Ngày 26/5, GS.TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E cho biết, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện E vừa cấp cứu thành công một ca bệnh hiếm gặp u nhầy nhĩ trái có kích thước lớn với chiều dài 15cm và chiều rộng 6cm.
Cách đây 1 tuần, bệnh nhân Đ.T.M (63 tuổi, Yên Phong, Bắc Ninh) bị khó thở, tức ngực, chóng mặt đã được gia đình đưa đến khám ở Bệnh viện đa khoa Bắc Ninh. Qua siêu âm các bác sĩ xác định bệnh nhân có khối u trong tim. Bệnh cảnh của bệnh nhân tiếp tục chuyển biến phức tạp và trầm trọng, bệnh nhân được chuyển lên cấp cứu tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E. Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định trong nhĩ trái có khối u lớn gây cản trở dòng máu qua van 2 lá. GS.TS Lê Ngọc Thành đã quyết định mổ cấp cứu cho bệnh nhân.
|
GS Lê Ngọc Thành khám cho bệnh nhân. |
Ca mổ diễn ra 4 giờ. Điều đặc biệt ở ca mổ này, thay vì mổ mở theo đường xương ức giống như các bệnh viện khác, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch đã mổ cắt u nhầy nhĩ trái bằng phương pháp nội soi toàn bộ với 5 lỗ trocar, sẽ giúp bệnh nhân phục hồi nhanh sau mổ, thời gian nằm viện điều trị rút ngắn và đặc biệt vết mổ thẩm mỹ và tránh biến chứng nhiễm trùng xương ức.
GS Lê Ngọc Thành khẳng định, Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện E là một trong số ít cơ sở y tế thực hiện mổ u nhầy nhĩ trái bằng kỹ thuật nội soi toàn bộ. Khi tiến hành ca mổ u nhầy nhĩ trái nội soi toàn bộ, các bác sĩ sẽ mở 5 lỗ trocar (4 lỗ rộng 5mm và 1 lỗ rộng 12mm). So với kỹ thuật vá thông liên nhĩ nội soi toàn bộ đang được triển khai thường quy ở Bệnh viện, ca mổ u nhầy này có thêm 1 lỗ trocar nữa để các bác sĩ kẹp ĐMC cho tim ngừng đập nhằm bảo vệ tim trong suốt quá trình phẫu thuật. Ca bệnh hiếm và đặc biệt này sẽ được GS Thành và các đồng nghiệp báo cáo tại hội nghị chuyên ngành tim mạch thế giới được tổ chức tại Roma (Italia) vào đầu tháng 6 tới. Trước đó, Trung tâm tim mạch đã xử trí thành công được 5-6 trường hợp mổ u nhầy kích thước lớn có nội soi hỗ trợ thành công.
U nhầy nhĩ trái là bệnh lý bẩm sinh hiếm gặp, tỷ lệ mắc 0,2 - 0,3/1.000 dân. Bệnh diễn biến âm thầm, thường được phát hiện khi có biến chứng, gây chèn ép van tim, cản trở dòng máu qua van 2 lá. GS Thành chia sẻ, ông đã từng chứng kiến một bệnh nhân nữ trẻ (chưa đến 30 tuổi, làm giáo viên ĐH) cấp cứu trong tình trạng 2 chân tím tái do tắc ĐMC. Qua siêu âm, các bác sĩ đã phát hiện u nhầy “di động” xuống ĐMC gây tắc dòng máu nuôi dưỡng bệnh nhân. Nguy hiểm của u nhầy nhĩ trái là một trong những nguyên nhân gây đột tử do u lấp kín lỗ van 2 lá, làm cho máu không thể lưu thông xuống tâm thất trái và đi nuôi dưỡng cơ thể, đặc biệt là não. 15% bệnh nhân u nhầy nhĩ trái có thể đột tử.
Bệnh lý u nhầy được chia làm 2 nhóm: có yếu tố gia đình và không có yếu tố gia đình. Đối với bệnh nhân nữ trung niên mắc bệnh, không có yếu tố gia đình thì chỉ bệnh nhân đó mắc bệnh. Còn đối với bệnh nhân nữ trẻ tuổi phát hiện u nhầy, dễ có yếu tố gia đình, với nhiều người trong gia đình như bố mẹ, anh chị em ruột cũng có thể bị mắc. Vì thế, cần khuyến cáo người thân của bệnh nhân được chẩn đoán mắc u nhầy đi kiểm tra, tránh biến chứng xảy ra.
Dấu hiệu của u nhầy nhĩ trái từ mơ hồ đến rõ ràng, có trường hợp không có triệu chứng cho đến biểu hiện đầu tiên là đột tử. Triệu chứng thường gặp nhất là khó thở khi gắng sức (75%). Nếu nặng hơn, bệnh nhân có thể khó thở phải nằm đầu cao, những cơn khó thở kịch phát về đêm và nặng nhất là phù phổi cấp, một tình trạng cấp cứu đòi hỏi phải điều trị cấp cứu. 20% trường hợp có thể xảy ra ngất, nguyên nhân là u tạm thời làm bít tắc lỗ van 2 lá. Triệu chứng thay đổi khi bệnh nhân thay đổi tư thế. Yếu liệt nửa người hoặc các dấu hiệu thần kinh khác do một phần khối u bung ra và theo dòng máu làm tắc các mạch máu nuôi não.
Đây là bệnh lý rất nguy hiểm nhưng dễ gây tâm lý chủ quan đối với người bệnh vì triệu chứng ban đầu thường mơ hồ cho đến khi biến chứng xảy ra. Vì vậy, để phát hiện sớm, GS Thành khuyến cáo khi có những triệu chứng kể trên, bệnh nhân cần đến trung tâm có phẫu thuật tim để được kiểm tra siêu âm tim nhằm loại trừ khả năng mắc căn bệnh nguy hiểm này.