Lãnh đạo nghiêm, quân sao dám bậy

Google News

(Kiến Thức) - "Nếu người lãnh đạo nghiêm thì cán bộ cấp dưới không dám làm bậy... Thượng bất chính, thì hạ tắc loạn ngay", đó là những chia sẻ của ông Bùi Tiến Ngọc, nguyên cán bộ Ban Tổ chức T.Ư.

Có nhờ cũng không giúp được

Ông từng làm thư ký của đồng chí Lê Đức Thọ, xin hỏi thật là trong suốt thời gian đó có nhiều người tới nhờ vả không?

Tôi làm thư ký cho đồng chí Lê Đức Thọ 6 năm. Trong suốt thời gian đó không có xin xỏ gì cho ai bao giờ. Vì ông Thọ ghét mấy trò nhờ vả, giúp đỡ này lắm. Có ai nhờ thì mình cũng chịu vì biết không thể giúp được gì.

Tức là nếu biết giúp được thì vẫn giúp?

Kể cả có giúp thì cũng không phải cái nghĩa chạy chọt, đút lót, biếu xén... như bây giờ người ta vẫn nghĩ. Không phải mình là ông thánh gì đâu mà đơn giản là không thể làm thế được. Một lần tôi được người ta đến biếu cân bột sắn thôi. Tôi ở trong khu tập thể này, quanh đây toàn người cùng cơ quan cả. Có vậy thôi mà cũng đến tai ông Thọ, cũng bị gọi lên nhắc nhở. Lúc đấy thấy khổ thật, làm gì cũng như bị theo dõi. Có khi ăn bát phở người trong cơ quan cũng biết. Nhưng giờ nghĩ lại thấy có lẽ vì thế mà mình giữ gìn được, không bị cám dỗ, không sa ngã. Bây giờ về hưu rồi, sống trong căn hộ tập thể được phân này thôi, không nhà lầu xe hơi gì, nhưng thấy thanh thản vì cả cuộc đời mình đã không làm việc gì để đến giờ phải hối tiếc cả. 

Vậy cái sự chạy chọt, rồi tham ô tham nhũng nếu xảy ra là do cấp trên không nghiêm?

Đúng vậy. Nếu người lãnh đạo nghiêm thì cán bộ cấp dưới không dám làm bậy. Hoặc giả sử nếu có người làm bậy thì sẽ bị nghiêm túc phê bình, nhắc nhở, kiểm điểm, xử lý... Như thế thì ai còn dám mắc sai lầm nữa. Thượng bất chính, thì hạ tắc loạn ngay.

Nếu giờ đây vẫn làm ở vị trí đấy, ông có chắc là mình vẫn giữ được như thế không?

(cười) Tôi nghĩ là cũng khó lắm. Bởi nếu xung quanh người ta đều như thế, mình mà khác đi thì khó mà tồn tại được.

Ông Bùi Tiến Ngọc, nguyên cán bộ Ban Tổ chức T.Ư.

Để mắc sai lầm mới xử lý thì chẳng hay ho gì

Tại sao cứ đổ cho môi trường, cho hoàn cảnh, cho xã hội... Trong khi chính bản thân mỗi người phải có trách nhiệm với việc làm của mình chứ?

Tất nhiên là như thế rồi. Chả ai muốn làm những việc trái với lương tâm của mình cả. Nhưng một việc mà nhiều người cho là bình thường thì nhiều khi ta cũng phải tặc lưỡi cứ làm dù ta thấy là sai. Ví dụ như chuyện chạy việc, chạy chức, chạy quyền hay đưa phong bì... người khác vẫn làm như thế, mình không làm thì mình chịu thiệt. Hay trong cơ quan chẳng hạn, nếu làm theo cách gian dối thì được lợi để chia nhau, mình lại phản đối thì có khi bị người ta ghét hoặc tìm cách hất đi nơi khác ngay. Vì thế nên các cụ mới nói ở bầu thì tròn, ở ống thì dài là vậy.

Ông thật may mắn vì khi còn công tác thì môi trường xung quanh không cho phép mình sa ngã. Còn bây giờ khi con người ta rất dễ sa ngã thì ông lại đã về hưu, đã hết điều kiện để sa ngã rồi.

Tôi may mắn nhất vì đã được làm việc, được gần gũi với đồng chí Lê Đức Thọ và qua đó học được rất nhiều điều. Ông là người hết lòng vì công việc chung. Chưa thấy ai tâm huyết với công tác cán bộ như ông. Ông nói, làm công tác cán bộ phải theo dõi thường xuyên, sâu sát, đánh giá cán bộ qua kết quả của việc thực hiện nhiệm vụ được giao, qua phẩm chất lối sống...

Bởi vì trong thực tế, có người khi chưa có quyền lực thì khác, khi đã có quyền lực rồi thì mới bộc lộ hết khuyết điểm. Ông còn dặn, phải làm cách nào để ngăn chặn được cán bộ phạm sai lầm mới là tốt, còn để cán bộ phạm sai lầm mới xử lý thì chẳng hay ho gì. Ông nhắc nhở mọi người phải quan tâm đến đời sống của cán bộ, ai khó khăn thì phải đề nghị tổ chức giúp đỡ. Ngay đối với thư ký và phu nhân của các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông cũng phân công người gặp gỡ nhắc nhở để họ giữ uy tín cho thủ trưởng, cho chồng...

Đúng là thật may mắn khi được làm việc với những người lãnh đạo như thế?

Có thời gian tôi phải làm việc rất căng, cả buổi trưa cũng không được nghỉ, vừa đặt lưng xuống thì lại có người bấm chuông. Thế thì ai mà vui vẻ được, mình có sẵng giọng hay có cáu gắt một tí thì lại đến tai thủ trưởng ngay. Ông lại gọi lên nhắc nhở: Tôi biết cậu phải làm việc nhiều. Nhưng khi có cán bộ đến liên hệ làm việc thì thái độ đón tiếp phải niềm nở, vui vẻ vì họ đến đều là vì việc chung cả, ngay cả trường hợp yêu cầu giải quyết chính sách chế độ thì cũng có vấn đề trách nhiệm chung của công tác tổ chức cán bộ... Đến thế thì sao mình dám không vui vẻ được.

Người tốt không tự nhiên mà có

Qua câu chuyện trên của ông tôi thấy một vấn đề, tại sao người dân bây giờ hay kêu ca về thái độ của cán bộ thế? Đến bệnh viện, hay cơ quan nhà nước nào đấy, ngay đến anh bảo vệ cũng có thể quát nạt, cứ như thể mình đến để xin xỏ còn họ là người ban phát vậy. Trong khi đến một số nơi, người ta lại rất lịch sự, nhã nhặn. Vậy phải chăng đó là do nơi này lãnh đạo của họ yêu cầu nhân viên phải tươi cười, niềm nở với khách. Còn ở chỗ kia người lãnh đạo không đòi hỏi phải thế?

Từ kinh nghiệm bản thân tôi thấy, nếu mình nhận thức được ý nghĩa của công việc thì sẽ không làm sai. Ví dụ, làm nhiệm vụ tiếp dân, tức là anh đại diện cho chính quyền, cho Nhà nước để trả lời, để giải quyết công việc của họ... Người dân là người nộp thuế, là người trả lương cho anh, anh là công bộc của dân chứ không phải là người ban phát quyền lợi gì cho họ... Nếu lúc nào cũng tâm niệm như thế thì thử hỏi có dám quát dân không? Còn cũng có những lúc mà những xúc cảm cá nhân có ảnh hưởng đến công việc, như nhiều việc, nhiều người hỏi hay trong người mệt mỏi... có thể sinh ra bực bội, cáu gắt... thì lúc đó rất cần sự nhắc nhở, phê bình của đồng nghiệp của người lãnh đạo để mình cân bằng lại. Tức là vẫn là người lãnh đạo phải nghiêm thì cấp dưới mới không dám làm ẩu.

Được thế thì lý tưởng quá rồi. Nhưng có lẽ điều đó chỉ có trong thời của ông thôi, còn bây giờ có biết bao lý do giải thích cho cái sự xuống cấp của đạo đức cán bộ, trong đó có vấn đề lương thấp không đủ sống?

Đó chỉ là một trong rất nhiều lý do cần phải giải quyết. Nhưng tôi thấy điều quan trọng nhất là phải chọn được những người lãnh đạo tốt, những người có năng lực và có đạo đức. Và người tốt không tự nhiên mà có, phải tìm, phải bồi dưỡng, bảo vệ, giúp đỡ, giữ gìn... để họ không sa ngã.

Cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!

Ông Bùi Tiến Ngọc sinh năm 1930. Nhập ngũ năm 1948, năm 1955 ông về công tác ở Ban Tổ chức T.Ư. Từ năm 1978 - 1983 ông làm thư ký riêng cho đồng chí Lê Đức Thọ, Trưởng Ban tổ chức T.Ư. Ông được tặng Huân chương Kháng chiến hạng 3, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng nhất, huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.

Nhật Minh (Thực hiện)

Bình luận(0)