|
Một trong những nạn nhân ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay đang được điều trị. Ảnh: T.L |
Không hậu kiểm
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam - cho rằng, công tác kiểm tra giám sát trong vụ việc này còn lỏng lẻo.
“Luật ATTP, Nghị định 38 trước đây, Nghị định 15 gần đây đều quy định việc công bố là do doanh nghiệp và hoàn toàn chịu trách nhiệm với công bố của mình, đó là đương nhiên. Nhưng về phía cơ quan quản lý, khi đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP rồi mà vẫn để xảy ra ngộ độc thì cần phải xem lại. Hơn nữa, cấp giấy chứng nhận xong không phải là xong”- ông Hùng nói.
Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam phân tích: Nếu như trước kia, chúng ta nặng về “tiền kiểm”, để một sản phẩm được lưu thông, bắt buộc cơ quan chức năng phải kiểm tra, sau đó mới được cấp giấy lưu hành, như vậy bị coi là phiền hà, nhiều thủ tục quá và bây giờ chúng ta đổi mới, chuyển sang hậu kiểm. Vấn đề thì cần phải tăng cường hậu kiểm.
“Trong vụ việc pate Minh Chay, người tiêu dùng đã phải chịu hậu quả rồi thì cơ quan chức năng mới vào cuộc thì đã muộn. Nếu cơ quan chức năng hậu kiểm thường xuyên, tổ chức kiểm tra chủ động phát hiện ra thì sẽ không dẫn đến chuyện người tiêu dùng sử dụng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn và gánh chịu hậu quả như vậy” - ông Hùng nhấn mạnh.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là có sự chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với một sản phẩm thực phẩm được lưu hành trên thị trường hay không, ông Hùng cho rằng: “Nghị định 38 đã quy định trách nhiệm của từng bên, đến Nghị định 15, trách nhiệm của từng bên được phân cấp rõ ràng hơn, chi tiết, chặt chẽ hơn, được quy định trong các phụ lục trách nhiệm của từng bộ, Bộ Y tế, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương. Tôi cho rằng cần có sự phối hợp các bên, khó thể tách bạch rõ ràng được. Để xảy ra sự cố như vụ pate Minh Chay thì Bộ Y tế, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương đều phải vào cuộc”.
Trách nhiệm của đơn vị nào còn chưa ngã ngũ, thì việc bảo vệ người tiêu dùng lại gặp khó khăn. Người tiêu dùng bất lực, vì quá khả năng của họ. Họ mua và sử dụng sản phẩm được phép lưu thông, có nhãn mác đàng hoàng, được quảng cáo rầm rộ rằng nguyên liệu đảm bảo nhưng lúc kiểm tra lại không rõ nguồn gốc. Như vậy, rõ ràng cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường hậu kiểm, người tiêu dùng không thể sáng suốt trong vụ việc này được, họ không thể tránh được.
Nửa tháng vẫn bối rối truy xuất nguồn gốc
Sau khi xảy ra sự việc, Phòng Y tế huyện Đông Anh đã và đang thực hiện giám sát việc dừng sản xuất của cơ sở này theo yêu cầu của Sở Y tế Hà Nội. Đại diện Phòng Y tế cho rằng, trước khi phát hiện có vi khuẩn yếm khí tạo độc tố botulinum trong pate Minh Chay, đơn vị không lấy mẫu và không kiểm tra thường xuyên sản phẩm của công ty bởi đơn vị y tế huyện không có chức năng và quyền hạn để kiểm tra sản phẩm của doanh nghiệp theo Nghị định 15.2018 và Quyết định 14.2019 về phân công, phân cấp quản lý an toàn thực phẩm. Trách nhiệm lấy mẫu, kiểm tra thường xuyên của Chi cục quản lý nông lâm và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, là đơn vị cấp giấy chứng nhận cho công ty này.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội - ông Chu Phú Mỹ - thì cho hay: Sở giao cho Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm Thủy sản việc cấp giấy chứng nhận, sau khi cấp giấy chứng nhận kinh doanh có điều kiện thì thường xuyên kiểm tra giám sát.
“Thế nhưng trong suốt quá trình giám sát lại không phát hiện gì cả. Chi Cục họ vẫn kiểm tra theo quy định kiểm tra cơ sở loại B là 1 năm 1 lần, kiểm tra nhiều cũng được nhưng theo quy định. Chủ yếu vẫn là cơ sở phải chịu trách nhiệm về quy trình, họ phải báo cáo với mình, phải tự đảm bảo, nếu mà kiểm tra nhiều thì cơ sở kinh doanh lại bảo cơ quan nhà nước “hành” doanh nghiệp”- ông Mỹ nói.
Ông Mỹ cho rằng, hiện chưa tìm ra được nguyên nhân nên chưa thể đánh giá được là bị hổng ở khâu nào.
“Việc này cần phải chờ ngành Y tế kết luận xem nguyên nhân gây ngộ độc là từ đâu ra, vi khuẩn đó từ đâu mà có, nó nằm ở khâu nào thì chúng tôi mới phân tích được” - ông Mỹ khẳng định. Ông Mỹ nhấn mạnh, trách nhiệm quản lý thuộc Chi Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm Thủy sản. “Ngay sau khi xảy ra vụ việc họ cũng đã xuống rà soát. Sáng ngày 11.9, tôi vừa ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra rà soát nguồn gốc của các nguyên liệu tạo nên sản phẩm pate Minh Chay, bước đầu nhận thấy nguyên liệu được nhập từ rất nhiều tỉnh thành về, chúng tôi phải truy xuất nguồn gốc xem nguyên liệu đó có đảm bảo hay không, kể cả nếu có hóa đơn chứng từ đầy đủ thì vẫn cần phải kiểm tra truy xuất”- ông Mỹ nói.
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) cho rằng, về nguyên tắc, khi người sử dụng sản phẩm bị ngộ độc, vào bệnh viện thì ngành Y tế có trách nhiệm lấy mẫu bệnh phẩm, điều tra dịch tễ. Khâu kinh doanh, phân phối sản phẩm sao cho đảm bảo an toàn thực phẩm cũng là trách nhiệm của ngành Y tế. Ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm về mặt sản xuất. Ở đây, Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới thuộc quản lý của Sở NNPTNT Hà Nội.
Cụ thể, đơn vị chịu trách nhiệm giám sát, điều tra điều kiện an toàn thực phẩm là của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội. Trong trách nhiệm của mình, Chi cục đã yêu cầu doanh nghiệp dừng sản xuất, yêu cầu doanh nghiệp điều tra xác định nguyên nhân và khắc phục. Trong vụ việc này, ngành Y tế và ngành Nông nghiệp có trách nhiệm cùng phối hợp để xử lý.
Theo Quy định số 42/2005/QĐ-BYT doanh nghiệp phải tự công bố chất lượng sản phẩm và chịu trách nhiệm về sản phẩm mình công bố, từ quy trình sản xuất đến khâu tự kiểm nghiệm sản phẩm. Đây liệu có phải là kẽ hở để xảy ra những vi phạm? Về vấn đề này, ông Nguyễn Như Tiệp cho rằng việc doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm là đúng theo quy định của Chính phủ trên tinh thần cải cách hành chính, cởi trói cho doanh nghiệp. Ở nước nào cũng vậy, kể cả Việt Nam, trách nhiệm đảm bảo chất lượng thực phẩm là người sản xuất, người kinh doanh chịu trách nhiệm đầu tiên. Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm giám sát, thanh tra dấu hiệu vi phạm và xử lý nếu vi phạm.
Phóng viên đã liên lạc với đại diện Chi cục Quản lý Chất lượng Nông, Lâm và Thủy sản nhằm tìm hiểu rõ cơ quan này đã hậu kiểm, giám sát cơ sở sản xuất Minh Chay như thế nào tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Chi Cục trưởng - cho rằng: “Việc giám sát, kiểm tra đều làm theo đúng kế hoạch được lập từ trước của Chi Cục”. Sau đó bà Hằng từ chối trả lời các câu hỏi tiếp theo.
* Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho hay, sau khi có thông tin cảnh báo về sản phẩm pate Minh Chay, ngày 30.8 sở đã chỉ đạo Chi cục quản lý nông lâm và thủy sản phối hợp với các đơn vị liên quan của huyện Đông Anh làm việc với doanh nghiệp.
Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới đã cung cấp biên bản đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện Đông Anh làm việc với công ty hôm 27.8. Trong đó, đoàn liên ngành lập biên bản vi phạm hành chính và đề nghị UBND huyện Đông Anh ban hành quyết định xử phạt 17,5 triệu đồng.
Công ty đã cung cấp cho đoàn kiểm tra danh sách khách hàng mua pate Minh Chay. Theo đó, từ ngày 1.7 đến 22.8, công ty bán 7.000 sản phẩm ra thị trường. Cơ sở này công bố sử dụng các nguyên liệu: chân nấm hương hữu cơ, chân nấm hương, mộc nhĩ, nấm hương khô, nấm hương khô organic, nấm đùi gà to, nấm đùi gà non, nấm sò yến... để sản xuất. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, công ty không xuất trình được đầy đủ hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ các loại nguyên liệu.
* Về việc cảnh báo nguy hiểm đến người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam - cho rằng: “Nếu tính từ ngày 28.8 có kết quả của Viện Kiểm nghiệm, ngày 29.8 Cục cảnh báo và yêu cầu thu hồi, như vậy là kịp thời nhưng ngày 19.8, Cục ATTP nhận được cảnh báo đầu tiên từ Bệnh viện Bạch Mai về vụ việc và 10 ngày sau mới có những cảnh báo đầu tiên đối với người tiêu dùng, tôi cho rằng xử lý như vậy còn chậm”.
Người dân Đà Nẵng mua Pate Minh Chay chủ yếu qua mạng
Ngày 11.9, ông Nguyễn Tấn Hải - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Đà Nẵng (BQL) - cho biết, qua kiểm tra, người dân Đà Nẵng đa phần mua sản phẩm Pate Minh Chay qua mạng online. Không có cửa hàng, quầy hàng thực phẩm ở các chợ Đà Nẵng nhập hàng hay bày bán sản phẩm này. Tính đến thời điểm này, Đà Nẵng chưa ghi nhận ca ngộ độc nào có liên quan đến sản phẩm của Công ty sản xuất Pate Minh Chay.
Ông Hải cho hay, trước đó, Đà Nẵng nhận được danh sách 9 người dân có mua thực phẩm của công ty này. “Tuy nhiên khi gọi cho người dân để thu hồi thì họ nói đã vứt bỏ các sản phẩm từ lâu. Điều này xuất phát từ tâm lý lo ngại khi thông tin các vụ ngộ độc xảy ra trên cả nước có liên quan đến Pate Minh Chay. May mắn hơn, đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng chưa xảy ra tình trạng ngộ độc nào liên quan đến Pate Minh Chay” - ông Hải nói.
Tuy nhiên, để rà soát kỹ lưỡng hơn, BQL cũng đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, Công ty Quản lý và Phát triển các chợ khẩn cấp kiểm tra lưu hành 13 sản phẩm của Công ty sản xuất Pate Minh Chay, đồng thời đề nghị các đơn vị địa phương chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị chức năng khẩn trương kiểm tra việc lưu hành trên thị trường các sản phẩm thực phẩm của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới gồm 13 sản phẩm là Pate Minh Chay, Pate nấm hầu thủ, Ruốc nấm Heri vị hảo hạng, Muối vừng bát bảo đặc biệt, Ruốc nấm Heri Hương thảo mộc, Giò lụa lúa mì, Muối lạc truyền thống, Chả quế lúa mì, Muối vừng bát bảo, Giò nấm lúa mì, Ruốc nấm truyền thống, Ruốc nấm sả ớt, Ruốc nấm cháy tỏi.
Hai bệnh nhân bị ngộ độc tại Quảng Nam phải mất vài tháng để phục hồi
Cùng ngày, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, 2 trong số 4 bệnh nhân bị ngộ độc Pate Minh Chay tại Quảng Nam đang được điều trị ở khoa Hồi sức Tích cực Chống độc. Tình trạng của 2 bệnh nhân này hiện nay vẫn còn yếu cơ hô hấp, phục hồi cơ rất chậm, nguy cơ suy hô hấp, nuốt nghẹn… Hiện, các y bác sĩ đang tập trung điều trị vật lý trị liệu, giải độc cho bệnh nhân. Với trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc nặng, Bệnh viện Đà Nẵng sẽ có đề xuất xin thuốc giải độc Botulinum từ Bộ Y tế. Thuỳ Trang