Người nhập vai bắt ông trùm giang hồ Năm Cam là ai?

Google News

Ông thừa nhận: “Tôi thua trong vụ án Năm Cam giai đoạn I”.

Tôi gặp ông nhiều lần. Mỗi lần ông kể một chút. Nhẩn nha, đứt đoạn, chẳng đầu cũng không cuối như thử thách sự kiên trì của người nghe.
Đang nói về “đánh án”, ông lại chuyển sang mục đích làm việc như thể để giảm nhiệt cái sự bức xúc của dư luận liên quan đến những hành vi phạm tội của các băng nhóm hoạt động có tổ chức, có sự tiếp tay với cán bộ công quyền thoái hóa, biến chất.
Nguoi nhap vai bat ong trum giang ho Nam Cam la ai?
Đại tá Ngọc một thời là khắc tinh của những ông trùm giang hồ khét tiếng. 
Ông tâm sự: “Mỗi một chuyên án đều có sự khác biệt. Mỗi một “trận đánh lớn”, người thực hiện đều có những cảm xúc khác nhau. Cảm xúc con người và cảm xúc về công việc”.
Ông thừa nhận: “Tôi thua trong vụ án Năm Cam giai đoạn I”. Qua tìm hiểu thì “cái sự thua” của ông, do ông tự nhận ấy là thua trong danh dự và đầy đẳng cấp của cái nghề “biết người, biết ta” và “thua” để rồi thắng chứ không phải, “thua” để thất bại.
Biết là vậy, biết là “thua” trong cái đẳng cấp mà người thắng cũng không bằng nhưng ông vẫn thấy “cái sự đắng cay” của cuộc đời nó vận vào mình. Nó làm cho mình phải nghĩ, phải trăn trở và tư duy thật nhiều.
“Lính” tăng cường thiện chiến
Giọng đục, đều, ông kể: “Thực chất, tài liệu về băng nhóm tội phạm Năm Cam đầu tiên được gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước là của Quân báo Quân đội. Tài liệu này được chuyển đến lãnh đạo Bộ Nội vụ – nay là Bộ Công an.
Tài liệu rất sơ sài nhưng phải thừa nhận rằng, “con mắt” của Quân báo phát hiện vấn đề rất đúng, rất chuẩn. Lãnh đạo Bộ giao cho một nhóm cán bộ khác làm chứ không phải tôi.
Đang tiến hành xác minh, đối tượng – tức ông trùm Năm Cam “thấy động” đã bỏ trốn. Chưa làm được bao nhiêu việc, trong khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước cứ hỏi dồn dập vụ đó thế nào?
Hình như vì tình thế cấp bách nên tôi được tăng cường vào làm như một giải pháp tình thế”. Nhiệm vụ cấp trên giao cho tôi là bắt bằng được Năm Cam, lập hồ sơ cải tạo, khai thác mở rộng vụ án...
Quả thật, khi tìm hiểu tài liệu qua các nguồn, qua công tác trinh sát tôi tự hiểu: “Đây là hàng khủng. Nó có những mối quan hệ chằng chịt, dây đồng, dây nhôm rất khó gỡ, khó hiểu”.
Theo thì mình phải tự lần mò từng bước mà đi; tự lượng sức mình để “đánh” vậy. Thế nhưng, việc chuyển hóa tài liệu của trinh sát ra các bằng chứng cụ thể không hề giản đơn. Bằng kinh nghiệm và nhạy cảm nghề nghiệp, ông tự biết, tài liệu nào sử dụng được, tài liệu nào không và có những tài liệu trong chuyên án này, thời điểm đó là không thể giải quyết được.
Tôi bất ngờ trước những thông tin úp mở của ông. Nó cứ vòng vo, úp mở thế nào ấy? Sao một “ong thợ” như ông, thẳng tính đến ngang phè, chuyên làm án với cái tâm sáng mà lại vòng vo, tiến lên, lùi xuống như chơi cờ thế của bàn cờ chính trị vậy?
Chắc chắn phải có hàng tá những lý do tế nhị nên ông mới nói vậy. Ông kể rằng, năm 1999 – 2000, khi ông vào TP. Hồ Chí Minh công tác. Qua rất nhiều tuyến khác nhau, cộng với tài liệu có trong tay, ông khẳng định Trương Văn Cam – tức Năm Cam là trùm băng nhóm tội phạm xã hội đen ở Sài thành, có nhiều hành vi vi phạm pháp luật.
Khi đó, thành ủy TP. Hồ Chí Minh đang phát động phong trào 3 giảm. Nhân cơ hội đó, trong một lần trao đổi với một đồng nghiệp cấp trên, bây giờ đã là Tướng, ông nói: “Muốn thực hiện ba giảm tốt thì phải tiêu diệt sự hoạt động của băng nhóm tội phạm do Năm Cam đứng đầu”.
Vừa nói xong, ông bị vị Tướng này mắng xối xả vào mặt: “Cần xem lại lập trường tư tưởng của đồng chí, trong này làm gì có băng nhóm lộng hành.” Vị Tướng này còn mắng một số người bạn của ông, vì cũng nói như ông.
Vì là người nhạy cảm nên ông hiểu được rất nhiều điều sau câu mắng của vị Tướng. Và, từ đó, ông tự phải biết, phải có trách nhiệm với bản thân, với gia đình nên đưa ra tư liệu gì trong bối cảnh này, “chốt” vụ án ở chỗ nào?
“Đặc phái viên của Chính phủ” chỉ “ăn và chơi”
Ông Nam tiến “đánh án” gắn với mác là đặc phái viên của Chính phủ vào Sài thành xác minh đơn tố cáo của quần chúng đối với một số hoạt động mời ám, có dấu hiệu phạm tội của Trương Văn Cam.
Ông ở tại nhà khách của Bộ. Sau khi suy nghĩ kỹ cùng với các thông tin đã tìm hiểu được về quy luật hoạt động của băng nhóm Năm Cam, ông quyết định “phân thân”.
Nếu không ra khỏi phòng thì ở trong uống nước chè đặc, hút thuốc lá. Mùi khói thuốc trong phòng đậm đặc đến mức ám vào da thịt bất kỳ ai bước vào phòng. Còn đã ra khỏi phòng là người bận rộn, chỉ thích chơi hơn thích làm.
Ông kể: “Khi tôi vào, dù đã trốn nhưng hình như Năm Cam vẫn dõi theo tôi. Tôi thể hiện mình là một “thằng” cán bộ thoái hoá, có thể mua được. Tôi sục vào tất cả các nhà hàng, nơi ăn chơi của tập đoàn tội phạm này. Tôi được vợ, con, anh em, đệ tử thân tín của Năm Cam tiếp đón rất nhiệt tình, chu đáo, đưa đi thăm thú các cơ sở làm ăn”.
Ông nói chuyện với người đối diện, mà không, ông tự bạch, tự phân bua với chính mình thì đúng hơn: “Bọn này – tức Năm Cam, nó nghĩ tiền là trên hết, cán bộ nào cũng mua được bằng tiền, bằng gái thì phải? Mà nó nghĩ thế cũng có lý, nên mình thể hiện là con người như vậy.
Đang làm việc - lúc đó người của Năm Cam theo dõi rất sát mọi di biến động của đặc phái viên Chính phủ – hoặc vừa mới làm, tôi gọi điện cho bạn: “Mày đang ở đâu đấy, vào chỗ … đón tao đi Vũng Tàu chơi. Nghe đâu đám gái ở đó được lắm à?” Nói xong là nhanh nhanh, chóng chóng, bỏ việc đi liền.
Lần sau cũng vậy, vừa mới bắt tay vào làm, lại có điện thoại. Tôi nói oang oang: “Đi Côn Đảo chứ gì? Bao giờ về? Được thôi. Có em út đi cùng không? Phải có đấy nhé, nếu không cuộc nhậu mất vui…”.
Tôi nhập vai “thằng” cán bộ biến chất có lẽ thành thục hơn diễn viên, diễn đạt đến độ… Năm Cam bắt đầu “thích”. Tôi bảo với vợ con, anh em, đám đệ tử ruột của Năm Cam khi chúng đưa tôi đến thăm các cơ sở làm ăn của chúng, rằng: “Đơn thư phản ánh việc làm phi pháp của Năm Cam lên đến tận bàn lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước rồi đấy. Bảo Năm Cam gặp tôi, tôi xem giúp được gì, tôi sẽ giúp.”
Khi chưa lộ diện, Năm Cam “thử thách” cán bộ. Ở đời làm gì có chuyện chéo ngoe, trái khoáy như vậy. Tội phạm “thử thách” công an, cán bộ. Thế nhưng, nó vẫn diễn ra và trong những thời điểm nhất định của chuyên án lớn, chúng ta phải chấp nhận điều đó như một thứ ngẫu nhiên của luật chơi trong cuộc truy tìm, bắt tội phạm.
Thế rồi, Năm Cam cho đệ tử đánh tiếng mời tôi đến gặp; Năm Cam gọi điện cho tôi vài lần xin được “diện kiến”. Dù rất muốn, nhưng tôi vẫn đưa ra những lý do hợp lý để hoãn binh, để kiểm tra xem mình có sơ hở gì không, để bố trí công tác trinh sát phù hợp”.
Nhóm điều tra vụ Năm Cam có 5 người. Ông tự kiểm tra tất cả các thông số và thấy rằng, thời cơ bắt Năm Cam đã đến. Song ông băn khoăn, hẹn Năm Cam đến, nhỡ nó cho người khác đến thay thế thì sao?
Bởi tư liệu hình ảnh về Năm Cam quá ít, ngoài cái ảnh đã ố vàng trong tàng thư cách đó vài chục năm cùng với tự dạng và lý lịch do trinh sát biết được cộng lại… thì vẫn là tìm kim đáy biển, nếu như Năm Cam không lộ diện trực tiếp. Đại tá Ngọc một mình bắt Năm Cam như thế nào, độc giả tiếp tục theo dõi ở số báo sau.
(Còn nữa)
Mời quý độc giả xem video:
Theo Người Đưa Tin

Bình luận(0)