Chiều 21/1, phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương cùng các bị cáo vụ "Vô ý làm chết người và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, bà Bùi Thị Thu Hằng - đại diện VKSND TP Hòa Bình đã công bố quan điểm luận tội đối với 7 bị cáo.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, Hoàng Công Lương là bác sĩ chuyên khoa 1 chuyên ngành hồi sức cấp cứu, là bác sĩ điều trị chuyên môn cho 18 bệnh nhân tại Đơn nguyên thận, được cấp chứng chỉ hành nghề và được đào tạo cơ bản kỹ thuật lọc máu tại Bệnh viện Bạch Mai.
Thời điểm xảy ra sự cố, bác sĩ Linh chưa có chứng chỉ hành nghề, trong khi Luật Khám chữa bệnh nghiêm cấm việc khám chữa bệnh khi chưa có chứng chỉ này.
Bác sĩ Huyền có chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn gồm khám chữa bệnh nội khoa nhưng chưa được Sở Y tế Hòa Bình phê duyệt đăng ký hành nghề.
Do đó, bị cáo Hoàng Công Lương có đủ điều kiện hành nghề khám chữa bệnh độc lập. Việc Lương ký bên cạnh chữ ký của các bác sĩ khác để xác nhận việc khám và ra y lệnh, theo quy chế bệnh viện, y lệnh và việc ký xác nhận ra y lệnh của Hoàng Công Lương có tính quyết định để kết nối chạy máy lọc thận cho 8 bệnh nhân.
|
Bị cáo Hoàng Công Lương. |
Quá trình điều tra bổ sung, bác sĩ Linh và Huyền đều khai, ngày 29/5/2017, sau khi thăm khám cho bệnh nhân, 2 người này chuyển bệnh án cho bác sĩ Lương xem xét. Lương là người ra y lệnh cuối cùng để bệnh nhân được lọc máu.
Qua lời khai của Hoàng Đình Khiếu và những cán bộ khác tại Đơn nguyên thận, Hoàng Công Lương được ông Khiếu phân công và thực hiện nhiệm vụ phụ trách chuyên môn điều trị tại Đơn nguyên này.
Theo đại diện VKS, bị cáo Lương phải biết tầm quan trọng của chất lượng nước dùng cho chạy thận. Sau tẩy rửa màng RO và đường ống thì phải có việc xét nghiệm hóa chất tồn dư. Đó là điều kiện đảm bảo chất lượng nước.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 20/4/2017, bị cáo Lương đã ký biên bản tình trạng và đề xuất sửa chữa RO 2 thừa lệnh Trưởng khoa. Căn cứ quy trình lọc máu chu kỳ của Bộ Y tế và của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, với trình độ chuyên môn được đào tạo, buộc Hoàng Công Lương phải biết tầm quan trọng của nước RO, biết trước khi chạy máy phải kiểm tra hóa chất tồn dư.
Với vai trò là bác sĩ phụ trách chuyên môn điều trị, Lương có quyền ra y lệnh để quyết định điều trị lọc máu ngày 29/5/2017 và là người đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng máy lọc nước.
Ngoài ra, bị cáo Hoàng Công Lương biết tầm quan trọng của nguồn nước RO số 2, biết sau sửa chữa phải kiểm tra việc tồn dư hóa chất. Tuy nhiên, sáng 29/5, bị cáo chỉ nghe điều dưỡng Điệp - người không chịu trách nhiệm về chất lượng nước, thông báo RO số 2 đã sửa xong, chưa có căn cứ xác định chất lượng nước khi chưa xét nghiệm mà đã chủ quan ra y lệnh chạy máy lọc thận.
Từ đó, Lương đã để các điều dưỡng viên vận hành máy lọc thận cho 18 bệnh nhân khiến 9 người trong số đó tử vong. Việc ra y lệnh của Hoàng Công Lương là hành vi nguy hiểm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Viện Kiểm sát nhận định, truy tố đối với bác sĩ Hoàng Công Lương về tội Vô ý làm chết người là đúng người, đúng tội và đề nghị HĐXX tuyên 3 - 3,5 năm tù giam.
Đối với Bùi Mạnh Quốc, Viện Kiểm sát cho biết bị cáo Quốc là người trực tiếp sửa chữa bảo dưỡng hệ thống RO số 2, bị cáo đã dùng 2 hoá chất axit HF và HCL, vệ sinh màng lọc không đúng theo quy định của Bộ Y tế cấp phép, gây hậu quả nghiêm trọng, VKS yêu cầu tội “vô ý làm chết người” là đúng người đúng tội, đề nghị mức án4-5 năm tù.
Đối với bị cáo Trương Quý Dương, VKS cho biết bị cáo không phân công ai làm Kỹ thuật viên cho đơn nguyên thận lọc máu, dẫn đến chất lượng nước không được đảm bảo, hệ thống RO cho vào hoạt động ngay mà không cần đến việc chờ kết quả.
Với trách nghiệm của mình bị cáo không thực hiện sâu sát những sai phạm cấp dưới, thời gian dài để cho đơn nguyên không có sự quan tâm đến hoạt động RO2, VKS đề nghị việc truy cứu trách nghiệm hình sự với bị cáo Trương Quý Dương là đúng người đúng tội, mức án 30-36 tháng tù.
Đối với bị cáo Đỗ Anh Tuấn chịu trách nghiệm liên kết đặt máy chạy thận và thực hiện sửa chữa máy RO, Đỗ Anh Tuấn không thực hiện đúng ký kết với BV Đa khoa Hoà Bình. Đỗ Anh Tuấn không thực hiện hợp đồng 315 cho Quốc thực hiện, không nhắc nhở việc đảm bảo chất lượng nước, những hành vi trên khiến Quốc bỏ việc ngăn chặn đơn nguyên lọc máu gây hậu quả là sự cố lọc thận khiến 9 người tử vong, Đỗ Anh Tuấn “thiếu trách nghiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là đúng người đúng tội, mức án 36-42 tháng tù.
Đối với bị cáo Hoàng Đình Khiếu, VKS cho biết bị cáo thừa nhận không biết hệ thống RO1 và RO2 hoạt động như nào, ngay sau sửa chữa Hoàng Đình Khiếu chưa thực hiện việc chờ để kiểm tra xét nghiệm nước, hành vi nêu trên là nguyên nhân dẫn đến người chết người trong sự cố lọc thận ảnh hưởng đến hình ảnh bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, vì vậy việc truy cứu trách nghiệm hình sự là đúng người đúng tối, mức án 36-42 tháng tù.
Đối với bị cáo Trần Văn Thắng, Viện kiểm sát cho rằng, bị cáo Thắng là Trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Thắng không làm hết trách nhiệm trong việc tham mưu, đề xuất với Giám đốc Bệnh viện ban hành văn bản quy định cụ thể đối với việc quản lý, sửa chữa, sử dụng các thiết bị y tế nói chung và hệ thống RO nói riêng. Điều này đã vi phạm các quy định về việc vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng máy và đủ căn cứ để truy tố bị cáoThắng tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, đề nghị mức án36-42 tháng tù.
Đối với bị cáo Trần Văn Sơn, sáng 29/5/2017 biết việc đơn nguyên lọc máu nhưng không dừng hệ thống và định đến trưa mới tiến hành thực hiện gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, VKS nhận thấy Sơn đảm bảo việc sửa chữa nhưng không giám sát Quốc, việc không dừng hệ thống máy lọc thận gây sự cố chạy thận tại BV Đa khoa Hoà Bình khiến 9 người tử vong gây ảnh hưởng đến uy tín bệnh viện. Với những hành động trên, VKS đề nghị tội danh “thiếu trách nghiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, mức án 42-48 tháng tù.