Vụ Vạn Thịnh Phát: Thẩm định giá gây thiệt hại hơn 127.040 tỷ

Google News

Chỉ việc nâng khống trị giá tài sản, không cần thẩm định giá (TĐG), ký phát hành chứng thư theo yêu cầu của lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), nhóm bị cáo thuộc các Công ty TĐG góp phần gây thiệt hại hơn 127.040 tỷ đồng.

Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB mà TAND TP HCM đang xét xử, có tới hàng chục Công ty thẩm định giá (TĐG) tham gia, nâng khống giá trị tài sản để Trương Mỹ Lan (SN 1956, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng đồng phạm hợp thức hóa hồ sơ vay vốn khống, rút tiền và gây thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ đồng của SCB.
Thẩm định giá theo mức do SCB định sẵn
Trong 86 bị cáo, có nhóm 7 bị cáo thuộc các Công ty TĐG bị xét xử tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Theo đó, quá trình thực hiện các khoản vay, theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Nguyễn Phương Hồng (Giám đốc SCB Chi nhánh Sài Gòn, đã chết) chỉ đạo Lê Anh Phương (Phó Giám đốc chi nhánh Sài Gòn); Trần Thị Mỹ Dung (Phó Tổng Giám đốc SCB) chỉ đạo Bùi Ngọc Sơn (nhân viên Phòng Tái thẩm định) và Lê Văn Chánh (Giám đốc Định giá và Quản lý tài sản đảm bảo) phối hợp với Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Penninsula), trực tiếp hoặc qua trung gian gửi thông tin tài sản, mức giá cần thẩm định, ấn định ngày phát hành chứng thư TĐG, để các Công ty TĐG thực hiện theo yêu cầu của SCB.
Do quen biết từ trước, nên Trần Văn Nhị (Phó Giám đốc Công ty TNHH hãng kiểm toán và định giá ATC; đồng thời môi giới TĐG tài sản cho SCB) được Trần Thị Mỹ Dung nhờ tìm đơn vị TĐG tài sản đảm bảo cho SCB. Năm 2020, Dung yêu cầu Nhị liên hệ, thỏa thuận với Trần Thị Kim Ngân (Tổng Giám đốc Công ty CP TĐG Thiên Phú) phát hành 2 chứng thư TĐG ghi lùi ngày, nâng khống giá trị tài sản. Sau đó Ngân nhận hồ sơ tài sản TĐG theo yêu cầu của SCB từ Nhị là file có sẵn yêu cầu về giá trị tài sản TĐG cần đạt được, ngày phát hành chứng thư phải ghi lùi so với thời điểm nhận hồ sơ TĐG.
Vu Van Thinh Phat: Tham dinh gia gay thiet hai hon 127.040 ty
Dự án Mũi Đèn Đỏ tại quận 7 (TP.HCM) nhìn từ sông vào. Ảnh: Yến Thanh. 
Đối với tài sản TĐG là dự án Khu công viên (KCV) Mũi Đèn Đỏ và Khu nhà ở đô thị (NƠĐT) tại phường Phú Thuận (quận 7, TP HCM), Dung yêu cầu Nhị gửi báo cáo định giá của Công ty TNHH TĐG SVVN Việt Nam cho Ngân, và đề nghị thực hiện TĐG, ban hành chứng thư với giá dựa trên báo cáo của SVVN. Đối với tài sản TĐG là quyền sử dụng đất tại Dự án 100 Hùng Vương, phường 9, quận 5, TP HCM (Dự án 100 Hùng Vương), Dung yêu cầu TĐG theo thông số không đúng quy hoạch 1/2000 đã được duyệt.
Chứng thư TĐG nâng khống giá trị tài sản hơn 140.000 tỷ đồng
Khi đã thoả thuận xong, Ngân chỉ đạo Trần Tuấn Hải (Thẩm định viên) thực hiện TĐG theo yêu cầu của Nhị. Cụ thể, TĐG sai quy hoạch đã được phê duyệt (vượt 15 tầng) tại Dự án 100 Hùng Vương. Tại dự án KCV Mũi Đèn Đỏ và Khu NƠĐT ở phường Phú Thuận (quận 7) cũng TĐG sai quy hoạch, tài sản TĐG chưa thuộc quyền của Công ty CP Tập đoàn Penninsula; TĐG tài sản theo thông số thẩm định cũ của SVVN Việt Nam, không khảo sát so sánh tài sản thực tế để đưa ra mức giá chỉ dẫn.
Từ tháng 8/2020-12/2020, Hải và Ngân ký ban hành 2 chứng thư TĐG nâng khống giá trị tài sản, ghi lùi ngày phát hành chứng thư. Cụ thể, nâng khống trị giá Dự án KCV Mũi Đèn Đỏ và Khu NƠĐT lên 151.505 tỷ đồng; nâng khống trị giá quyền sử dụng đất Dự án 100 Hùng Vương hơn 4.427 tỷ đồng. SCB sử dụng 2 chứng thư này để hợp thức hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo, giải ngân khoản vay của 65 khách hàng với tổng số tiền hơn 105.656 tỷ đồng. Sau khi vụ án được khởi tố, SCB thuê Công ty TĐG Hoàng Quân định giá 2 tài sản trên chỉ hơn 17.320 tỷ đồng.
Trong việc TĐG nâng khống tài sản, còn có Công ty TNHH TĐG MHD, tại 52 Trần Bình Trọng (phường 5, quận Bình Thạnh) của Trần Khánh Du (Giám đốc) và Hồ Bình Minh (Phó Giám đốc). Giữa năm 2020, Minh cùng Du thống nhất với Bùi Ngọc Sơn thực hiện TĐG nâng khống giá trị tài sản theo yêu cầu của SCB tại Dự án 100 Hùng Vương và Dự án Khu dân cư ở xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (Dự án KDC xã Long Phước). Minh trực tiếp TĐG tại Dự án 100 Hùng Vương, sai quy hoạch 1/2000 mà UBND quận 5 đã phê duyệt (vượt 26 tầng), và ký thẩm định viên để phát hành chứng thư ngày 2/3/2022, nâng khống giá trị tài sản Dự án 100 Hùng Vương lên hơn 14.353 tỷ đồng. Còn tại dự án KDC xã Long Phước, chứng thư TĐG được nâng khống lên hơn 7.367 tỷ đồng.
Vu Van Thinh Phat: Tham dinh gia gay thiet hai hon 127.040 ty-Hinh-2
Trong 86 bị cáo, có nhóm 7 bị cáo thuộc các Công ty TĐG bị xét xử tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” 
Đáng nói, trước đó tại Dự án 100 Hùng Vương, Công ty Thiên Phú đã từng nâng khống giá TĐG hơn 4.427 tỷ đồng, nhưng đến Hồ Bình Minh thực hiện TĐG thì nâng lên 14.353 tỷ đồng, giúp SCB hợp thức hồ sơ thế chấp tài sản, giải ngân cho 3 khách hàng vay số tiền 14.570 tỷ đồng.
Ghi lùi ngày phát hành chứng thư TĐG đến vài năm
Ngoài ra, Minh còn giới thiệu Công ty TNHH TĐG Tầm Nhìn Mới do Lê Huy Khánh làm giám đốc, phát hành chứng thư cho SCB và thỏa thuận được hưởng 10-15% giá trị hợp đồng trước thuế từ các chứng thư do Công ty Tầm Nhìn Mới phát hành. Thực tế, Minh soạn thảo báo cáo, chứng thư TĐG đã nâng khống giá trị tài sản, gửi cho Hồ Thị Mai Hoa (nhân viên Công ty Tầm Nhìn Mới) in, đóng dấu, phát hành rồi gửi lại cho Minh 2 chứng thư TĐG đã nâng khống giá trị tài sản và ghi lùi ngày phát hành chứng thư.
Đối với Công TNHH TĐG Tầm Nhìn Mới trước đó không được cấp phép hành nghề TĐG. Vì vậy năm 2019, Khánh mượn thẻ Thẩm định viên của La Xuân Phước, Phùng Xuân Khánh, Phan Công Hoàng Hiến để thành lập công ty này. Để thực hiện hành vi phạm tội, từ tháng 12/2021 Khánh thống nhất với Minh việc nhận TĐG, phát hành chứng thư TĐG nâng khống giá trị tài sản, ghi lùi ngày chứng thư để SCB hợp thức hồ sơ.
Khánh chỉ đạo Hoa nhận báo cáo, chứng thư TĐG do Minh gửi, sau đó Hoa in các báo cáo, chứng thư TĐG trên các giấy A4 đã được Khánh ký sẵn và ký giả chữ ký của La Xuân Phước, Phùng Xuân Khánh rồi in, phát hành báo cáo, gửi lại cho Minh. Công ty TNHH TĐG Tầm Nhìn Mới bắt đầu hoạt động từ tháng 3/2022, nhưng theo đề nghị của Minh, Khánh đã ký phát hành chứng thư, báo cáo TĐG lùi thời gian về năm 2020, 2021 để hợp thức hóa hồ sơ vay của SCB và được Minh trả công 100-200 triệu đồng.
Trong nhóm tội danh nêu trên, còn có Đỗ Xuân Nam (Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn dịch vụ BĐS DATC), nhận yêu cầu từ Nguyễn Phương Hồng và Lê Anh Phương là TĐG không đúng quy hoạch được phê duyệt (vượt 12 tầng), nâng khống giá trị tài sản (nâng lên 7.630 tỷ đồng), ghi lùi ngày phát hành chứng thư đối với bất động sản tại số 274 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 8, quận 3), để SCB sử dụng chứng thư giải ngân cho 4 khách hàng vay, dư nợ đến ngày 17/10/2022 hơn 4.628 tỷ đồng (nợ gốc và lãi).
Tương tự, Lê Kiều Trang (Phó Giám đốc Công ty Cổ phần TĐG E XIM) cũng thực hiện theo yêu cầu của Lê Văn Chánh. Từ năm 2017-2019, Trang đã TĐG, ký thẩm định viên để Công ty E XIM phát hành 17 chứng thư nâng khống giá trị tài sản với tổng giá trị 1.360,853 tỷ đồng, để SCB sử dụng hợp thức hồ sơ thế chấp tài sản bảo đảm, giải ngân cho khoản vay của 11 khách hàng với số tiền hơn 1.140 tỷ đồng.
Trách nhiệm của các bị cáo
Cáo trạng cũng quy trách nhiệm Trần Văn Nhị, Trần Thị Kim Ngân, Trần Tuấn Hải đã gây thiệt hại 110.064.140.771.180 đồng; Hồ Bình Minh, Lê Huy Khánh gây thiệt hại 11.714.594.720.940 đồng; Đỗ Xuân Nam gây thiệt hại 4.277.700.157.387 đồng; Lê Kiều Trang gây thiệt hại 984.471.402.939 đồng cho SCB.

Yến Thanh

>> xem thêm

Bình luận(0)