Ngày ấy, lãnh đạo rất biết lắng nghe

Google News

Bà Phạm Minh Hương đã trao đổi như vậy với phóng viên nhân kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9...

- 19 tuổi bà đã được tham gia vào những sự kiện long trời lở đất của Cách mạng tháng Tám. Bà thuộc lớp cán bộ tiền khởi nghĩa, những người hết lòng vì sự nghiệp chung, sẵn sàng nhận những nhiệm vụ gian khó nhất của những ngày đầu xây dựng chính quyền.
Nhân kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với bà về những ngày lịch sử đó.

Cán bộ phải ba cùng với dân

Là người tham gia cướp chính quyền ngày 19/8/1945, điều gì gây ấn tượng nhất cho bà về những ngày lịch sử này?

Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, tôi mới 19 tuổi. Vậy mà đã cầm cờ dẫn đầu đoàn Việt minh đi cướp chính quyền trên huyện Đông Anh. Điều ấn tượng nhất với tôi là phong trào quần chúng tự phát mạnh lắm. Xã nào cũng thấy nhân dân rầm rập kéo đi. Người ta tự sắm cờ, tự trang bị vũ khí, ai có cuốc vác cuốc, không thì tìm gậy tre vác đi, già trẻ đi hết. Tôi nhớ lúc đó còn bị vỡ đê. Chúng tôi vừa chạy lụt vừa lo đi cướp chính quyền. Khí thế phong trào rất ghê.

Mới 19 tuổi đã tham gia Cách mạng như thế, bà có sợ không?

Không hiểu sao chả thấy sợ gì cả. Chỉ thấy thích vì Cách mạng giải phóng phụ nữ, khiến phụ nữ được bình đẳng. Được giao nhiệm vụ đi rải truyền đơn, tôi cứ cuộn lại cho vào túi đeo vai, đi xe đạp suốt dọc từ Đông Anh lên Phủ Lỗ. Và tôi luôn tin tưởng thế nào Cách mạng cũng thắng. Sau khi giành được chính quyền, tôi được giao nhiệm vụ gây dựng cơ sở về phụ nữ.

Lúc đó việc gì cũng phải gây dựng từ đầu?

Mới khởi nghĩa cơ sở chưa có gì, mình đi đến đâu đều phải gây dựng từ đầu. Tôi được tham gia lập đội tuyên truyền xung phong của huyện. Cứ ròng rã xuống cơ sở, lăn lộn xây dựng phong trào: Tổ chức các tổ Việt Minh, tổ phụ lão, thanh niên, phụ nữ cứu quốc... Nghĩ cũng khổ, dân lúc đó đói lắm, toàn ăn khoai. Có lần tôi vào nhà một bà cụ, bà ấy giác ngộ lắm, mời vào ngủ, lại còn cho mượn cái chăn dạ, sáng dậy thấy áo mình trắng những rận là rận, mà toàn rận đói. Kinh lắm. Đấy, cán bộ thời đó phải ba cùng với dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm), phải chịu khó, chịu khổ với dân, thì mình nói người ta mới nghe, mới tin, mới làm theo.

Bà Phạm Minh Hương.
Bà Phạm Minh Hương.

Đành viết thư lên tỉnh ủy xin bộ quần áo!

Điều gì khiến bà vượt qua được những gian khổ đó?

Lúc đấy chỉ thấy ngổn ngang những việc phải làm nên được giao việc gì là mình cố gắng làm cho tốt. Phải nói là tôi cũng mạnh bạo. Được chỉ định làm bí thư phụ nữ cứu quốc huyện, tôi đã phổ biến cho các cán bộ Việt Minh để khi về phụ trách xã họ tổ chức giúp các hội phụ nữ. 3 tháng sau tất cả các xã tôi phụ trách đều có hội phụ nữ cứu quốc. Rồi tôi triệu tập bí thư phụ nữ các xã lên huấn luyện, còn mở được hội nghị... Sau này về công tác ở Vĩnh Yên rồi Bắc Ninh hay khi lên Việt Bắc, Tây Bắc... tôi vẫn giữ tác phong làm việc năng nổ ấy. Đó là những năm tháng sôi nổi không thể nào quên được.

Tôi thấy đó là thế hệ cán bộ "vàng" bây giờ khó mà tìm lại được.

Đúng là chỉ biết làm chứ không bao giờ nghĩ mình sẽ được gì, chỉ nghĩ đến trách nhiệm. Có thời gian phải bỏ chồng bỏ con đi miền núi 3 tháng liền. Ông chồng tôi rất tốt, luôn động viên và tạo mọi điều kiện để tôi yên tâm công tác. Con hơn 2 tuổi tôi đã phải gửi ở cơ quan chồng để đi công tác. Mà lãnh đạo họ cũng tốt lắm. Có lần rách hết quần áo, nghĩ cũng khổ thân, đành viết thư lên tỉnh ủy xin một bộ quần áo! Các ông ấy xin lỗi mãi, nói không biết chị khó khăn đến thế. Rồi cho tiền để mua quần áo.

Cả lãnh đạo cũng là một thế hệ "vàng"...

Lãnh đạo rất biết lắng nghe. Mình nói có tình có lý người ta ủng hộ ngay. Khi về T.Ư Hội Phụ nữ, tôi công tác ở Ban Phúc lợi, phụ trách mảng hậu phương quân đội, sinh đẻ có kế hoạch, hôn nhân gia đình và nhà trẻ mẫu giáo... toàn các vấn đề của phụ nữ. Chưa có nhà trẻ, mẫu giáo, chúng tôi đi vận động các HTX tổ chức nhà trẻ, trích quỹ phúc lợi cho cô nuôi trẻ... Sau đó lại liên hệ với Bộ Nông nghiệp, Ban Nông nghiệp... để họ làm thành chính sách cho chị em... Mỗi chị em được mấy chục cân thóc khi sinh đẻ... là do chúng tôi đề xuất cả đấy.

Thời đó, khi Nhà nước chưa có chính sách thì hội phụ nữ phải lo những chuyện này. Làm việc gì cũng rất hào hứng vì làm đến đâu được kết quả đến đấy. Giờ đây tôi rất tự hào vì đã đóng những viên gạch nhỏ xây dựng nên những phong trào, từ không đến có như thế.

Làm được việc sướng lắm

Nghe bà kể cũng thấy hào hứng.

Việc làm mà tôi cho là có ý nghĩa nhất là chúng tôi đã góp phần để ra được chính sách đối với gia đình thương binh, liệt sĩ. Lúc đấy chưa có chế độ chính sách gì với gia đình liệt sĩ, ban chúng tôi phân công mấy chị em đi nghiên cứu và làm thử. Chúng tôi đặt vấn đề cho các cấp hội phải đỡ đầu con liệt sĩ, phân công cho hội viên đỡ đầu các cháu, nhà các cháu nghèo quá thì phải vận động chị em đóng góp tiền để nuôi... Khi đã làm thật tốt thì mới đặt vấn đề với T.Ư Hội, với Nhà nước để làm thành chính sách.

Tức là tự mình thấy cần thiết thì làm, chứ không cần phải có dự án của Nhà nước?

Mình tự thấy cần thiết thì làm. Nhà nước chưa có chính sách, chưa có tiền, các tổ chức đoàn thể phải hỗ trợ làm những việc đó. Ngày đấy vai trò của các đoàn thể xã hội rất lớn. Chính cán bộ là những người đi sâu nghiên cứu mới thấy nhiều vấn đề. Ví dụ như vấn đề sức khoẻ phụ nữ, đi cơ sở thấy phụ nữ khổ quá, khi hành kinh toàn dùng giẻ rách, rất mất vệ sinh, hội phụ nữ chúng tôi phải đặt vấn đề với thương nghiệp bán cho mỗi chị em 2m vải xô, rồi hướng dẫn chị em cách dùng, cách giặt giũ, phơi phóng ra làm sao. Lại phải kiểm tra xem giặt, phơi có đúng không... Vất vả thật, nhưng làm được việc thấy sướng lắm!

Những việc như thế giờ chả cán bộ nào làm đâu. Phải chăng những gì cần làm thì thế hệ của bà đã làm hết cả rồi?

Có thể bây giờ chính sách đã có cả rồi, các ban bệ cũng rõ ràng rồi nên vai trò của các hội không rõ. Như sinh đẻ có kế hoạch đưa về cho y tế làm, Hội Phụ nữ không phải làm những cái đó nữa. Nhưng còn rất nhiều việc phụ nữ có thể làm được. Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề khó, chưa giải quyết được, sao Hội Phụ nữ không đặt vấn đề giáo dục tiểu thương trong các chợ không bán thực phẩm có chứa chất độc, tuyên truyền cho phụ nữ không mua hàng kém chất lượng... Hay việc kiểm tra các nhà trẻ, mẫu giáo xem chế độ ăn có đảm bảo không, dạy dỗ thế nào, có đánh đập trẻ con không... Những việc như thế sao không làm? Mình phải nắm quần chúng của mình chứ. Nhưng tôi chỉ nghĩ thế thôi, chứ biết đâu nhiều người lại bảo: thời của các cụ đã qua rồi, giờ không ai chịu gian khổ như các cụ!

Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!
Học xong lớp 7 thi đỗ cao nhưng không có tiền lên Hà Nội học, tôi tự xin đi dạy bình dân học vụ, truyền bá chữ quốc ngữ vì thấy mình có học vấn thế này sao không đi làm những việc như thế. Tháng 3/1945, tôi được tham gia tổ Việt Minh trong Nhà máy hỏa xa Đông Anh, được vào tổ phụ nữ cứu quốc, được giao đi rải truyền đơn. Sau khi ta lập được chính quyền cách mạng, tôi được đi học lớp tuyên truyền xung phong của Hà Nội. Học 7 ngày rồi về làm công tác tuyên truyền.
Nhật Minh (Thực hiện)

Bình luận(0)