có những vệt loằng ngoằng dài. Lúc đầu ông tưởng bị dị ứng nên đi khám da liễu nhưng không khỏi. Sau đó, các bác sĩ tìm ra bệnh của ông là nhiễm ấu trùng giun lươn. Ông được điều trị với thuốc uống, căn bệnh đã ổn.
Theo lời kể của ông Đ, ông vốn làm ở quán hải sản. Vì vậy, mỗi khi khách còn thừa đồ như hàu sống, tôm cuốn sống ông đều ăn. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc ông bị nhiễm giun lươn.
Giun bò dưới da: nguy hiểm đến đâu?
Theo các chuyên gia, khi mắc chứng bệnh liên quan tới “giun lươn”, người bệnh thường có triệu trứng đau bụng âm ỉ vùng trên rốn, lệch về phía bên phải. Đầy bụng, ăn chậm tiêu, sụt cân. Khi giun lươn thâm nhập vào hệ tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa. Biểu hiện là đi ngoài phân lỏng, phân có thể có nhày và mùi tanh.
Bên cạnh đó, giun lươn còn gây các tổn thương cho da. Biểu hiện là những chấm hoặc những nốt xuất huyết dưới da, các đường ngoằn nghoèo màu đỏ dưới da do ấu trùng di chuyển. Giun lươn thâm nhập vào cơ thể gây đau cơ khớp, nổi hạch to. Nặng hơn, giun lươn gây tổn thương thần kinh như viêm não, viêm màng não, áp xe não.
Trả lời trên báo Khoa học và Đời sống, PGS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội cho biết giun lươn có nhiều loài, trong đó có một loài giun lươn ký sinh ở ruột, đường nhiễm giống như giun móc và chúng có khả năng tự sinh sôi nẩy nở ngay trong ruột.
Những người làm ruộng, làm vườn,… đi chân đất dễ bị tiếp xúc và bị giun lươn thâm nhập nhất. Như vậy, giun lươn thâm nhập chủ yếu vào cơ thể con người qua da. Đặc biệt, là những kẽ móng tay, móng chân, những vết sứt, vết tổn thương trên da. Ngoài ra, ấu trùng giun còn thâm nhập thông qua việc ăn hải sản sống, kể cả những nguồn nguyên liệu sạch vẫn có nguy cơ lây nhiễm ấu trùng giun hoặc ký sinh trùng.
Trao đổi với Kiến Thức, Bác sỹ - Thạc sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa vi rút Ký sinh trùng bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng cho rằng, người bị lây nhiễm các loại giun hay sán nói chung, đều gây nguy hiểm đến sức khỏe, cũng như ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Mức độ nguy hiểm của từng loại giun, sán còn phụ phuộc vào nơi cư trú như: phổi, tá tràng, ruột, não… hay phụ thuộc vào các biến trứng như: thủng ruột, khó thở, tắc thở…
Bác sĩ Lâm cũng khuyến cáo người dân phải vệ sinh môi trường, xử lý tốt phân thải, không phóng uế bừa bãi. Đặc biệt, với những người làm vườn, làm ruộng, người chăn muôi gia súc… thường xuyên tiếp xúc với môi trường đất ẩm cần có biện pháp phòng hộ lao lao động như: đi ủng, đeo găng tay. Ngoài ra, tránh ăn hải sản sống nếu hải sản đó không được nuôi trong vùng được kiểm soát dịch, bệnh.
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU