Tại phiên xử mở hôm 13/5, luật sư bào chữa cho Hoàng Công Lương vắng mặt, có đơn xin hoãn phiên tòa và 2 nữ điều dưỡng thuộc Khoa Hồi sức - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng không đến dự nên HĐXX đã quyết định hoãn xét xử.
Theo bản án sơ thẩm,
cựu bác sĩ Hoàng Công Lương đã được đào tạo kỹ năng lọc máu chạy thận nhân tạo, có chứng chỉ hành nghề. Sáng 29/5/2017, sau khi máy RO sửa chữa xong, Lương chưa được ai bàn giao, thông báo và chưa biết hệ thống nước đã an toàn hay chưa nhưng vẫn ra y lệnh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Bùi Mạnh Quốc là người trực tiếp sửa và bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Quá trình làm việc, Quốc cẩu thả nên để tồn dư hóa chất. Sau khi sửa, bị cáo không lấy mẫu nước RO đi xét nghiệm, chưa bàn giao hệ thống này cho bệnh viện mà để mặc máy vận hành.
Trương Quý Dương là lãnh đạo bệnh viện nhưng không sâu sát quản lý, không kiểm tra chặt chẽ hoạt động của Đơn nguyên thận trong quá trình vận hành kỹ thuật lọc máu. Ông Dương cùng với Hoàng Đình Khiếu, Trần Văn Thắng, Trần Văn Sơn và Đỗ Anh Tuấn đã thiếu trách nhiệm trong công việc, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự cố làm chết 8 người.
Với cáo buộc trên, TAND TP Hòa Bình tuyên phạt Hoàng Công Lương 42 tháng tù về tội Vô ý làm chết người.
Các bị cáo Trương Quý Dương (57 tuổi, cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh) lĩnh 30 tháng tù, Hoàng Đình Khiếu (57 tuổi, cựu Phó giám đốc bệnh viện tỉnh) nhận 36 tháng tù, Trần Văn Thắng (54 tuổi, cựu Trưởng phòng Vật tư bệnh viện tỉnh) và Đỗ Anh Tuấn (43 tuổi, cựu Giám đốc Công ty Thiên Sơn) lần lượt lĩnh 36 và 30 tháng tù cùng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Trần Văn Sơn (cựu cán bộ phòng vật tư) lĩnh 42 tháng tù và Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh) nhận mức án 54 tháng tù.
Sau đó, Hoàng Công Lương, Trương Quý Dương, Trần Văn Thắng và Hoàng Đình Khiếu có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Riêng Đỗ Anh Tuấn kháng cáo toàn bộ bản án.