Vụ gian lận điểm thi: Cán bộ giáo dục nên tự rút khỏi ngành

Google News

Liên quan đến vụ gian lận điểm thi, TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - chia sẻ: "Người dân đòi hỏi việc công khai danh tính như vậy là chính đáng".
 

- Vụ gian lận thi cử, báo chí đã phát hiện ra phụ huynh có con được nâng điểm là những người có chức quyền, nhưng trả lời về vụ việc thì phần lớn họ đều nói không biết việc con em mình được nâng điểm. Ông có cho rằng họ đang trốn tránh trách nhiệm của mình?
- Điều này cũng chưa thể quy chụp cho người ta là trốn tránh hay không. Về mặt căn cứ cũng như pháp lý chưa thể nói như vậy, biết đâu cũng có trường hợp, dù hiếm, là họ không hề biết việc con mình được nâng điểm thật. Vấn đề đặt ra là đã có nâng điểm thì phải là nâng điểm cho ai, người đó là con của ai. Người dân đòi hỏi việc công khai danh tính như vậy là chính đáng. Công khai không phải là quy tội cho người này người kia, vì biết đâu có thể người ta không làm thật, mà là minh bạch để rõ ràng ai vi phạm, ai không.
Vu gian lan diem thi: Can bo giao duc nen tu rut khoi nganh
 Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam một bị can trong vụ gian lận thi cử mới đây.

Có người có thể dùng quyền, có người không quyền thì dùng tiền mua chuộc để nâng điểm cho con, và cũng có thể có lý do khác và chúng ta cần đợi kết luận của các cơ quan chức năng làm rõ việc đó. Dư luận có quyền hiểu là ông phải có tiền, có quyền thì mới nâng được điểm cho con, vì nếu không có thì làm sao làm được chuyện đó, còn với cá nhân tôi, quan điểm là nên công khai danh tính của bố mẹ thí sinh được nâng điểm. Dù không phải ông làm nhưng không may rơi vào con ông rồi thì ông phải chấp nhận danh tính của ông được công khai, “cây ngay không sợ chết đứng”. Cứ công khai con tôi được nâng điểm nhưng tôi không làm việc ấy, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc, nhân dân cũng đỡ bức xúc hơn.
Riêng với các thí sinh, các cháu còn trẻ lắm, mới 17-18 tuổi, công khai giống như việc ghi vào lý lịch cuộc đời những người trẻ tuổi, tôi cho là không nên. Nhưng người lớn làm thì phải chịu trách nhiệm. Có khuyết điểm thì phải sửa, nếu không có khuyết điểm mà do “tai bay vạ gió” thì cũng phải rút kinh nghiệm.
- Dư luận đang đặt vấn đề khắc phục hậu quả việc này thế nào khi có những thí sinh của kỳ thi đó chỉ thiếu 0,25 điểm, nhưng phải trượt đại học do những “suất gian lận” này. Theo ông thì ngành giáo dục nên xử lý những trường hợp này ra sao?
- Thực sự rất khó tính, chắc là khó để trao cơ hội lại cho các em này. Vì thế tội của những người gian lận càng nặng, vì đã triệt tiêu cơ hội của những người tài giỏi đích thực có thể phát triển. Qua vụ này càng thấy rõ trong giáo dục chỉ một chút giả dối cũng có thể làm nền giáo dục sụp đổ. Sự gian lận đã tước đi cơ hội của nhiều con em công nhân, nông dân, những gia đình bình thường, thậm chí nghèo, đã nỗ lực vượt khó để học giỏi. Vậy nên giáo dục cần lắm sự minh bạch và công khai. Còn vì lý do gì mà không công khai được thì là việc rất đáng bàn.
- Ông có cho rằng những quan chức liên quan đến vụ tiêu cực gian lận thi cử này không xứng đáng ở vị trí quản lý nữa. Họ có nên từ chức?
- Văn hóa từ chức được hình thành trên cơ sở những giá trị của văn hóa, tức là con người thấy mình không thể hoàn thành được việc được giao, trách nhiệm cần làm thì từ bỏ, chứ không phải là đợi đến lúc có lỗi, có tội. Có lỗi thì phải kiểm điểm phê bình, tội thì có pháp luật xem xét, xử lý. Với cảm xúc bình thường, chúng ta đều muốn họ phải bị cách chức. Nhưng cách chức ai cũng đều cần có căn cứ, phải xem sai phạm ở mức độ nào. Tôi cũng nghe thông tin có trường hợp vì muốn nâng điểm cho con mình nên nâng luôn đồng loạt cho một vài người khác để có “đồng minh”. Có điều này hay không thì phải chờ cơ quan điều tra, vì liên quan đến sinh mạng chính trị của họ. Nhưng tôi cũng có quan điểm, ít nhất với những người làm trong ngành giáo dục, khi đã dính đến vụ gian lận điểm thi này thì nên tự mình rút lui khỏi vị trí, khỏi ngành giáo dục.
- Nhiều ý kiến bức xúc vì xử lý vụ gian lận thi cử ở Sơn La, Hòa Bình chậm, đã 1 năm học trôi qua và nhiều thí sinh đã hoàn thành 1 năm học?
- Tôi đồng ý là chúng ta xử lý chậm, không có lợi cho dư luận xã hội. Vì thế, các cơ quan chức năng nên xử lý sớm, hợp tình hợp lý. Điều tra việc này có quá phức tạp, quá khó khăn đâu, tại sao chậm vậy? Đừng nên đặt vấn đề phải bảo vệ cái này, phải bảo vệ cái kia, mà nên công khai, minh bạch. Nguyên tắc của chúng ta là không phải kỷ luật để vùi dập mà để chỉ ra được những khiếm khuyết, tạo điều kiện cho người ta sửa khuyết điểm và làm tốt hơn. Tôi nghĩ những người trong cuộc của vụ nâng điểm thi bây giờ cũng “ngấm” rồi, họ đã thấy không đơn giản chỉ là nâng điểm cho con em mình, mà là cướp đi cơ hội của người khác, là bất bình đẳng, là bất công, là khiến xã hội mất niềm tin vào giáo dục. Bởi lẽ, được nâng điểm đều là con của cán bộ, lãnh đạo, của người có tiền, có quyền.
Theo Phan Thảo/Sài Gòn giải phóng

>> xem thêm

Bình luận(0)