Các bác sĩ đã tiến hành thăm khám lâm sàng và chỉ định nội soi dạ dày gây mê. Kết quả nội soi cho thấy hình ảnh viêm, xung huyết, phình vị viêm xung huyết, rớm máu và dương tính với vi khuẩn HP.
Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, bé xuất hiện đau bụng âm ỉ khoảng 1 tuần gần đây, ợ hơi liên tục, đến khi bé kêu đau nhiều gia đình đưa bé đến viện khám.
Gia đình vô cùng bất ngờ và không nghĩ đến việc bé nhỏ tuổi như vậy đã bị viêm dạ dày và lại dương tính với vi khuẩn HP. Gia đình chị chưa ai đi nội soi dạ dày và xét nghiệm bao giờ nên không rõ có bị nhiễm vi khuẩn HP hay không.
|
Ảnh minh họa: Internet |
Cũng tương tự như trường hợp của bệnh nhi B, bệnh nhi N.X.H, 12 tuổi cũng phải nhập viện điều trị do viêm loét hành tá tràng và xét nghiệm vi khuẩn HP dương tính.
Theo bác sĩ trực tiếp điều trị cho hai bệnh nhi, việc các bé có độ tuổi nhỏ phải nhập viện điều trị viêm dạ dày và nhiễm vi khuẩn HP không còn hiếm và ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận các trường hợp như vậy và đa phần gia đình rất bất ngờ khi con, em mình bị bệnh về dạ dày khi còn nhỏ như vậy.
Vi khuẩn HP dễ lây nhiễm trong ăn uống
Các bác sĩ cho biết, vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) rất dễ lây nhiễm, đặc biệt ở trẻ em bằng nhiều cách khác nhau như ăn thực phẩm không được làm sạch, không được nấu chín kỹ, uống nước bị nhiễm khuẩn, không rửa tay trước khi ăn, tiếp xúc nước bọt: hôn, dùng chung đồ ăn hoặc bàn chải đánh răng với người nhiễm vi khuẩn HP.
Hơn nữa, hệ miễn dịch của trẻ em còn rất yếu vì vậy rất dễ lây nhiễm và khi bị nhiễm sẽ diễn biến bệnh rất nhanh. Vi khuẩn HP là một trong các nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm, loét dạ dày, tá tràng.
Khi trẻ bị các bệnh về dạ dày thường có biểu hiện như đầy hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, ăn mất ngon, sụt cân, nôn ra máu hoặc phân đen (do xuất huyết trong dạ dày hoặc tá tràng). Cha mẹ cần hết sức lưu ý những biểu hiện của trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, điều trị kịp thời.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng - Nguyên Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, việc lây nhiễm HP ở VN là khoảng 70%. HP là căn nguyên viêm loét dạ dày tá tràng. HP lây nhiễm trong ăn uống, làm dịch tễ trong gia đình. Nếu trong gia đình có người nhiễm HP thì người lớn trong gia đình buộc phải sàng lọc, đặc biệt người có biểu hiện đường tiêu hóa (đầy bụng, trướng hơi…) và nội soi nếu đau ở mức độ nhiều.
Nếu không đau ở mức độ nhiều mà chỉ thoáng qua thì có nhiều cách để phát hiện HP như phương pháp phát hiện HP qua test thở, có thể định lượng nồng độ HP. Nếu điều trị loét thông thường mà không kèm diệt HP thì triệu chứng vẫn dai dẳng nên thường nếu có bằng chứng nhiễm HP thì kèm kháng sinh trong điều trị.
Để phòng bệnh cho con, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần vệ sinh sạch sẽ đồ dùng cá nhân của con, không dùng chung muỗng, thìa, bát… Thực hiện ăn sạch, uống sạch, vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
Đặc biệt tránh nhai cơm, hôn trẻ vì đó là con đường lây nhiễm vi khuẩn HP nhanh nhất.