“Xe 360” giúp dân tổ lái “tê liệt” CSGT: Có nên để tồn tại?

Google News

(Kiến Thức) - Ứng dụng “Xe 360” có tính năng báo chốt CSGT, camera phạt nguội gây tranh cãi. Thậm chí có ý kiến cho rằng, ứng dụng tiếp tay tài xế phạm luật đối phó, chống đối lại việc chấp hành pháp luật. Vậy có nên để tồn tại?

Ứng dụng “Xe 360” ngoài báo chốt CSGT, camera phạt nguội còn có tính năng gì?
Ứng dụng “Xe 360” được cho là có tính năng báo chốt CSGT, camera phạt nguội đang gây ra nhiều tranh cãi trong suốt thời gian gần đây. Nhiều người sử dụng ứng dụng này cho rằng, ứng dụng giúp người dân tăng quyền giám sát các hoạt động công khai của cảnh sát, tuy nhiên số khác lại cho rằng, ứng dụng này tiếp tay cho tài xế phạm luật, đối phó cảnh sát khi tham gia giao thông.
Cuối tháng 9/2019, mạng xã hội xuất hiện một clip giới thiệu ứng dụng di động “Xe 360” với chức năng cảnh báo chốt CSGT, camera phạt nguội. Trong đoạn clip này, một người tự nhận là quản trị viên của ứng dụng đã hướng dẫn người xem quy trình đánh dấu vị trí có CSGT trên bản đồ GPS của điện thoại chỉ với vài thao tác đơn giản.
Đáng chú ý, mới đây, ứng dụng Xe 360 được phát hành chính thức trên Google Play và nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người với hàng nghìn lượt tải. Thậm chí trên Google Play, nhiều người dùng đã đánh giá 5 sao và cho rằng đây là "siêu phẩm nghìn người mong chờ".
“Xe 360” giup dan to lai “te liet” CSGT: Co nen de ton tai?
Ứng dụng chỉ ra các vị trí đặt camera, chốt CSGT. 
Một fanpage có hơn 2 triệu người theo dõi đã chia sẻ ứng dụng kèm lời quảng cáo tính năng báo chốt CSGT. Bài đăng đã nhận được gần 500 lượt chia sẻ và 3.000 bình luận.
Theo giới thiệu, ứng dụng trên có nhiều tính năng như cho phép người dùng đánh dấu vị trí trên cung đường đang đi qua, đồng thời chú thích cho vị trí đó như "Tắc đường", "Tai nạn giao thông", "Ngập lụt"... Các điểm chú thích này được chia sẻ công khai cho mọi người khi truy cập ứng dụng.
Đáng chú ý nhất chính là tính năng thông báo cho người dùng các vị trí “Có CSGT”, "Camera phạt nguội". Cụ thể, khi cài đặt ứng dụng, người dùng có 5 lựa chọn tính năng chia sẻ vị trí. Khi thông báo có “chốt CSGT”, bản đồ xuất hiện chiếc còi màu vàng trên nền vị trí màu đỏ. Còn khi báo vị trí có “camera phạt nguội”, màn hình bàn đồ xuất hiện biểu tượng camera giám sát màu trắng trên nền vị trí màu đen.
Nhóm phát triển ứng dụng cho rằng, tính năng báo chốt CSGT chỉ là một tính năng rất nhỏ trong ứng dụng với mong muốn giúp người tham gia giao thông nắm được chủ trương minh bạch hoá, công khai hoá lịch trình làm việc của lực lượng CSGT.
Có nên để cho tồn tại?
Mới đây, trao đổi với báo chí về ứng dụng trên, thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng Phòng tuyên truyền của Cục CSGT - Bộ Công an cho rằng, nhóm phát triển ứng dụng đang hiểu sai về việc minh bạch trong hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.
“Cục CSGT có chủ trương minh bạch hóa, công khai hóa kế hoạch làm việc; tuy nhiên, chúng tôi chỉ công khai về các tuyến đường có lực lượng quản lý. Còn lịch trình cụ thể CSGT hôm nay ở đâu, làm gì thì thuộc về nghiệp vụ, không thể công khai”, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật nói.
Đồng thời, Thượng tá Nhật cho biết, quan điểm của Cục CSGT là khuyến khích phát triển các tính năng thông báo địa điểm ùn tắc, ngập lụt hoặc tai nạn giao thông để giúp người dân di chuyển tốt hơn, nhưng với tính năng thông báo địa điểm làm việc cụ thể của CSGT thì rất có thể sẽ xảy ra tình trạng nhiều người tham gia giao thông lách luật khi không bị giám sát, người vi phạm sử dụng ứng dụng đối phó, né tránh việc bị xử phạt thì Cục CSGT không khuyến khích.
“Xe 360” giup dan to lai “te liet” CSGT: Co nen de ton tai?-Hinh-2
 Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa.
Trưởng phòng tham mưu Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết đã ghi nhận sự xuất hiện của ứng dụng và đang đánh giá mức độ vi phạm.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, ứng dụng trên là một tiện ích công nghệ và việc công dân giám sát hoạt động các cơ quan công quyền, trong đó có CSGT được pháp luật cho phép, bởi vậy ứng dụng công khai các tuyến đường có chốt CSGT cũng được pháp luật thừa nhận.
“CSGT và camera ghi hình phạt nguội là công khai và nhóm tạo ra và phát triển ứng dụng trên cũng như người sử dụng mục đích để biết và tuân thủ. Trong khi đó, theo quy định cảnh sát giao thông thực hiện tuần tra, kiểm soát cơ động chứ đâu phải có điểm. Khi CSGT thay đổi phạm vi tuần tra kiểm soát các tuyến đường liên tục thì ứng dụng cũng không thể cập nhật được. Do vậy, không có cơ sở để cho rằng, ứng dụng tiếp tay cho nhiều người vi phạm giao thông. Trong khi đó, theo quy định pháp luật hiện hành cũng không có điều khoản nào cụ thể về việc cấm tải và sử dụng ứng dụng này. Bởi nó đơn thuần như những ứng dụng chỉ đường hay những điểm cố định để người sử dụng tiện lợi tra cứu”, luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Đồng thời luật sư Hoàng Tùng cho rằng, nếu mục đích người sử dụng loại ứng dụng này vào mục đích vi phạm pháp luật nào đó thì người đó sẽ bị chế tài xử lý hành vi đó chứ bản thân ứng dụng này không có mục đích ý nghĩ hỗ trợ hay làm công cụ giúp đỡ người vi phạm được.
“Nếu loại ứng dụng phần mềm này hoặc bất kỳ một sản phẩm công nghệ nào mà hướng tra cứu thông tin cho người dùng làm lộ bí mật nhà nước hoặc những thông tin gây cản trở xâm phạm quyền lợi tổ chức công dân đó là thuộc loại tội phạm công nghệ cao. Tuy nhiên, điều đó không phải là loại ứng dụng thông thường này. Ứng dụng chỉ thu thập thông tin đã được công khai như vị trí CSGT chốt chặn hay camera an ninh và hoàn toàn không thu thập những thông tin bí mật Nhà nước hay bí mật cá nhân thì không phạm luật và tất nhiên không có căn cứ để xử lý”, luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Mời độc giả xem clip Dân giám sát CSGT: Quay hình sao cho đúng luật? - Nguồn VTC9:
  
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)