Trải lòng ngưỡng mộ về “tập hai” của tiến sĩ khoa học

Google News

(Kiến Thức) - TS Nguyễn Công Ngữ, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu thực phẩm, Viện Công nghệ tâm sự, cuộc đời khoa học của ông thành công nhờ có sự góp sức của người vợ thứ hai rất nhiều.

Mừng lo khi lấy vợ hai

Ông bồi hồi kể lại, vợ đầu ông làm nghề bác sĩ nhưng mắc bệnh ung thư nên qua đời khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại cho ông hai đứa con thơ. Trong thời gian đó, để đủ tiền nuôi con ăn học, ông phải "ngụp lặn" trong công việc, không có thời gian nghĩ đến tình cảm khác giới. Ông bảo: Nhà khoa học hồi đó nghèo lắm, khó khăn mới đủ nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Khi các con thành đạt, bản thân cũng có những thành tựu trong công việc thì tuổi đã cao, 59 tuổi.

Thấy bố sắp về hưu, một mình lủi thủi nên các con giục bố đi thêm bước nữa. Bản thân chưa hề nghĩ đến kết hôn lần hai, lại không có tình cảm với ai nên điều đó tưởng chừng như không thể có. Thế nhưng chính các con lại là người tìm vợ cho bố, vun vén mà nên. 

Bà ngày đó cũng đã ngoài 30 tuổi nhưng chưa lập gia đình. Thỉnh thoảng đến nhà ông chơi nên được các con tin tưởng. Sau khi có ý định hỏi cưới bà, ông dò la đến nhà bà chơi mấy lần, rồi mời bà đi chơi. "Sau một thời gian qua lại, cô ấy gật đầu làm vợ, tôi mừng lắm. Nhưng nhà nghèo nên tôi lo hơn mừng. Là nhà khoa học đi tu nghiệp ở Canada về nhưng chỉ có căn nhà nhỏ ở tận Hà Đông, tổng số tiền có lúc đó là 3 chỉ vàng. Tôi đưa tất số vàng đó nhờ mẹ cô ấy làm cỗ bên ngoại", ông kể lại. 

Vợ chồng TS Nguyễn Công Ngữ. 

Vợ kiếm tiền cho chồng nghiên cứu

Sau khi cưới bà, cuộc đời ông sang trang mới, kinh tế khấm khá hẳn lên. Ông khen, bà là người rất nhanh nhẹn, hoạt bát, làm ăn tốt. Sau khi cưới, bà mua căn nhà nhỏ trên Ngã tư Vọng (Hà Nội) để hai vợ chồng sống. Căn nhà trong Hà Đông ông bán đi chia cho các con một ít tiền, còn số ít nữa dành dụm cho bản thân. Sau này bà có suất mua đất do cơ quan bán ở Cầu Giấy, ông chỉ góp mấy cây vàng, còn nữa bà tự lo. 

Không những thế, tại căn nhà mới này bà còn dành hẳn một tầng để ông làm phòng thí nghiệm tại gia. Sau khi về hưu, ông làm thêm bào chế thuốc, bà cũng là người cung cấp tiền để ông nghiên cứu và phát thuốc miễn phí cho người nhà, những người bị bệnh vì tin tưởng ông đã đến hỏi thăm. Ông phát thuốc nhiều đến mức bà phải thốt lên, tiền đâu mà anh cho dùng miễn phí nhiều thế. Ông chỉ trả lời: Người ta dùng cho là may rồi. Sau lần đó bà không bao giờ đề cập đến tiền nữa. "Vợ tôi hồi đó buôn bán khá, mãi sau này bà nói ra tôi mới hay, mỗi tháng cũng kiếm được vài chục triệu đồng".
 
Dù biết ơn người vợ thứ hai đã giúp ông vượt qua khó khăn về tài chính nhưng ngược lại ông cũng dành nhiều sự quan tâm cho bà. Ông chia sẻ, khi nghiên cứu rượu mơ thành rượu cô nhắc, bà là người được ông nhờ thử rượu đầu tiên dù bà không biết uống rượu. Tất cả những ý kiến của bà, ông đều tin tưởng tuyệt đối. Và thật may mắn, rượu của ông sáng chế khi đi thi quốc tế đã đạt giải vàng. 

Để so sánh câu chuyện "tập hai" của mình, ông chỉ bảo: Hằng ngày bà vẫn mua hoa để cắm trên phòng làm việc của tôi. Đóa hoa luôn tươi, hương thơm khiến tôi cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và làm việc tốt hơn. 

TIN BÀI LIÊN QUAN


Vân Đài

Bình luận(0)