Ngày 16/7, trao đổi với báo chí, Thiếu tưởng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án "chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" có liên quan đến thành viên tổ thư ký, tài xế của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Đồng thời cho biết, vụ án đang trong quá trình điều tra, làm rõ, cơ quan điều tra vẫn đang thực hiện thực hiện các bước tiếp theo.
Trước đó, ngày 13/7/2020, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc đối với: Nguyễn Anh Ngọc (SN 1974, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, đang công tác tại Phòng Thư ký biên tập, tổ giúp việc UBND TP Hà Nội); Nguyễn Hoàng Trung (SN 1983, trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - lái xe của Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Phạm Quang Dũng (SN 1983, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) - nguyên cán bộ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an.
|
Cơ quan công an khám nhà 1 trong 3 đối tượng liên quan vụ án. |
Liên quan vụ việc trên, nhiều ý kiến băn khoăn về việc vì sao cơ quan điều tra tiến hành khám xét trước khi khởi tố vụ án? Theo quy định pháp luật, việc khám xét này như thế nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo quy định tại Hiến pháp, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Tại điều 12 BLTTHS 2015 cũng quy định bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân. Không ai được xâm phạm trái pháp luật chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân.
Tuy nhiên, điều luật này cũng quy định việc khám xét chỗ ở; khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Nghĩa là khi có căn cứ, cơ quan có thẩm quyền được thực hiện quyền khám xét chỗ ở, nơi làm việc của công đân và việc khám xét được thực hiện theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Cụ thể, tại Điều 192 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về căn cứ khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, tài liệu, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử nêu rõ:
Việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án. Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.
Khi có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án thì có thể khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử.
Từ đó, luật sư Cường cho rằng, theo quy định, việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc sẽ được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau đây: Thứ nhất, khi có căn cứ để nhận định tại chỗ ở, nơi làm việc của họ có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án. Cơ quan điều tra nhận thấy rằng nếu không tiến hành khám xét ngay thì công cụ phương tiện, đồ vật, tài sản, tài liệu liên quan đến vụ án….có thể bị tẩu tán tiêu hủy, thì tiến hành khám xét. Thứ hai, khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.
Do đó, căn cứ vào quy định trên, việc khám chỗ ở, nơi làm việc vẫn có thể được thực hiện ngay cả khi chưa khởi tố vụ án. Căn cứ khám xét được quy định tại điều 192 Bộ Luật TTHS, khám xét có thể được thực hiện trước hoặc sau khi khởi tố bị can; có thể áp dụng đối với bị can hoặc người liên quan. Trong mọi trường hợp việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc phải có lệnh khám xét theo đúng thủ tục pháp lý từ người có thẩm quyền.
Về thẩm quyền ra lệnh khám xét trong trường hợp thông thường là: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp (Lưu ý quyết định ra lệnh khám xét của những người này phải được Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành); Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.
Thẩm quyền ra lệnh khám xét trong trường hợp khẩn cấp: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng; Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng. Tuy nhiên một lưu ý là trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xét xong, người ra lệnh khám xét phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ việc, vụ án.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Về thủ tục khám xét chỗ ở, nơi làm việc thì Điều 195 BLTTHS 2015 quy định như sau:
Khi khám xét chỗ ở thì phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến; trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến. Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Khi khám xét nơi làm việc của một người thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Việc khám xét nơi làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến.
Trong trường hợp không có đại diện cơ quan, tổ chức, việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và 2 người chứng kiến. Khi tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc, những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xét xong.
Luật sư Cường cho rằng, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc sẽ được vẫn có thể được tiến hành khi chưa có quyết định khởi tố vụ án, chỉ cần khi có một trong các căn cứ như trên. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc cũng cần đáp ứng các quy định khác như thẩm quyền ra quyết định và trình tự, thủ tục thực hiện.
Đối với việc khi đương sự nhận thấy chỗ ở, nơi làm việc của mình bị khám xét không theo đúng các trình tự thủ tục như trên hoặc có căn cứ cho rằng lệnh, quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì đương sự có quyền được khiếu nại, căn cứ vào Điều 469 BLTTHS 2015. Đương sự có quyền được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm và được bồi thường theo quy định của pháp luật theo điểm đ khoản 1 Điều 472 BLTTHS 2015.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khởi tố cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng