Những vụ cưa ‘bom’ đùa với tử thần nhìn từ vụ nổ ở Văn Phú

Google News

Vụ nổ kinh hoàng ở KĐT Văn Phú chiều 19/3 khiến không ít người bàng hoàng bởi độ phá hủy đặc biệt nghiêm trọng về người và của.

Bỏ qua những lời tuyên truyền, cảnh báo về độ nguy hiểm của bom mìn, nhiều người vì lợi ích riêng và thiếu hiểu biết đã bất chấp cưa “bom” để lấy vật liệu bán sắt vụn lấy tiền. Chính vì vậy, nhiều vụ việc kinh hoàng đã gây ra hậu quả nghiêm trọng và nhiều mất mát quá lớn.
Hà Nội: Vụ nổ kinh hoàng ở KĐT Văn Phú – Hà Đông, hơn chục người thương vong
Lúc 15h30 chiều 19/3, một vụ nổ kinh hoàng đã xảy ra tại khu nhà thấp tầng TT9 – KĐT Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) khiến 4 người tử vong tại chỗ, 10 người bị thương, trong đó 2 người bị thương nặng.
 Cảnh tượng tan hoang sau vụ nổ kinh hoàng ở KĐT Văn Phú - Hà Đông.
Theo kết quả khám nghiệm hiện trường và báo cáo sơ bộ của cơ quan chức năng, hậu quả vụ nổ làm 6 xe mô tô bị cháy; 1 ô tô bị hư hỏng; các căn hộ từ số 8 đến số 27 TT9; số 75 đến 95 TT20 bị sụt nứt, hư hỏng.
Vụ nổ đã tạo ra một hố sâu có diện tích khoảng 4m2, sâu khoảng 1m. Nguyên nhân vụ nổ có thể là do một vật liệu có chứa chất gây nổ bởi tại hiện trường, lực lượng công binh thu được nhiều mảnh kim loại bằng gang, thép, được xác định là vật liệu dùng để chế tạo bom, mìn. Bộ Công an cũng chính thức xác nhận thông tin này sau khi giám định.
Ngày 20/3, Công an TP.Hà Nội báo cáo, vật liệu gây nổ là một khối kim loại hình trụ bằng sắt đã hoen gỉ, nặng trên 100kg, dài khoảng 80cm, đường kính khoảng 40-50 cm và có nhiều hoa văn lạ trên thân.
Kết quả điều tra cho biết, người gây ra vụ nổ là anh Phạm Văn Cường (SN 1975), quê ở thôn Nam Hùng, xã Nam Hưng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, thuê nhà số 15 - TT 19 KĐT Văn Phú, quận Hà Đông từ năm 2013 để hành nghề thu mua phế liệu. Sáng ngày 19/3, anh Cường nhờ một thanh niên hàng xóm lăn giúp ra vỉa hè. Đến chiều, như thường lệ, anh Cường dùng đèn khò cắt phá khối kim loại và nhiệt lượng đã kích nổ khối thuốc súng bên trong dẫn đến vụ nổ kinh hoàng.
Hòa Bình: Cưa đạn pháo lấy sắt vụn, nào ngờ thiệt mạng
Lực lượng chức năng công an TP. Hòa Bình cho biết, ngày 7/12/2015, một vụ nổ đã xảy ra tại xóm Tân Lập 1 xã Trung Minh (TP. Hòa Bình)khiến một người tử vong tại chỗ. Nguyên nhân là do hai người này tham lam nên đã tiến hành cưa quả đạn pháo 105 mm tồn sót sau chiến tranh để lấy thuốc nổ và sắt vụn bán. Không ngờ, quả đạn pháo phát nổ.
Nhiều người dân kể lại, một tiếng nổ lớn vào khoảng 9h50 khiến họ giật mình. Sau khi nghe công an thông báo, họ được biết, hai nạn nhân “dại dột” cưa pháo là Nguyễn Văn Khánh (sinh năm 1987) trú tại tổ 3 phố Tân Lập xã Trung Minh (bị thương) và người còn lại đã tử vong tại chỗ ngay sau vụ nổ là Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1993) trú tại xóm Trung xã Trung Minh.
Tiền Giang: Chết vì “cưa bom” bán sắt vụn
Người dân bất chấp nguy hiểm cưa bom vì lợi ích trước mắt. Ảnh minh họa. 
Chuyện “cưa bom” bán phế liệu dường như trở thành “thói quen” của dân Việt mặc dù đã được cảnh báo những hậu quả do nó mang lại. Lần này, quả bom phát nổ tại xã Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè (Tiền Giang) ông Lê Văn Minh (52 tuổi, quê huyện Bến Cát, huyện Bình Dương) vào ngày 28/5/2015.
Người cưa bom là người đàn ông tên Minh. Ông Minh vốn là người chuyên làm nghề rà sắt thép bán phế liệu. Sau thời gian thu gom, sáng 28/5 ông Minh đem số phế liệu ra phân loại và cưa quả bom thì xảy ra tai nạn này.
Quả bom phát nổ khiến ông Minh tử vong tại chỗ. Ngoài ra, chị Nguyễn Thị Châu Phú (27 tuổi, ngụ xã Mỹ Lợi B) đang đứng nấu cơm cách hiện trường khoảng 3m cũng bị thương nặng.
Gia Lai: Cưa bom lấy thuốc nổ, 3 người thương vong
Rõ ràng biết đó là trái bom nhưng Phan Đình Thu (35 tuổi), Nguyễn Văn Thông (36 tuổi) và Lê Tấn Quang (31 tuổi), cùng trú tại thôn 1, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông (Gia Lai) vẫn quyết định cưa bom để lấy thuốc nổ vào trưa ngày 14/10/2015.
Trong quá trình cưa, quả bom đã phát nổ khiến Thu và Quang chết tại chỗ, nạn nhân Thông bị thương nặng.
Từ những vụ việc trên, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không được lấy, nhặt, cưa, phá bom mìn, vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh để lấy thuốc nổ và sắt vụn và báo cho cơ quan chính quyền sở tại ngay khi tìm thấy bom, mìn hay bất cứ vật thể lạ nào để lực lượng chức năng có biện pháp giải quyết hợp lý, tránh trường hợp thương tâm xảy ra.
Gần đây, những vụ việc nổ bom đều xuất phát từ những vụ cưa bom của những người buôn bán, thu mua phế liệu. Vì thế, chính quyền địa phương phải tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về bom mìn cũng như hậu quả do chúng gây ra.
Theo A.M/ Ngày Nay

Bình luận(0)