Hot girl dạy trẻ… nghịch dại
Thơ Nguyễn rất nổi tiếng trong cộng đồng mạng với hàng loạt clip thực hiện được cho là dành cho trẻ em, với việc hướng dẫn trẻ cách thực hiện các trò chơi đủ mọi thể loại: các chế tạo đồ vật, thử các phản ứng hoá học và nhiều trò chơi khác, mang tính rùng rợn như ăn các con vật sống… Với cách thể hiện vui nhộn, sinh động và lạ lẫm, các clip của Thơ Nguyễn đã thu hút rất nhiều trẻ em vào xem.
|
Một clip hướng dẫn cách… gây nổ chai lọ của Thơ Nguyễn. |
Tuy nhiên, gần đây nhiều bậc phụ huynh đã phản ứng vì phát hiện ra nội dung các clip “có vấn đề”. Trong một clip, Thơ Nguyễn đã hướng dẫn các em làm một thử nghiệm có khả năng gây nguy hiểm, đó là bỏ đá khô vào chai kín gây nổ tung, với cách thể hiện vô cùng thích thú, hào hứng. Bên cạnh thí nghiệm gây nổ với đá khô, Thơ Nguyễn còn một thí nghiệm khác “nghịch dại” không kém với việc đun bia, nước ngọt trên bếp gây nổ.
Trong một clip khác, Thơ Nguyễn hướng dẫn các em chơi trò ván trượt, nhưng thay vì đặt chân lên ván trượt một cách đàng hoàng, Thơ Nguyễn lại hướng dẫn các em nhỏ trượt theo kiểu “vừa trượt vừa té”. Nguy hiểm hơn, Thơ Nguyễn lại dạy cho các em một cách chơi hết sức kì lạ, là chạy từ xa đến, lấy đà rồi nhảy lên ván trượt. Tất nhiên, kết quả là chủ nhân clip ngã sõng xoài, nhưng vẫn cười thích chí.
Cách đây hơn một tháng, Thơ Nguyễn đã có clip “dậy sóng”, đó là clip hướng dẫn các em nhỏ chế tạo bồn tắm bằng thạch jelly, trong đó, hướng dẫn trẻ đổ các loại bột, thạch vào bồn tắm tạo nên màu sắc sặc sỡ, đủ mùi và… nhảy vào tắm. Không chỉ bày trò chơi quái lạ nói trên, Thơ Nguyễn còn khiến các phụ huynh phản ứng vì trong một đoạn của clip, người phụ nữ này cho biết bị chuột rút, và cất tiếng kêu rên nghe khá… nhạy cảm với một clip dành cho trẻ nhỏ.
Cạnh đó, hot girl Thơ Nguyễn còn có các clip khác hướng dẫn trẻ cách ăn uống một cách kì quái, trong đó có việc nuốt chửng và nhai nhồm nhoàm một con bạch tuộc còn sống, ngọ ngoạy. Mặc dù trước và sau mỗi clip, Thơ Nguyễn đều có cảnh báo: “Các em đừng làm theo chị nhé”, và cách nguỵ biện của ê kíp này là làm để giúp trẻ biết nguy hiểm mà né, nhưng với cách thể hiện đầy thích chí của chủ nhân clip, hầu hết chỉ gây cho trẻ sự tò mò, học hỏi và làm theo chứ không hề “tránh”. Vì vậy, clip như một cách “vẽ đường cho hươu chạy”, khiến các em tham gia các trò đùa nghịch vô bổ và nguy hiểm nói trên. Bên dưới clip, nhiều trẻ đã để lại bình luận, chia sẻ rằng mình đã học theo cách làm của chị Thơ Nguyễn và thấy… rất hay, kêu gọi bạn bè cùng thực hiện (!).
Nút vàng liệu có là bảo chứng an toàn?
Hiện, fanpage của Thơ Nguyễn có gần 400 ngàn lượt like, nghĩa là có gần 400 ngàn fan hâm mộ, chưa kể những người theo dõi khác. Thơ Nguyễn còn có thêm 2 trang khác cũng có lượt người theo dõi lớn, trên Youtube, với tổng số lượt theo dõi gần 2 triệu người. Chỉ tính riêng một clip có yếu tố phản cảm về bồn tắm bằng thạch như nói trên, đã có gần 10 triệu lượt xem. Thơ Nguyễn không làm những clip ấy để giải trí chơi. Các clip này đã mang lại một nguồn lợi lớn cho chủ nhân của nó nhờ vào việc thu hút quảng cáo, và bản thân Thơ Nguyễn cũng kinh doanh đồ chơi cho trẻ, đây là một cách mà người phụ nữ này thu hút trẻ em nhằm bán sản phẩm mà thôi.
Trẻ còn nhỏ, chưa nhận thức được đúng sai nên Thơ Nguyễn đã có cho mình một lực lượng fan hâm mộ khổng lồ là trẻ nhỏ. Không chỉ “tuyên bố” ủng hộ, làm theo clip của Thơ Nguyễn, nhiều em còn cho biết trong lời bình luận rằng sẽ không nghe lời bố mẹ, vẫn tiếp tục tìm cách để coi các clip này dù có bị cấm thế nào. Có em còn đăng đàn đấu khẩu, chửi bới những người đáng tuổi cha mẹ mình vì dám đụng tới “thần tượng” của các em.
Với con số người theo dõi khổng lồ, Thơ Nguyễn đã được youtube tặng nút vàng, một cách vinh danh cho các “hot vblogger” có sức ảnh hưởng lớn. Đây cũng là cái cớ để ê kip của Thơ Nguyễn và những người ủng hộ trang này lên tiếng cho rằng các clip này đã được kiểm chứng và “tạo niềm vui cho trẻ nhỏ”. Thực tế, với lượng theo dõi khủng như vậy, sức ảnh hưởng khá lớn thì những trò “chơi dại” mà các clip này hướng dẫn cho trẻ càng lan rộng và gây hậu quả không hay. Nút vàng chỉ là một cách mà youtube kinh doanh, không phải là bảo chứng cho sự an toàn của clip.
Trước đó, sự việc những clip Người nhện và công chúa Elsa dành cho thiếu nhi nhưng rất phản cảm, độc hại được đăng tải tràn lan, nhưng chỉ bị gỡ bỏ sau khi cộng đồng mạng phát hiện, phản ứng mạnh, cơ quan chức năng xử phạt… là một minh chứng cho sự “thiếu chọn lọc” của kênh giải trí này. Điều phụ huynh nên làm là đừng tin vào những gì dán nhãn “dành cho trẻ”, cũng đừng tin vào những danh hiệu vàng, bạc của mạng xã hội, mà hãy tự thân thẩm định điều hay, dở, có ích và độc hại… để hướng dẫn con sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, hiệu quả.