Ngày 14/8, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế sẽ triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các F0 tại nhà và cộng đồng được cung cấp thuốc và chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần. Chương trình được triển khai thí điểm tại TP HCM bắt đầu từ ngày 16/8.
Theo đó, trên cơ sở trao đổi và thống nhất với TPHCM, Bộ Y tế và Tập đoàn Vingroup sẽ triển khai thí điểm chương trình điều trị tại nhà (home-based care) có kiểm soát cho các trường hợp F0 tại nhà và cộng đồng với mô hình 3 tại chỗ: xét nghiệm tại chỗ, điều trị tại chỗ và an sinh tại chỗ.
Cụ thể, lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cộng đồng. Cung cấp hộp thuốc home-based care cùng một số sản phẩm nâng cao sức khỏe, đồng thời hỗ trợ tư vấn và quản lý sức khỏe trong phòng, chống dịch COVID-19 và cung cấp gói thực phẩm bảo đảm an sinh xã hội cho người nhiễm và các thành viên trong gia đình ở tại nhà, không ra ngoài, tránh tiếp xúc, góp phần làm giảm nguy cơ lây lan.
|
Ảnh minh họa. |
Cùng với đó là tài liệu hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế đối với các F0 để họ tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và liên lạc với các cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng trở nặng để được giúp đỡ. Việc cung cấp và sử dụng thuốc trong chương trình được tư vấn, hướng dẫn, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, ghi nhận và đánh giá bởi các chuyên gia, cán bộ y tế.
Thuốc triển vọng được sử dụng trong chương trình là Molnupiravir - một trong những thuốc kháng virus giúp giảm nhanh nồng độ virus trong cơ thể người nhiễm. Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus Molnupiravir tại Mỹ, Ấn Độ đã cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, góp phần giảm lây nhiễm trong cộng đồng, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong.
Để đảm bảo việc triển khai chương trình an toàn, hiệu quả, Hội đồng đạo đức y sinh học đã thống nhất triển khai đánh giá tại cơ sở y tế trong thời gian từ ngày 16 đến 22/8 trước khi triển khai thí điểm tại cộng đồng.
Đối với nội dung nghiên cứu thử nghiệm, đánh giá tại cơ sở y tế, Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Phổi Trung ương làm đầu mối phối hợp với các cơ sở khẩn trương triển khai thử nghiệm lâm sàng pha 1, 2, 3 trên bệnh nhân mắc COVID-19 mức độ nhẹ và vừa. Trên cơ sở kết quả của nghiên cứu tại cơ sở y tế, Bộ Y tế giao cho Đại học Y Dược TPHCM và Trường Đại học Y tế công cộng trực tiếp triển khai chương trình thí điểm tại cộng đồng.
Những trường hợp F0 tại nhà và cộng đồng, thông qua cuộc gọi được lập trình sẽ được lấy phiếu chấp thuận tự nguyện tham gia chương trình (e-consent), được theo dõi hàng ngày việc dùng thuốc, tình trạng sức khỏe và các tác dụng phụ có thể có, bằng cách sử dụng Nhật ký bệnh nhân điện tử (qua cuộc gọi được lập trình từ hệ thống do Bộ Y tế quản lý). Dựa trên kết quả tổng kết, đánh giá, Bộ Y tế sẽ xem xét để tiếp tục triển khai mở rộng áp dụng chương trình với các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân tại các địa phương khác đang có dịch.
Theo Bộ Y tế, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại TPHCM và một số tỉnh, thành phía Nam, việc giúp người bệnh được tiếp cận y tế một cách nhanh chóng, chủ động, từ đó góp phần giảm tải trong điều trị, giảm tử vong là yêu cầu được đặt lên hàng đầu. Trên cơ sở các kinh nghiệm quốc tế, mô hình bệnh tật (gần 80% bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng), Bộ Y tế đã liên tục cập nhật các phác đồ về điều trị, đảm bảo để các trường hợp mắc COVID-19 được tiếp cận, chăm sóc điều trị một cách tốt nhất.
Trước đó, tại Hội nghị tập huấn trực tuyến về quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, người bệnh COVID-19 sáng 13/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin Bộ Y tế đã sửa đổi phác đồ điều trị trên cách thức tiếp cận rộng rãi hơn, đảm bảo tiếp cận tốt nhất với tất cả loại thuốc.
"Tới đây ngành y tế sẽ triển khai thí điểm chương trình điều trị tại nhà tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác khi có ca nhiễm tăng nhanh, vượt quá khả năng thu dung, điều trị của các cơ sở; để đảm bảo vấn đề quản lý và điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tại nhà, ở các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu. Tầng điều trị này rất quan trọng để bệnh nhân được tiếp cận nhanh nhất với dịch vụ y tế" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: "Việc điều trị các trường hợp F0 tại nhà, cộng đồng kèm theo chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần để làm giảm nguy cơ xuất hiện triệu chứng, giảm chuyển nặng, tử vong và giảm khả năng lây lan là một trong những ưu tiên hàng đầu, đóng vai trò quyết định trong chiến lược mới phòng, chống dịch COVID-19".
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, căn cứ trên kinh nghiệm quốc tế, mô hình về triệu chứng bệnh học, các chuyên gia nhận thấy có thể điều trị được tại nhà, tại gia đình.
"Mỗi gia đình trở thành "home care", phòng y tế ở đó. Chúng tôi đang xây dựng hướng dẫn thật kỹ như bệnh nhân khi ở nhà thì chăm sóc sức khỏe, cách ly như thế nào; khi diễn biến có sốt, ho, bắt đầu khó thở thì phải liên hệ với ai, đến đâu", PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Mô hình chăm sóc, theo dõi, cách ly F0 tại nhà cũng sẽ như việc cách ly F1, F2 tại nhà trước đó; đảm bảo không lây nhiễm chéo cho người trong gia đình, ra ngoài cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng cường tư vấn cho người bệnh thông qua ứng dụng công nghệ thông tin như qua điện thoại, zoom, zalo, viber…
“Vấn đề đặc biệt quan trọng là việc sử dụng thuốc tại gia đình. Hiện Bộ có chiến lược là cấp những "túi thuốc an sinh" cho các gia đình, cũng như tăng cường tư vấn cho mọi người trong gia đình, cộng đồng để giúp người nhiễm bệnh an tâm, không kỳ thị, người trong gia đình được đảm bảo”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói và nhấn mạnh mô hình này phải áp dụng đúng nơi, đúng chỗ, đúng điều kiện.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu dược phẩm tiếp xúc, đàm phán với các đối tác có bản quyền để mua, nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc Molnupiravir và đề nghị MERCK và các hãng dược phẩm khác khẩn trương nộp hồ sơ về Bộ Y tế để xem xét, cấp phép sử dụng thuốc điều trị COVID-19 trong điều kiện khẩn cấp.
Bộ Y tế đồng thời tiếp tục thúc đẩy các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm, trao đổi, đàm phán để đưa các thuốc điều trị kháng virus khác như kháng thể đơn dòng Remdesivir về Việt Nam để phục vụ công tác điều trị bệnh nhân.
>>> Mời độc giả xem thêm videoY bác sĩ Đà Nẵng kiệt sức giữa tâm dịch Covid-19:
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.