Bộ CA đề xuất dân được giám sát CSGT bằng ghi âm, ghi hình

Google News

(Kiến Thức) - Bộ Công an đề xuất công dân được giám sát cảnh sát giao thông bằng máy ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng không làm ảnh hưởng tới quá trình thực thi nhiệm vụ.

Đây là nội dung Bộ Công an vừa bổ sung vào Dự thảo Thông tư lần 3 về quy chế dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Cụ thể, so với Dự thảo thông tư lần 2, Bộ Công an đã chỉnh lý, bổ sung nội dung người dân được phép giám sát cảnh sát giao thông thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp theo quy định của pháp luật và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ thực thi nhiệm vụ.
Ngoài ra, dự thảo mới nhất cũng bổ sung quy định thủ trưởng cơ quan công an có cán bộ, chiến sỹ được nhân dân góp ý, nhận xét phải có trách nhiệm xem xét, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
Bo CA de xuat dan duoc giam sat CSGT bang ghi am, ghi hinh
Ảnh minh họa. 
Bộ Công an quy định người dân tham gia giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; việc chấp hành tư thế, tác phong, văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ. Đồng thời, người dân khi giám sát phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ.
Trao đổi với báo chí, Cục trưởng Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an cho biết, việc bổ sung ghi âm, ghi hình là nhằm cụ thể hóa hơn quyền giám sát của người dân.
Lãnh đạo Cục CSGT cho rằng, người dân có quyền ghi âm, ghi hình theo quy định của pháp luật, tuy nhiên trong quá trình giám sát cũng tránh gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của cảnh sát giao thông. Đồng thời, người dân khi giám sát và thông tin, phản ánh lên các phương tiện truyền thông phải đảm bảo tính khách quan, trung thực và chịu trách nhiệm trước thông tin cung cấp.
Bên cạnh đó, trước đó trong dự thảo lần hai, Bộ Công an đề xuất công dân có bốn hình thức giám sát đối với lực lượng Công an nhân dân trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Cụ thể, thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với Công an nhân dân; thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Đồng thời, tại dự thảo lần 2 đã bỏ nội dung người dân được phép ghi âm, ghi hình, quan sát trực tiếp hoạt động của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân. Tuy nhiên, sau đó, nhiều phản hồi không đồng tình khi cho rằng làm như vậy đã hạn chế quyền công dân mà Luật, Hiến pháp đã quy định. Sau hai tháng lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Công an đưa trở lại đề xuất trên trong dự thảo lần 3 như trên.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)