“Nếu hết thời hạn điều tra mà người bị hại vẫn bỏ trốn thì phải tạm đình chỉ điều tra vụ án theo quy định”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 8/4 xung quanh vụ “Công an bị tố gài bẫy vụ cướp” mà báo đã phản ánh, Đại tá Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng Công an huyện Diên Khánh, cho biết như trên.
“Có gì khuất tất, người bị hại mới bỏ trốn”
Theo ông Trưởng Công an huyện này, một trong những vấn đề quan trọng khi điều tra lại là làm rõ các lời khai của cháu Nguyễn Thị Bích Vân trước tòa cũng như kiểm chứng lại tất cả lời khai trước đây tại cơ quan điều tra. Tuy nhiên, hiện người bị hại vẫn đang bỏ trốn.
“Công an đã làm rõ có hay không việc cán bộ điều tra đe dọa, xúi người bị hại bỏ trốn?” - PV hỏi. Ông Hồng nói: “CQĐT không thể đi dọa bất kỳ ai về chuyện đó cả. Hơn nữa, cháu Vân là người bị hại. Vì sao chúng tôi phải xúi cháu Vân đi trốn trong khi người bị hại rất quan trọng trong các phiên tòa? Nếu làm như vậy, chúng tôi là người vi phạm, có khi phải đình chỉ vụ án. Như thế là vi phạm vì để xảy ra oan”.
Tuy nhiên, ông Hồng thừa nhận việc người bị hại bỏ trốn là không bình thường. “Có lẽ ai cũng cho là có vấn đề gì đó. Tôi nghĩ rằng giữa người bị hại và bị can có thể có liên quan đến yếu tố gia đình, yếu tố tình cảm hay có gì khuất tất. Chúng tôi sẽ cố gắng làm rõ vì sao người bị hại bỏ trốn, vì sao không dám ra tòa”.
|
HĐXX phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra, xét xử lại vụ án. Ảnh:Thiều Hoa. |
PV hỏi: “Ông nghĩ thế nào khi có ý kiến cho rằng công an đã gài bẫy, thúc đẩy quá trình phạm tội trong vụ án này?”. Đại tá Hồng trả lời: “Chúng tôi khẳng định không thực hiện các biện pháp gài bẫy vì luật không cho phép. Khi mình gài bẫy là tạo ra một tội phạm, còn ở đây khi chúng tôi giữ Phạm Minh Tiến thì tội cướp đã cấu thành rồi. Từ thời điểm Tiến giật điện thoại của cháu Vân thì đã cấu thành hành vi tội phạm. Do đó, chúng tôi không thể đưa tiền cho Vân để giăng bẫy bắt Tiến”.
Tuy nhiên, ông Hồng thừa nhận ngay từ ban đầu, công an đã xác định Tiến và cháu Vân có quan hệ tình cảm với nhau. Song ông Hồng cho rằng Tiến đã lợi dụng tình cảm, sử dụng vũ lực trong hành vi của mình. “cháu Vân chỉ mới hơn 14 tuổi, chúng ta cần bảo vệ. Ngay cả việc Tiến chỉ mới đánh cháu Vân là chúng ta thấy đã đáng lên án rồi, chưa nói là cướp tài sản. Chúng tôi có nguyên tắc là phải luôn bảo vệ trẻ em trước các mối đe dọa, kể cả mối đe dọa nhẹ nhất!” - ông Hồng giải thích.
Tòa trả hồ sơ, VKS tự điều tra
Một trong những lý do mà tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra lại là trước đây tòa sơ thẩm đã hai lần trả hồ sơ để làm rõ vì sao lời khai của người bị hại tại CQĐT và tại tòa hoàn toàn trái ngược nhau nhưng CQĐT không điều tra bổ sung mà vẫn chuyển hồ sơ để xét xử.
Tuy nhiên, Đại tá Hồng khẳng định sau khi bị tòa phúc thẩm hủy án, VKSND huyện Diên Khánh mới chuyển trả hồ sơ (lần đầu) cho CQĐT. khi có tình tiết mới mà không thể làm rõ tại tòa thì VKS phải trả hồ sơ lại cho CQĐT để điều tra bổ sung. Thế nhưng trong các lần tòa sơ thẩm trả hồ sơ, VKSND huyện đều tự tiến hành điều tra bổ sung. Do đó, đến nay công an huyện mới biết việc người bị hại thay đổi hoàn toàn lời khai, việc cháu Vân tố cáo công an đưa tiền gài bẫy bắt Tiến cũng như việc cháu Vân bỏ trốn…
“Những lời khai này đều xuất phát tại tòa chứ không phải có trong hồ sơ mà chúng tôi làm sai lệch. VKS thụ lý những việc đó nhưng họ không chuyển cho chúng tôi. Do đó, đến giờ chúng tôi mới biết” - ông Hồng nói.
Ngoài ra, mẹ của người bị hại cho rằng từ khi sự việc xảy ra đến khi ra tòa, dù bà đang ở địa phương nhưng không được CQĐT mời giám hộ cho con bà mới hơn 14 tuổi khi lấy lời khai. Ông Hồng cho rằng do thời điểm đó không xác định được bà này đang ở đâu nên đã mời đại diện đoàn thể chứng kiến, xác nhận.
Dù bản án phúc thẩm nêu ra hàng loạt vấn đề liên quan đến điều tra viên nhưng ông Hồng cho rằng chưa cần thiết thay điều tra viên khi điều tra lại vụ án do VKS, người bị hại không yêu cầu.