Vụ phân bón phát nổ xảy ra ngày 12/7 khiến nạn nhân Nguyễn Xuân Hiến (15 tuổi, ngụ huyện Krông Năng, Đắk Lắk) bị thương và mất cả hai tay.
Theo lời kể của nạn nhân, thiếu niên này đặt mua hai loại phân bón trên mạng về để bón cây. Hiến bỏ hai loại phân vào chai nhựa, đổ nước và lắc đều cho tan. Sau 5 phút không thấy phân tan, thiếu niên bỏ hai ốc vít bằng sắt vào bình rồi lắc thì phân phát nổ.
|
Nạn nhân Hiến được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk. Ảnh: Minh Quý.
|
Phân bón bình thường khó gây nổ trong môi trường nước
PGS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), khẳng định nếu mọi việc diễn ra đúng như Hiến nói, vụ nổ khó có thể xảy ra.
"
Phân bón có nhiều tiền chất tạo bom. Trong các loại phân bón, phân đạm hai lá (NH4NO3) là loại dễ gây nổ nhất. Song, nó chỉ phát nổ khi cọ sát với sắt, thép trong nhiệt độ cao và ở điều kiện khô. Trong môi trường nước, cháy nổ gần như không thể xảy ra.
Mặt khác, nếu phát nổ do cho sắt vào dung dịch chứng tỏ hỗn hợp dung dịch đó tác dụng với sắt để giải phóng hidro. Tuy nhiên, các hợp chất dùng để làm phân bón khó có thành phần nào có thể đáp ứng", thầy Côn nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến của thầy Côn, giáo viên Hóa học Lê Phạm Thành (Trung tâm Hoc24h.vn) cho rằng vấn đề mấu chốt là Hiến mua hai loại phân bón không rõ nguồn gốc và thành phần hóa học.
"Thị trường phân bón hiện nay đa dạng, khó kiểm soát chất lượng, cũng như số lượng các loại phân trôi nổi. Hiện tại, khoảng 5.000 loại phân bón được đăng ký và kiểm định nhưng cũng có nhiều loại không rõ nguồn gốc", thầy Thành thông tin.
Chính vì thành phần hóa học không rõ ràng nên việc trộn hai loại phân bón với nhau là hành động nguy hiểm.
Nên cẩn thận khi sử dụng các sản phẩm hóa học
Khi để riêng từng loại phân bón, người sử dụng khá an toàn. Song, trộn chúng với nhau có thể tạo ra hợp chất có tính oxi hóa khử mạnh và thậm chí gây cháy, nổ.
Theo phỏng đoán của thầy Thành, ban đầu, Hiến trộn hai loại phân vào nước và để một thời gian nhưng phân không tan. Khi ấy, phản ứng xảy ra chậm. Một lúc sau, cậu cho thêm hai ốc vít vào hỗn hợp và lắc, phản ứng xảy ra mạnh hơn. Nguyên nhân có thể là nhiều yếu tố như thời gian và ma sát.
Giáo viên này khuyến cáo học sinh phải hết sức chú ý khi làm thí nghiệm hóa học, không nên trộn các hóa chất khác nhau (như thuốc tẩy và phân bón) vì có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng.
"Các loại phân bón, thuốc tẩy nói chung trộn với nhau có thể sinh ra những hợp chất độc và nguy hiểm như khí Clo. Ngoài ra, người không rõ về hóa chất thì không nên trộn chúng, đặc biệt là các hóa chất hữu cơ ở dạng lỏng hoặc sơn. Đó là những chất dung môi dễ bay hơi, dễ cháy và có thể thoát ra khí độc", thầy Thành nói.
Người này cũng thông tin đổ hai loại thuốc tẩy quần áo với nhau sẽ vô tình tạo ra khí độc gây ngạt cho người sử dụng.
Bên cạnh đó, thầy Thành lưu ý việc sử dụng chất hữu cơ dạng lỏng như xăng, dầu, sơn và các loại dung môi hòa tan bởi chúng rất dễ cháy; nếu gặp điều kiện nhiệt độ phù hợp thì có thể gây ra cháy, nổ.
Theo CBC, một trong những thành phần được sử dụng trong quá trình chế tạo phân bón, như ammonium nitrate (NH4NO3), rất dễ biến đổi và có thể phát nổ khi gặp một số điều kiện nhất định.
Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFIA) thông tin mỗi năm, các nhà máy trên thế giới sản xuất khoảng 170 triệu tấn phân bón. Vì mục đích lợi nhuận, nhiều nhà sản xuất đã làm sai quá trình xử lý nguyên liệu hoặc nồng độ các chất.
NH4NO3 được sử dụng rộng rãi vì giá thành rẻ và dễ chế tạo. Tuy nhiên, chất này dễ kết hợp với một loạt chất khác như dầu diesel, nhôm hay mật mía để tạo ra bom phân bón.
Thậm chí, nhiều phần tử khủng bố đã lợi dụng đặc tính này để tạo ra những quả bom tự chế với sức công phá lớn. Quân đội Mỹ ước tính 95% bom do các phần tử khủng bố ở miền nam Afghanistan tự chế liên quan thành phần phân bón.
Một số quốc gia như Australia, Afghanistan, Colombia, Đan Mạch và Philippines đã cấm sử dụng NH4NO3 trong phân bón.
|