“Cán bộ tòa án chạy án, ăn hối lộ là chuyện thường...“

Google News

(Kiến Thức) - "Tôi thấy việc Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình thừa nhận việc cán bộ tòa chạy án, ăn hối lộ là điều bình thường, tồn tại lâu lắm rồi", LS Văn Trường Chinh, Trưởng VP Luật sư Nhân Nghĩa chia sẻ.

Chạy án đặc biệt ở cấp thẩm phán

Trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình thẳng thắn thừa nhận gần đây có nhiều vụ án liên quan đến cán bộ ngành tòa án ăn hối lộ, chạy án. Tỷ lệ án sửa, hủy án còn cao. Ông nhìn nhận thực trạng này thế nào?

Tôi nghĩ rằng không phải là gần đây mà đã diễn ra từ lâu, đặc biệt là vị trí thẩm phán. Ông Bình nói như vậy quá đơn giản, không phải ông ấy mà người khác cũng có thể nói và nhận định như vậy. Ông ấy phải trả lời được trong ngành tòa án đã phát hiện được bao nhiêu cán bộ nhận hối lộ, đã xử lý bao nhiêu người?

Tham nhũng trong ngành tòa án thường biểu hiện dưới những hình thức nào ạ?

Thì xử nhẹ hoặc cố tình để lọt tội. Theo báo cáo của ngành kiểm sát tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII thì riêng ngành kiểm sát đã kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng 25,3%; kháng nghị phúc thẩm được chấp nhận tăng 11,3% so với năm trước. Điều đó nói lên rằng tình trạng xét xử sai của ngành tòa án trong năm qua tăng cao. Bao nhiêu trong số này là tiêu cực, hối lộ?

Vì sao tiêu cực này lại phổ biến vậy ạ? Phải chăng vì ngành tòa án cầm cân nảy mực chỉ đi xử người khác chứ chẳng ai xử mình?

Khi mà quyền lợi của hai bên gặp nhau thì nó phát sinh tiêu cực. Trong một vụ án mà quan tòa và người bị xử đều không có ý kiến gì thì làm sao mà người khác phát hiện ra được. Làm gì có ai bị xử nhẹ lại đi chống án!

Nhưng cũng phải có tổ chức nào giám sát họ chứ ạ, kể cả là trên lý thuyết?

Lý thuyết thì có. Ngành tòa án có chế độ báo cáo án. Thẩm phán phụ trách vụ án có trách nhiệm báo cáo với chánh án hoặc phó chánh án phụ trách họ về đường lối xử lý vụ án này. Thế thì họ có thể báo cáo sai đi, hoặc đề xuất cách xử lý theo ý của họ. Họ muốn thì họ cố tính báo cáo sai hoặc bỏ bớt những chi tiết không có lợi trong vụ án đi.

LS Văn Trường Chinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Nghĩa.

Cán bộ chạy án dễ hơn người ngoài chứ!

Đứng ở góc độ người dân nhìn vào sự thật này liệu có thấy chua chát quá không?

Cán bộ tòa án "chạy án" dễ hơn người ngoài chứ! Người dân muốn nhờ vả chạy chọt thì cũng phải tìm đến họ, họ mách cho, chứ không thì biết đằng nào. Nhìn vào quy trình làm việc là thấy điều kiện để họ "chạy án" nó dễ lắm. 

Thế nhưng dù có là "chạy" thì cũng vẫn phải tuân thủ quy định nào đó của pháp luật chứ ạ?

Tất nhiên là có. Nhưng luật pháp hiện nay có nhiều sơ hở lắm. Luật nội dung thì khung hình phạt quy định thường dao động rất lớn. Ví dụ như quy định xử phạt đối với một tội danh nào đó là 5 - 15 năm chẳng hạn. Thế thì nếu thích, người ta sẽ xử 5 năm, còn không thì xử 15 năm. Vẫn đúng luật. Luật của ta hiện nay tạo điều kiện cho người thực thi dễ ăn hối lộ. Luật hình thức thì quy định cách thức hoạt động của cơ quan tố tụng quá dễ dãi, tùy tiện dẫn tới tình trạng cán bộ lợi dụng sách nhiễu người dân. 

Vậy con số người nhận hối lộ, chạy án có nhiều không ạ?

Vì khó vạch mặt và cũng chẳng ai thống kê được thực tế nên không thể trả lời được. Chỉ biết là không ít. Có điều là ai phát hiện thôi. 

Phải chăng ta đã "hết cách"?

Muốn thay đổi thì phải có nhiều luật để điều chỉnh nhưng đây là cả một hệ thống. Trước hết là phải xây dựng đội ngũ thẩm phán có trình độ chuyên môn cao, đạo đức nghề nghiệp vững vàng. Trong xây dựng luật, phải kéo hẹp lại các khung hình phạt chứ không để dài như bây giờ. Nếu quy định hành vi nào đó là 2 năm tù, thì kẽ hở để người ta chạy án sẽ thu hẹp lại rất nhiều.

Ông có so sánh gì giữa hiện tượng chạy án với với hiện tượng đưa phong bì cho bác sĩ trong bệnh viện?

Thực ra việc đưa phong bì trong bệnh viện không nghiêm trọng bằng chuyện hối lộ ở tòa án đâu. Ở bệnh viện thì là do tính cấp bách của người bệnh. Hơn nữa, số tiền để hối lộ đa phần đều không đáng kể. Người ta không có thời gian để so bì, mặc cả giống như chuyện họ chạy án. Cùng là hình thức hối lộ cả nhưng hối lộ ở tòa án nghiêm trọng hơn, tinh vi hơn, có điều kiện thực hiện hơn, hối lộ có hệ thống hơn và số tiền hối lộ nhiều hơn hẳn.

Theo ông thì vì sao người thực thi pháp luật lại cố tình vi phạm pháp luật?

Vì lòng tham của con người ta luôn không có đáy. Không biết đủ. Nếu biết đủ thì đã không có những vị lãnh đạo có dăm bảy cái nhà. Mà cũng rất xót xa là không chỉ trong ngành tòa án mà kiểm sát, công an cũng tham nhũng, hối lộ tràn lan. 

Có thể họ chạy án theo chỉ đạo

Theo ông thì việc chạy án hoặc thay đổi kết quả của vụ án nó là hành động của một cá nhân hay cả một ekip?

Có thể là họ ăn theo đường dây, cũng có thể là làm theo "ý kiến chỉ đạo" nên họ buộc phải là "nghị gật", nhưng cũng có thể là ăn tiền. Nói chung thì đủ cả.

Nói như ông có tiêu cực quá không?

Tất nhiên là không phải tất cả các vụ án cũng như mọi thẩm phán đều thế. Nhưng kể cả những người công tâm thì cũng có những lúc họ không thực sự công tâm.

Theo phỏng đoán cá nhân của ông thì tương quan giữa hai lực lượng này như thế nào?

Rõ ràng lực lượng người công tâm phải hơn chứ. Thế nhưng trong 100 vụ mà có 2 - 3 vụ không công tâm, có sự khuất tất, thì đã là điều rất đáng nói rồi. Ai sống trong cuộc đời này chẳng có các mối quan hệ. Chẳng lẽ trong cả cuộc đời xét xử lại không có ai nhờ vả mình? Mà khi người thân của mình nhờ vả thì có công tâm không? Đấy là chưa xét đến yếu tố có tiêu cực hay không.

Rõ ràng đạo đức nghề nghiệp của cán bộ tòa án quan trọng lắm?

Họ cũng là con người, họ có nhiệm vụ phán xét hành vi sai phạm của người khác. Việc phán xét đó ảnh hưởng tới sinh mệnh chính trị của một con người hoặc quyền lợi chính đáng của họ mà luật pháp đặt mục tiêu bảo vệ, do đó họ phải đặt lương tâm, trách nhiệm lên hàng đầu, họ phải trăn trở cân nhắc toàn diện chứ không phải họ thích làm thế nào thì làm.

Xin cảm ơn ông!

Trong báo cáo gửi tới các Đại biểu trả lời phiên chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình khẳng định, án sai, hủy do lỗi của thẩm phán, gây bất bình trong dư luận sẽ được làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm khắc.

TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU

Bích Liên (thực hiện)

Bình luận(0)