Chiều qua (21/5), ngoài tình tiết điều dưỡng viên Đinh Tiến Công thay đổi lời khai, phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương và hai bị cáo khác trong vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình còn chứng kiến màn tranh cãi về trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân.
Trước HĐXX, ông Đỗ Đình Vận - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, bệnh viện là đơn vị hành chính nhà nước có chức danh, hoạt động không dựa vào ngân sách nhà nước. Sự cố tai biến chạy thận là tổn thất lớn của bệnh viện nên ông mong các gia đình nạn nhân tha thứ.
“Sau khi xảy ra sự việc, bệnh viện cũng nhiều lần thương lượng về mức hỗ trợ cho các nạn nhân song đều bất thành. Nguyên nhân là đông nạn nhân, phong tục tập quán khác nhau nên không tìm được tiếng nói chung. Khó khăn nữa là chưa có phán quyết của toà án và nguyên giám đốc bệnh viện là ông Trương Quý Dương bị cách chức ngay sau khi xảy ra sự cố nên khó để thương thảo bồi thường”, ông Vận nhấn mạnh.
|
Phiên tòa xét xử vụ án ngày 21/5. |
Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho rằng, sự cố là do nguồn nước trong quá trình sục rửa máy chứ không liên quan đến chuyên môn của cán bộ bệnh viện.
“Về phía bệnh viện, tôi mong muốn, HĐXX có phán xét đúng pháp luật về mức bồi thường dân sự và phía bệnh viện sẽ chấp hành nghiêm túc phán quyết của toà”, ông Vận cho hay.
Qua xác định, sau khi xảy ra sự việc, phía Công ty Thiên Sơn đã nộp 370 triệu đồng và Bệnh viện đa khoa Hoà Bình nộp 280 triệu đồng cho cơ quan thi hành án để hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân.
Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng 21/5, phần đa các gia đình nạn nhân đều lên tiếng yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình phải bồi thường hàng trăm triệu. Đặc biệt, không ít đại diện các gia đình mong HĐXX tuyên vô tội cho bị cáo Hoàng Công Lương, giảm nhẹ hình phạt cho hai bị cáo còn lại.