Vụ Vạn Thịnh Phát: Kỷ lục nhận hối lộ và số tiền chiếm đoạt

Google News

ĐBQH nhấn mạnh, vụ Vạn Thịnh Phát là đặc biệt nghiêm trọng với rất nhiều kỷ lục về số tiền nhận hối lộ, bị chiếm đoạt, số lượng các bị cáo, số người bị tác động...

Sáng 21/11, thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhắc đến vụ án Vạn Thịnh Phát, khi các đối tượng phạm tội đã thực hiện hành vi làm khống cả ngàn hồ sơ để vay, chiếm dụng trên 1 triệu tỷ đồng của Ngân hàng SCB. Trong đó có trên 500.000 tỷ đồng tiền gửi của người dân.
Vu Van Thinh Phat: Ky luc nhan hoi lo va so tien chiem doat
Đại biểu Phạm Văn Hòa 
Vụ Vạn Thịnh Phát có thể chỉ là bề nổi của tảng băng bị vỡ
Nhấn mạnh việc Trưởng đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước còn nhận hối lộ tới 5,2 triệu USD, đại biểu Hòa cho rằng, đây là vụ nhận hối lộ bằng tiền mặt nhiều nhất từ trước đến nay và vụ án này cũng có số lượng tiền bị chiếm dụng, khả năng thất thoát nhiều nhất.
“Vụ này có thể chỉ là bề nổi của tảng băng bị vỡ, còn những tảng băng khác chưa bị vỡ" đại biểu Phạm Văn Hoà nói và cho rằng, người dân rất trông chờ vào việc thu hồi tài sản tiền của các đối tượng trong vụ án Vạn Thịnh Phát.
Ngoài ra, theo ông Hòa, dư luận đang đặt vấn đề có hay không sự bắt tay giữa một số ngân hàng với các công ty bảo hiểm. Trong đó, giao cho nhân viên ngân hàng tư vấn khách hàng sai sự thật nhằm mục đích chuyển từ tiền gửi sang mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm đầu tư. Hậu quả dẫn đến cả ngàn người gửi đơn khiếu nại, làm giảm lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng và hoạt động bảo hiểm.
Nhấn mạnh đặc biệt trong năm 2023, tội phạm tham nhũng, chức vụ tăng hơn 51% số vụ, số người tăng hơn 96%, trong đó tội nhận hối lộ tăng 346%, đại biểu Hòa cho rằng, điều này cho thấy công tác phòng chống tham nhũng rất quyết liệt, phát hiện đến đâu xử lý đến đó, không vùng cấm, không ngoại lệ. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm, qua các vụ án tham nhũng cho thấy đều liên quan đến người đứng đầu, lợi dụng pháp luật chưa chặt chẽ, câu kết với nhau để thực hiện hành vi tham nhũng, trục lợi.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng nêu, các vụ án tham nhũng lớn, đối tượng cầm đầu mặc dù được ngăn chặn kịp thời nhưng vẫn còn "lọt lưới những con cá to trốn khỏi đất nước" chưa bắt giữ được. Điều này gây khó khăn cho công tác tố tụng. Thêm vào đó, tài sản tham nhũng được thu hồi cao hơn cùng kỳ nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Từ đó, Đại biểu đoàn Đồng Tháp kiến nghị Chính phủ, các cơ quan đánh giá thật kỹ, khách quan, cầu thị về những thực trạng trên, nhất là trong năm nay khi các vụ việc có số người vi phạm tăng, một số vụ giảm không đáng kể. Đồng thời, tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục, nhất là vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng liên quan đến cuộc sống, sinh hoạt, tâm lý, tình cảm, cuộc sống bình yên của người dân, giảm thiểu tối đa vụ án tăng bất thường.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý?
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh) cho rằng, vụ việc liên quan đến Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là đặc biệt nghiêm trọng với rất nhiều kỷ lục về số tiền bị chiếm đoạt, thời gian diễn ra vụ việc, số lượng các bị cáo, số lượng người bị tác động. Đặc biệt là kỷ lục về hệ lụy với nền kinh tế cũng như niềm tin của người dân vào hoạt động tín dụng.
Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, các cơ quan chức năng phải quyết liệt và chặt chẽ trong việc xử lý hệ quả, làm sao hạn chế ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp để không, hoặc ảnh hưởng thấp nhất đến vấn đề kinh tế, xã hội, quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Theo ông An, từ vụ việc trên cho thấy, việc phòng chống mới là quan trọng, nếu kiểm soát được từ sớm, từ xa, chắc chắn hậu quả không ghê gớm như vậy.
Để một công ty có thể chiếm đoạt tới 1 triệu tỷ đồng trong suốt thời gian dài, câu hỏi đặt ra về trách nhiệm của cơ quan quản lý để dẫn đến tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng". Bởi đối với với một tổ chức tín dụng, các biện pháp kiểm soát rủi ro rất chặt chẽ. SCB là một ngân hàng thương mại cổ phần, hoạt động theo luật các tổ chức tín dụng, tại sao lại xảy ra sự việc như vậy. Tại sao một cá nhân lại có thể lách, có thủ đoạn để nắm giữ, chi phối một ngân hàng như vậy?", ông An nói và đặt vấn đề có sự buông lỏng của cơ quan thanh tra.
Nhắc đến hành vi Trưởng đoàn thanh tra liên ngành Ngân hàng Nhà nước lại vi phạm pháp luật, bị mua chuộc với hàng triệu USD để "xóa mờ" nhiều sai phạm nghiêm trọng của Ngân hàng SCB, đại biểu An nhấn mạnh, đây thực sự là bài học rất đắt giá.
“Thủ đoạn của Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan là thành lập doanh nghiệp mượn đứng tên, rồi thành lập các hệ sinh thái, xây dựng lực lượng ma để làm méo mó các hoạt động tín dụng. Đây là biến tướng của sở hữu chéo, rất dễ dàng nhận ra nhưng để chặt đứt "vòi bạch tuộc" này, chúng ta đang lúng túng”, ông An nói và cho rằng, cần đánh giá một cách khách quan, toàn diện, trực diện thực trạng sở hữu chéo hiện nay trong hệ thống ngân hàng.
Việc đánh giá này cần đi vào thực chất, không chỉ căn cứ vào bề nổi tỷ lệ cổ phần, mà cần hướng vào nguồn tiền, lai lịch, mối liên hệ của người có liên quan. Mục đích cuối cùng được vị đại biểu nhấn mạnh, là phải chặt được các "vòi bạch tuộc" của sự thao túng ngân hàng.
"Từ vụ SCB cho thấy vẫn còn phảng phất kiểu cách một số tổ chức, cá nhân đang làm hoặc đang "diễn" với ngân hàng mà mình chi phối. Do đó, rất cần có một cuộc đại rà soát, xử lý triệt để tình trạng này để hệ thống ngân hàng trở nên sạch và khỏe, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội", ông An nhấn mạnh.
Đồng thời, đại biểu An đặt vấn đề sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng. Ngoài việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, phải có biện pháp đặc biệt trong kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch nhất có thể và phải kiểm soát về con người.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đại tá công an “rởm” đi xe biển xanh giả lừa đảo hàng tỷ đồng
  
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)