Việc giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông cả công khai lẫn bí mật nhằm chấn chỉnh hoạt động của lực lượng này là điều tốt, nhưng liệu có giám sát được không? Hay càng giám sát chặt, càng khó "tác nghiệp" thì người dân càng khổ vì bị "hành". Đó là băn khoăn của LS Văn Trường Chinh về chủ trương bí mật giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông.
Vì sao phải giám sát?
- Trong năm 2015, thông qua các hoạt động cả công khai lẫn bí mật, Bộ Công an sẽ tăng cường chấn chỉnh hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông, đặc biệt là liên quan tới quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của CSGT ở ngoài đường. Các hoạt động có dấu hiệu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Ông nghĩ gì về giải pháp này?
- Thực ra đây là việc nhằm chấn chỉnh hoạt động của lực lượng CSGT, tránh hoặc hạn chế những điều tiêu cực không hay xảy ra trong thời gian vừa qua. Việc đó rất đáng làm và cần phải làm, được người dân ủng hộ. Thực ra thì ta đã có luật rồi, có các chế tài khen thưởng và xử lý rồi, công việc cứ thế mà làm, pháp luật cứ thế mà thực hiện, đâu cần phải đặt vấn đề giám sát công khai hay bí mật. Nếu phải giám sát mới tạo ra được sự chân thực trong công việc thì các lĩnh vực "nhạy cảm" liên quan đến tiền nong, hóa đơn, tham nhũng tham ô lãng phí... có khi đều phải giám sát hết thì mới mong có được sự minh bạch, trong sạch.
- Người ta sẽ đặt câu hỏi vì sao phải giám sát bí mật, phải chăng tình trạng sai phạm nhũng nhiễu đang nhiều quá?
- Đúng thế, nhưng cái việc giám sát kia cũng chỉ là để đối phó với thực trạng đó chứ không phải là giải pháp căn bản gốc rễ để thay đổi thực trạng. Bí mật theo dõi như vậy không phải là giải pháp hay, nó khiến người ta nghĩ phải chăng CSGT đang làm việc không nghiêm chỉnh.
- Ngoài các giải pháp giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước thì việc giám sát của người dân đối với CSGT thế nào thưa ông, có dễ để nhận biết CSGT làm đúng hay làm sai luật?
- Dễ lắm, rất nhiều vi phạm của CSGT mà chỉ quan sát một chút là biết ngay thôi.
- Nhưng đa phần người dân đều nắm luật không chắc chắn lắm, làm sao để biết?
- Không cần phải nắm rõ các quy định của pháp luật cũng biết hành vi nào của CSGT là vi phạm, hành vi nào không. Đơn giản, luật nào cho phép CGST nhận tiền hối lộ? Vậy là chỉ cần chứng kiến CSGT nhận tiền hối lộ là biết chắc chắn rằng họ đã vi phạm pháp luật rồi. Nhiều loại vi phạm có thể nhìn thấy lắm.
- Người dân có thể nhìn thấy, thì hẳn là các cơ quan quản lý cũng phải thấy rõ chứ?
- Ở góc độ quản lý thì phải có các biện pháp chế tài khác để quản lý chứ không dựa trên việc "quan sát" kiểu đó. Ví dụ như CSGT khi làm nhiệm vụ không được đem quá 20 ngàn đồng trong người, không đem theo điện thoại di động...
|
LS Văn Trường Chinh, Trưởng văn phòng Luật sư Nhân Nghĩa. |
Trên không tin dưới?
- Theo ông thì nếu bí mật giám sát, CSGT có làm tốt hơn nhiệm vụ của họ?
- Tôi không nghĩ thế, có thể họ sẽ đối phó tốt hơn, chứ làm tốt hơn hay không thì chưa biết được. Nếu giám sát họ một cách bí mật có nghĩa là chúng ta đang không tin vào CSGT, liệu điều đó có nên chăng? Giám sát kiểu đó thì nó khiến người ta nghĩ rằng cấp trên đang không tin cấp dưới. Tôi nghĩ là không nên. Mọi hoạt động của CSGT đều công khai, chứ không phải như các trinh sát hoạt động bí mật.
- Nếu CSGT cố tình vi phạm thì liệu giải pháp theo dõi họ có khắc phục được?
- Nếu họ cố tình vi phạm thì khó có thể nào giám sát được hết, kể cả là sử dụng các máy móc phương tiện tinh vi. Không máy móc nào tinh vi bằng con người. Có rất nhiều cách để khắc phục tình trạng đó, hơn nữa, trong một Nhà nước pháp quyền hiện đại, việc sử dụng các biện pháp đối phó kiểu tình thế như vậy là không nên. Hoạt động kiểu như thế thì không ai gọi là luật cả.
- Vấn đề là trong suốt thời gian qua, dù báo chí nói nhiều, dư luận lên án nhiều, nhưng tình trạng này vẫn cứ là nỗi nhức nhối của toàn xã hội, vậy thì phải có giải pháp chứ?
- Tôi hoàn toàn đồng ý là cần phải có giải pháp để khắc phục, lấy lại hình ảnh đẹp của đội ngũ CSGT. Hiện tượng CSGT vi phạm luật không phải là nhiều đến mức phổ biến, đa phần vẫn là những người làm việc tận tụy, vì nhân dân phục vụ. Chỉ vì một bộ phận nhỏ vi phạm mà phải dùng đến biện pháp làm xấu đi hình ảnh của đội ngũ thì tôi nghĩ là phải cân nhắc. Mà tôi sợ là càng đối phó như thế thì vi phạm càng tăng, tình trạng sách nhiễu sẽ càng tăng lên.
Cái gốc là sửa luật
- Thực ra nếu CSGT làm việc mà biết rằng mình có thể bị giám sát bất cứ lúc nào thì sẽ khiến họ phải cảnh giác hơn, đồng nghĩa họ phải làm tốt hơn?
- Cũng có thể như thế, nhưng cũng có thể người ta sẽ có các giải pháp đối phó tinh vi hơn máy móc như tôi vừa nói. Hơn nữa, nếu luật không nghiêm, luật có nhiều kẽ hở thì cái đáng sợ là người thực thi công vụ càng bị "kìm kẹp" thì sẽ lại càng quay ra làm khó, "hành" dân nhiều hơn để bù đắp lại cái việc bị "kìm kẹp" kia. Thế là cuối cùng người dân chính là người chịu khổ. Vậy tôi mới nói phương pháp kia là phương pháp tiêu cực, không phù hợp.
- Ông vừa nói có giải pháp, cụ thể đó là giải pháp gì thưa ông?
- Phải đào tạo ra những con người hoàn thiện, chuẩn mực về đạo đức, trình độ nghiệp vụ... thì họ sẽ không nhận hối lộ, không dám và không muốn nhận hối lộ. Nếu tất cả các quy trình, quy định công khai rõ ràng, minh bạch thì khó mà có điều gì khuất tất được. Ví dụ như yêu cầu xử lý người vi phạm phải có quy trình, có trụ sở, có văn bản, phải quay được cảnh vi phạm thì mới xử lý... Còn việc bày ra biện pháp để đối phó với CSGT là không nên vì sợ là họ sẽ đối phó đấy. Ví dụ như khi nhận tiền thì họ cũng có đầy cách để không ai phát hiện. Họ không lập biên bản mà vẫn nhận tiền, không ai biết. Họ nhận tiền ở chỗ góc quay camera không tới, thì cũng không ai biết.
- Ở góc độ Luật, để quản lý tốt hơn tình trạng này thì theo ông phải làm gì?
- Chúng ta phải hoàn thiện luật, tạo ra một đội ngũ cán bộ có đạo đức và nghiệp vụ tốt, hoạt động công khai. Luật đừng tạo ra kẽ hở để người thực thi có thể áp dụng lung tung. Không thể thích phạt bao nhiêu thì phạt, cứ áp dụng mức cao nhất mà phạt.
- Ý ông là luật hiện nay còn nhiều kẽ hở?
- Đúng thế. Ví dụ như đưa ra một nghị định về xử phạt vi phạm hành chính chẳng hạn, phải đưa ra mức phạt cụ thể, nhất định. Không nên để ra một cái khung là phạt từ bao nhiêu đến bao nhiêu đó, thì công cụ ở trong tay người thực thi pháp luật rồi. Phạt 5 nghìn là 5 nghìn, 10 nghìn là 10 nghìn chứ không thể dao động từ 5.000 - 10.000đ. Cái khoảng đó chính là chỗ để người ta vi phạm, sẽ vận dụng một cách tùy tiện, kiểu "linh hoạt tùy tiện". Nếu sửa luật, phải lấp đầy các khe hở đó thì mới hạn chế được tiêu cực, tham nhũng.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, việc kiểm soát và phát hiện vi phạm sẽ được thông báo bằng văn bản tới giám đốc công an các địa phương để những người đứng đầu lực lượng này tại địa phương đó trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ đạo xử lý dứt điểm. Tới đây, ngoài việc các trưởng, phó phòng CSGT thì phó giám đốc công an địa phương phụ trách phải thường xuyên ra đường kiểm tra hoạt động của cán bộ, chiến sĩ CSGT. Đồng thời, Bộ Công an đang nghiên cứu để ứng dụng khoa học kỹ thuật trong xử lý vi phạm, trong đó có việc xử lý vi phạm thông qua tài khoản.