Y bác sĩ chống dịch tử vong do COVID-19 có được truy phong liệt sĩ?

Google News

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có đề xuất truy tặng danh hiệu liệt sĩ đối với các bộ y, bác sĩ tham gia chống dịch tử vong do COVID-19.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, Công đoàn Y tế Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất Chính phủ, Nhà nước và với các bộ ngành liên quan sớm ban hành chế độ chính sách để cán bộ y tế trong khi thực thi nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 bị tử vong được phong danh hiệu liệt sĩ và gia đình được hưởng chế độ liên quan.
Công đoàn Y tế Việt Nam cũng có tờ trình gửi Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Tài chính - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc xin chủ trương hỗ trợ cho đoàn viên, cán bộ y tế tuyến đầu chi viện tăng cường chống dịch COVID-19 các tỉnh miền Nam.
Tờ trình nêu rõ, thực hiện lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế, khoảng 10.000 nhân viên y tế cả nước đã lên đường chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam. Nhiều nhân viên y tế phải tạm xa gia đình để thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Nhân viên y tế đã rất nỗ lực, tận tâm chăm sóc, điều trị các ca bệnh dương tính, không quản ngày, đêm.
Y bac si chong dich tu vong do COVID-19 co duoc truy phong liet si?
Nhiều nhân viên y tế phải xa gia đình, con nhỏ để đi chống dịch.
Công đoàn Y tế Việt Nam đề nghị Tổng Liên đoàn sớm quy định mức chi đối với đoàn viên công đoàn nói chung, nhất là cán bộ y tế tử vong khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Trước đó, ngày 6/8, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định việc hỗ trợ tiền ăn tăng cường dinh dưỡng cho lực lượng y tế đang chống dịch tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thống nhất chủ trương hỗ trợ chi phí cải thiện, tăng cường chất dinh dưỡng bữa ăn, góp phần đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ cán bộ y tế làm nhiệm vụ chống dịch tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người.  
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã đồng ý đề xuất trích từ nguồn tích lũy công đoàn ngành y tế để hỗ trợ cho khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên y tế chi viện cho miền Nam với mức 2 triệu đồng/người (tổng khoảng 20 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, Công đoàn y tế sẽ mua thẻ bảo hiểm an toàn cho khoảng 10.000 cán bộ trên. Kinh phí mua thẻ được trích từ nguồn kinh phí tích lũy của Công đoàn y tế Việt Nam và xã hội hóa. 
Y bac si chong dich tu vong do COVID-19 co duoc truy phong liet si?-Hinh-2
Phải làm việc liên tục, các bác sĩ trẻ phải tranh thủ gục xuống nơi bậc thềm để lấy sức. Ảnh: NVCC 
Trước đề xuất mới của Tổng Liên đoàn Lao Động, luật sư Hoàng Tùng - Văn phòng luật sư Trung Hòa cho rằng, tình hình dịch bệnh phức tạp với số lượng bệnh nhân vẫn gia tăng, biến thể của virus ngày một nguy hiểm nhất là ở các tỉnh phía Nam. Lực lượng y tế trong thời gian vừa qua cũng như hiện tại thật sự là rất vất vả, oằn mình chống dịch. Các công tác từ đơn giản như khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm rồi đến điều trị bệnh nhân nhiễm bệnh các bác sĩ đã rất tận tâm, hy sinh rất nhiều thứ vì sức khỏe của người dân và vì đất nước.
Ngoài việc đảm bảo khám chữa bệnh được diễn ra bình thường thì công tác phòng dịch và chống dịch luôn được đặt trọng tâm. Để cứu sống được bệnh nhân, chữa khỏi bệnh và ngăn chặn sự phát tán của COVID-19 thì lực lượng y tế đã phải hy sinh nhiều thứ như: sức khỏe, thời gian nghỉ ngơi... và còn có cả tính mạng.
Có thể nói, việc bác sĩ tử vong trong khi thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh là một nỗi đau của người thân họ, là nối đau của ngành y tế. Do đó, việc ghi nhận công lao này là điều cần thiết.
Căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định 31/2013/NĐ-CP thì người hy sinh thuộc một trong các trường hợp sau được xem xét xác nhận là liệt sĩ: Chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia; Trực tiếp phục vụ chiến đấu trong khi địch bắn phá: Tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo thông tin liên lạc, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp đảm bảo chiến đấu; Làm nghĩa vụ quốc tế mà bị chết trong khi thực hiện nhiệm vụ hoặc bị thương, bị bệnh phải đưa về nước điều trị và chết trong khi đang điều trị.
Trường hợp bị chết trong khi học tập, tham quan, du lịch, an dưỡng, chữa bệnh, thăm viếng hữu nghị; làm việc theo hợp đồng kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, lao động thì không thuộc diện xem xét xác nhận là liệt sĩ.
Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh; Dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Trách nhiệm lập hồ sơ xác nhận liệt sĩ: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, chính quyền địa phương có người hy sinh có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ cho các trường hợp hy sinh kể trên; hồ sơ bao gồm: Giấy báo tử;  Giấy tờ làm căn cứ cấp giấy báo tử.
Do đó, tùy từng trường hợp các bác sĩ nếu có hy sinh trong khi chống dịch sẽ được xem xét truy phong danh hiệu liệt sĩ.
Danh hiệu liệt sĩ bản chất là để nhà nước, người dân ghi nhận, ghi nhớ đối với công ơn của người đã khuất khi họ mất vì hy sinh cho đất nước, cho xã hội... "Với bất kỳ ai thì quyền được sống là quyền thiêng liêng nhất, việc hy sinh vì lợi ích chung của toàn dân thì xứng đáng được xem xét ghi nhận" - luật sư Hoàng Tùng nói.
>>> Mời quý độc giả xem video: Y bác sĩ Đà Nẵng kiệt sức giữa tâm dịch Covid-19

Nguồn: THĐT


Hiểu Lam - Văn Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)