Câu chuyện nhóm người đến Tịnh thất Bồng Lai (Long An) đại náo, hành hung tu sĩ đang khiến dư luận địa phương và cả nước xôn xao suốt mấy ngày qua. Nguyên nhân ban đầu được xác định một cặp vợ chồng ở TP HCM đã kéo nhóm người đến Tịnh thất Bồng Lai để tìm con gái 21 tuổi và gây ra sự việc trên. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa dẫn đến vụ việc xuất phát từ việc cô gái Diễm My bỏ nhà đi tu và cô gái đã đến tịnh thất này để thực hiện nguyện vọng cá nhân nhưng cha mẹ không đồng ý.
Theo lời cô gái, thời gian ở nhà tại quận Bình Tân (TP.HCM), nhiều lần em xin ba mẹ cho đi tu nhưng không được sự đồng ý. Em không bỏ trốn, bởi trước khi đi có viết lá thư để lại gia đình với nội dung đã đủ 21 tuổi và có quyền tự quyết cuộc đời của mình, ba mẹ đừng đi tìm.
Cô gái 21 tuổi cũng tâm sự nỗi sợ hãi khi bị ba mẹ nhốt trong phòng và cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài để ép từ bỏ chuyện đi tu và cô cảm thấy khổ sở hơn việc bị la mắng, đánh đập.
|
Diễm My tại tịnh thất Bồng Lai. |
Dù cô gái có tấm lòng hướng Phật và nhận thấy bản thân có duyên với con đường tu nghiệp nhưng hành động của bố mẹ cô gái khi cấm cản con gái đi tu cũng là điều dễ hiểu.
Bởi là bậc cha mẹ ai cũng mong con cái đi học để nâng cao trình độ kiến thức, ai cũng mong con cái của cuộc sống bình thường trong sinh hoạt, có công ăn việc làm ổn định, lập gia đình sinh con đẻ cái như bao người khác.
Trong suy nghĩ của nhiều người, do không hiểu nhiều về đạo Phật và thuần túy tín ngưỡng đạo thờ cúng tổ tiên vẫn còn quan niệm con cái theo con đường tu tập sẽ khổ sở và sẽ mất con mãi mãi. Việc ngăn cản con cái đến với con đường tu tập đối với những cha mẹ này cũng là việc thể hiện tình thương yêu đối với con bởi với họ con cái là tài sản lớn nhất.
Hơn nữa, con cái xuất gia với họ cũng như xuất giá. Trường hợp con cái phát tâm Bồ đề quyết tâm đến với nghiệp tu hành thì cha mẹ cũng phải cân nhắc cho con cái mình tu ở những tự viện được cấp phép một cách chính danh. Tịnh thất Bồng Lai dù là “biến gia thành tự” nhưng thực chất không được giáo hội Phật giáo Việt Nam công nhận khó có thể đảm bảo con cái họ đạt được thỉnh nguyện trên con đường tu tập.
Bậc làm cha mẹ ai cũng muốn con cái trưởng thành, có cuộc sống hạnh phúc, tuy nhiên nhiều bậc cha mẹ hay áp đặt suy nghĩ cá nhân vào con cái dẫn đến những hành động sai lầm. Đối với cha mẹ con cái luôn là những đứa trẻ, do vậy dù cô gái 21 tuổi, có nghĩa ở cái tuổi tự quyết định được cuộc sống, thực hiện ước mơ của riêng mình, nhưng với bố mẹ, khi con cái nảy sinh ý định đi tu họ cho rằng đó là sai lầm nhất thời trong suy nghĩ của con cái nên tìm mọi cách ngăn cản nhằm thay đổi nhận thức, suy nghĩ của con.
Tuy nhiên, nếu bố mẹ ngày ngày khuyên bảo con cái, phân tích cho con cái hiểu suy nghĩ của bậc làm cha mẹ hơn là hành động nhốt con cái trong phòng thì có lẽ cô gái sẽ không tìm cách bỏ nhà ra đi. Trong khi đó, bản thân cô gái 21 tuổi cũng chưa đủ khôn lớn nên dù có nhận thấy bản thân mình muốn đi tu cũng cần phải thuyết phục cha mẹ dần dần thay vì hành xử non nớt là viết lại tờ giấy rồi bỏ nhà ra đi. Bởi khi bậc con cái bỏ nhà ra đi dù có thể hiện nguyện vọng thế nào cũng khiến cha mẹ lo lắng và đi tìm kiếm dẫn đến những hành động không thể kiểm soát như sự việc xảy ra ở tịnh thất Bồng Lai.
Trên thực tế chuyện tu nghiệp đồng nghĩa với việc sửa đổi bản thân hướng đến những giá trị tốt đẹp, tấm lòng hướng thiện trong cuộc sống và không liên quan đến việc bản thân phải đến cơ sở thờ tự, cạo đầu hay không cạo đầu, mặc áo nâu hay áo nào khác bởi những lời Phật dạy luôn dành cho tất cả mọi người kể cả tu sĩ lẫn cư sĩ tại gia và các phật tử khác. Cô gái Diễm My có chí nguyện hướng tâm Phật pháp nhưng cũng cần suy nghĩ đến tâm lý của bố mẹ. Phận làm con dù có chí nguyện tu tập cũng nên làm tròn chữ hiếu. Khi bố mẹ chấp nhận cho con cái theo đường tu nguyện thì cô gái sẽ được thỏa mơ ước nhưng cần nhìn nhận lại bản thân đã thực sự phát tâm Bồ đề, dứt khoát bụi trần hay chưa? Bởi thực tế, việc xuất gia phải thực sự xuất phát từ việc phát tâm Bồ Đề còn nếu xuất gia chỉ vì bản thân thấy thích và chưa suy nghĩ thấu đáo về điều đó thì khó dứt khỏi những khổ đau, khó khăn, vướng mắc trong lòng.
Qua vụ việc trên, cho thấy những bậc cha mẹ cần nắm bắt tâm sinh lý của con cái để khuyên răn, định hướng cho con cái một cách đúng đắn. Nếu con cái thực sự có chí nguyện đi tu thì cha mẹ cũng không thể ngăn cản mà nên định hướng cho con tu tập ở những tự viện được Giáo hội Phật giáo Việt Nam công nhận chứ không phải là nơi hoạt động bất hợp pháp. Bởi những tự viện được Giáo hội công nhận sẽ có nhiều cơ hội hơn để tu tập, chuyển hóa.
Tuy nhiên, nếu con cái hướng đến tu tập chỉ vì sở thích nhất thời thì cũng nên có biện pháp đúng đắn để khuyên bảo, giúp đỡ con nhận thức sâu sắc để thay đổi suy nghĩ. Hành động nhốt con cái để cấm cản, kéo người đến đập phá tịnh thất để tìm con dù có lý giải thế nào cũng khó có thể chấp nhận được.