Liên quan đến việc Công ty nhiệt điện Na Dương (có địa chỉ tại thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) xây dựng hệ thống xử lý môi trường trên diện tích 13 ha khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp đất, cho thuê đất. PV Báo Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc làm việc với công ty và các cơ quan liên quan để làm rõ.
Chủ trương và thực tế đang “vênh” nhau?
Theo công ăn số 623 của công ty nhiệt điện Na Dương (thuộc Tổng công ty Điện lực - TKV), ngày 28/5/2010, UBND tỉnh Lạng Sơn ra Quyết định 776/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch đổ thải, thoát nước có tỷ lệ 1/2000 bãi thải xỉ Nhà máy Nhiệt điện Na Dương - TKV. Ngày 19/6/2013, Công ty Điện lực - Vinacomin có Quyết định số 834/QĐ-QĐ-ĐLTKV về việc phê duyệt dự án đầu tư và kế hoạch đấu thầu dự án bãi thải tro xỉ công ty nhiệt diện Na Dương giai đoạn 2013 - 2015. UBND huyện Lộc Bình giao các cơ quan chuyên môn đo đạc đất đai, kiểm đếm cây cối hoa màu. Từ năm 2012 đến nay, UBND huyện Lộc Bình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và chi trả hơn 20 tỷ đồng cho 42 hộ gia đình và 1 tổ chức, với tổng diện tích 57,79 ha.
|
Trụ sở công ty nhiệt điện Na Dương. |
Sau khi giải phóng mặt bằng, ngày 2/6/2020, UBND tỉnh Lạng Sơn ra Quyết định số 1012/QĐ-UBND về việc cho công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV thuê 9,64 ha vào mục đích bãi tro xỉ nhà máy. Từ đó đến nay, công ty đang đổ thải trong diện tích được cho thuê nhưng chưa có hệ thống xử lý môi trường theo thiết kế bãi thải xỉ 162 ha đã được phê duyệt.
Giai đoạn 2013 - 2015, công ty Nhiệt điện Na Dương đã xây dựng các bờ chắn xỉ và hệ thống xử lý môi trường. Công trình gồm bờ chắn, lắng xỉ số 1, dài 100 m, rộng 300 m, diện tích 30.000 m2; bờ chắn, lắng xỉ số 2 dài 150 m, rộng 200 m, diện tích 30.000 m2; bờ chắn, lắng xỉ số 3 dài 100 m, rộng 250 m, diện tích 25.000 m2; trạm và hồ xử lý nước dài 150 m, rộng 300 m, diện tích 45.000 m2. Tổng diện tích là 130.000 m2 (13 ha). Những công trình này được Tổng công ty Điện lực – TKV phê duyệt tại quyết định số 834/QĐ-ĐLTKV (ngày 19/6/2013). Hiện nay những công trình này đã thực hiện xong và được đưa vào sử dụng nhưng chưa được UBND tỉnh Lạng Sơn cho thuê đất.
|
Khu vực công ty xây dựng kè chắn nước khi chưa được tỉnh Lạng Sơn cho thuê đất. |
Tất cả các công trình đều nằm trong diện tích quy hoạch bãi thải xỉ 162 ha nhưng lại nằm ngoài diện tích 9,64 ha được tỉnh Lạng Sơn cho thuê trước đó.
Như vậy, phần diện tích hệ thống xử lý môi trường 13 ha xây dựng chưa được UBND tỉnh Lạng Sơn cho thuê đất, đồng nghĩa với việc xây dựng không phép. Để khắc phục sai phạm, công ty đã làm văn bản gửi UBND tỉnh và Sở TNMT Lạng Sơn đề nghị cho công ty thuê 13 ha.
Lý giải về việc xây dựng hệ thống xử lý môi trường khi chưa được cho thuê đất, ông Hà Văn Thứ - Phó giám đốc công ty nhiệt điện Na Dương cho biết, mỗi năm lượng tro xỉ nhà máy thải ra khoảng 300.000 tấn, khối lượng tồn bãi đã lên đến hơn 3 triệu tấn trong khi với diện tích 9,64 ha được cho thuê làm bãi đổ thải thì chỉ đủ đáp ứng cho 2 năm tới.
Theo lãnh đạo công ty, hiện nhu cầu đổ tro xỉ thải của nhà máy đang vướng Quyết định 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Cụ thể, quyết định này yêu cầu đến năm 2020 diện tích bãi thải không quá 2 năm sản xuất trung bình nhưng thực tế hiện nay công ty chưa tìm được đầu ra cho tro xỉ thải.
|
Bãi đổ tro xỉ thải của công ty Nhiệt điện Na Dương. |
Theo ông Lê Văn Xuân - Giám đốc công ty Nhiệt điện Na Dương, tại tỉnh cũng có một vài đơn vị nghiên cứu tro xỉ để làm vật liệu xây dựng, làm đường... nhưng để áp dụng vào thực tế thì chưa có chứ chưa nói đến là bán tro xỉ. Đây là cái khó của nhà máy khi không có đầu ra cho tro xỉ. Ông Xuân thở dài: “Nếu có ai đến lấy chúng tôi sẵn sàng cho không chứ đừng nói gì đến bán, giờ bãi đổ thải cũng sắp quá tải rồi.”
Doanh nghiệp kêu khó
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Xuân - Giám đốc công ty Nhiệt điện Na Dương không phủ nhận việc công ty có xây dựng phần kè, song ông cho rằng các công trình trên nhằm mục đích bảo vệ môi trường, điều tiết nước mùa mưa lũ, tránh sạt lở bãi thải và xử lý nước thải từ bãi thải trước khi thải ra môi trường.
Ông Xuân nói: “Gọi là cái đập nhưng thực ra bản thân nó có đường đi trước rồi, mình (công ty) chỉ kè lên thôi. Nhiểu khi trời mưa to bà con cứ bảo là do bãi thải nước từ hồ tràn xuống, thực ra xỉ thải không chảy xuống đấy. Công ty có làm thành 3 tầng ngăn nước, tầng bậc một để lắng đọng nước từ bãi xỉ thải, vừa để ngăn ngừa việc mưa lớn nước ở các khe, sườn đồi dồn về tạo thành lũ. Ở tầng 3 nói là hồ nhưng thực chất là cái hủm, ngày trước đã có đường đi của bà con, công ty chỉ kè thêm vào cho chắc chắn, phía dưới có cống thoát nước. Nếu bà con đổ cho việc công ty làm vậy thì cũng chưa đúng lắm.”
Trả lời về việc công ty chưa được cho thuê đất nhưng đã xây dựng, thì nếu bị xử phạt hành vi xây dựng trái phép thì công ty xử lý thế nào?, ông Xuân cho biết: “Cái đập đó trước là 1 con đường giờ vẫn là đường nhưng anh em kè vào thôi chứ không phải xây dựng cái gì nó lớn cả. Nếu nói khôi phục nguyên trạng thì cái đó vẫn là con đường đi, chả có gì mà phá.”
|
Khu vực công ty Nhiệt điện Na Dương xây kè bằng bê tông để ngăn nước thuộc hệ thốngxử lý môi trường bãi thải xỉ. |
Lý giải về vấn đề tại sao chưa tiêu thụ được tro xỉ, ông Xuân nói: “Chính phủ chỉ giao mặt bằng cho đủ 2 năm đổ thải, nhưng khó khăn của mình là xỉ chưa tiêu thụ được dù đã có nhiều đề tài nghiên cứu nhưng đến thời điểm này cũng chỉ có một số đơn vị lấy để nghiên cứu. Vừa rồi công ty cũng phối hợp để thử nghiệm xỉ thải để làm xi măng, làm vật liệu san lấp thì lúc đó coi đó là hàng hóa, bãi đổ xỉ thải cũng sẽ được coi bãi tập kết hàng hóa. Nhưng công ty cũng có những khó khăn, ví dụ như dự án đường cao tốc 4B đang thi công trên địa bàn huyện thì họ ở xa lắm, địa hình ở đây toàn đồi nên cũng không ai vào tận đây để chở ra vì chi phí cao, dẫn đến việc chưa tiêu thụ được.”
Trao đổi với PV về sự việc trên, ông Lương Trọng Quỳnh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, tỉnh đã nhận được công văn của công ty nhiệt điện Na Dương và đã giao cho các Sở, phòng ban chuyên môn kiểm tra, giải quyết theo quy định.
Trả lời báo chí trước đó, ông Chu Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn cho biết, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cũng như qua rà soát diện tích đổ thải của Công ty chỉ được duyệt khoảng gần 10 ha. Đối với diện tích Công ty muốn thuê thêm (13 ha) thì phải có căn cứ, nếu không có căn cứ thì không thể cho thuê được. Vấn đề này sở Tài nguyên và Môi trường sẽ kiểm tra.