Vụ Vạn Thịnh Phát: Hơn 480.000 tỷ bà Trương Mỹ Lan “rút ruột” SCB, đi đâu?

Google News

Trong hơn 480.000 tỷ của 1.284 khoản vay dư nợ gốc của nhóm Trương Mỹ Lan có 57.029 tỷ được trả khoản vay cũ tại SCB; 381.303 tỷ chuyển khoản ra ngoài, 81.873 tỷ được rút thành tiền mặt.

Theo kết luận vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã sử dụng những thủ đoạn gian dối để lập phương án rút, cắt đứt dòng tiền sau khi giải ngân tiền từ SCB.
Kết luận cho thấy, dù không giữ chức vụ tại Ngân hàng SCB, nhưng bà Trương Mỹ Lan lại là người chi phối, lũng đoạn, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng này với vai trò là cổ đông lớn khi nắm cổ phần chi phối từ 85% đến 91,5%; số cổ phần còn lại do hơn 4.000 cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ.
Vu Van Thinh Phat: Hon 480.000 ty ba Truong My Lan “rut ruot” SCB, di dau?
Hai bị can Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân. 
Để thực hiện kế hoạch rút ruột SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng “hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát” với hơn 1.000 doanh nghiệp, chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó SCB có vai trò “đặc biệt quan trọng”, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong “hệ sinh thái”.
Tại ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan bố trí người thân tín của mình giữ các chức vụ chủ chốt của ngân hàng đồng thời nắm quyền điều hành, chi phối, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng, biến SCB trở thành công cụ tài chính để tổ chức huy động tiền gửi.
Từ đó bà Lan chỉ đạo thuộc cấp tại SCB và hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, sử dụng hàng nghìn cá nhân, pháp nhân để lập cả nghìn bộ hồ sơ “khống” đứng tên vay vốn của ngân hàng. Các tài khoản kí “khống” này đều thực hiện rút tiền tại SCB trước khi hợp đồng tín dụng, thủ tục thế chấp tài sản được hoàn thiện.
Theo kết luận điều tra, để hợp thức việc rút tiền, tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, truy vết dòng tiền, Trương Mỹ Lan chỉ đạo các "thân tín" tại SCB phối hợp với nhân viên Vạn Thịnh Phát lập hồ sơ khống giải ngân các khoản vay. Đồng thời, chỉ đạo các thuộc cấp mượn nhiều pháp nhân, cá nhân tạo tài khoản "ma" tại ngân hàng. Tiền vay sau khi giải ngân sẽ được chuyển vào tài khoản của các cá nhân, pháp nhân "ma" để thực hiện chuyển tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng hoặc chỉ đạo cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền.
Khi cần sử dụng ngay một số tiền mặt, bị can Lan chỉ đạo lãnh đạo SCB sẽ chia nhau tìm cách đáp ứng. Dòng tiền chủ yếu lấy từ nguồn khoản vay tín dụng hoặc phát hành trái phiếu. Khi có tiền, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Bùi Văn Dũng (lái xe riêng) đến SCB chi nhánh Sài Gòn để nhận tiền. Cùng lúc đó, nhân viên SCB sẽ liên hệ với người của Vạn Thịnh Phát yêu cầu cung cấp pháp nhân, cá nhân nhận tiền, rút tiền... lập phiếu chi và các thủ tục để hoàn tất nghiệp vụ rút tiền mặt. Những cá nhân/đại diện pháp nhân "ma" sẽ đến ngân hàng để ký chứng từ rút tiền. Tiền mặt sẽ được xuất khỏi quỹ, giao cho Dũng.
Lái xe Bùi Văn Dũng sẽ chở tiền về nhà riêng của nữ chủ tịch ở tòa nhà Sherwood số 127 Pasteur, quận 3, TP HCM hoặc trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ở 193-203 Trần Hưng Đạo. Sau đó, tiền do Dũng hoặc Trần Thị Hoàng Uyên (trợ lý của bà Lan) chuyển đến các địa chỉ khác nhau do Chủ tịch Vạn Thịnh Phát chỉ đạo. Hoặc Dũng chở tiền từ ngân hàng về trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và giao theo chỉ đạo của bà Lan hoặc chuyển tiền trực tiếp cho các cá nhân mà bà Lan yêu cầu.
Sổ ghi chép cùng lời khai của Dũng và Uyên, từ tháng 2/2019 đến khoảng tháng 9/2022 đã vận chuyển tiền mặt từ SCB về nhà riêng bà Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc giao cho người khác, ước tính khoảng 108.000 tỉ đồng và 14,7 triệu USD (khoảng 355 tỷ đồng). Kết luận điều tra không nêu về đích đến cuối cùng của các khoản tiền này.
Cũng theo kết luận, khi chưa cần sử dụng tiền mặt, bà Lan chỉ đạo cấp dưới tại SCB và Vạn Thịnh Phát sử dụng các pháp nhân/cá nhân mở tài khoản tại SCB để nhận tiền, chuyển tiền từ các công ty được giải ngân sang tài khoản của các pháp nhân, cá nhân này. Khi cần sử dụng, các đối tượng sẽ lập ra phương án chuyển tiền lòng vòng, chuyển đến các tài khoản theo mục đích sử dụng của bà Lan.
Điều tra cho thấy, theo chứng từ giải ngân; việc chuyển tiền giải ngân vốn vay đến các tổ chức, cá nhân; tra thông tin chuyển tiền cho đến khi tiền ra khỏi hệ thống SCB, ngân hàng ghi nhận tiền đã được chuyển qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân (F1 nhận tiền) từ các cá nhân, pháp nhân được giải ngân theo phương án vay vốn trên.
Kết luận điều tra đã chỉ đường đi dòng tiền của 1.284 khoản vay, tương đương 483.917 tỷ đồng dư nợ gốc của nhóm Trương Mỹ Lan (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). Cụ thể, 57.029 tỷ đồng được trả khoản vay cũ tại SCB; 381.303 tỷ đồng được tổ chức/cá nhân chuyển khoản ra ngoài hệ thống SCB; 5.275 tỷ đồng được tổ chức/cá nhân chuyển khoản nội bộ trong SCB; 81.873 tỷ đồng được rút thành tiền mặt.

Số tài sản bị kê biên liên quan bà Trương Mỹ Lan gồm 589 tỷ và 15 triệu USD, 43 tài khoản ngân hàng (gần 2.100 tỷ đồng), 789 tỷ trong tài khoản mở tại Ngân hàng SCB của Công ty CP Sài Gòn Kim Cương, 1.266 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận công trình xây dựng; 269 nhà đất cho thuê và 21 hợp đồng công chứng; 1.237 bất động sản tại các công ty liên quan; 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ôtô của bà Trương Mỹ Lan và cháu gái Trương Huệ Vân do các pháp nhân đứng tên cùng nhiều cổ phần của bà Lan tại các công ty có liên quan…

>>> Mời độc giả xem thêm video Đại tá công an “rởm” đi xe biển xanh giả lừa đảo hàng tỷ đồng
  
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)