Vụ án chạy thận ở Hòa Bình: Bộ Y tế đề nghị xét xử công tâm

Google News

Nếu phiên tòa phúc thẩm vẫn tuyên bị cáo Hoàng Công Lương tội danh “Vô ý làm chết người” sẽ tạo một tiền lệ vô cùng nguy hiểm trong ngành y tế.
 

Được biết, ngày 13/5/2019, Toà án nhân dân tỉnh Hoà Bình sẽ xét xử phúc thẩm vụ án chạy thận nhân tạo khiến 9 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (Quyết định số 23/2014/QĐXXPT-HS ngày 26/4/2019).
Trước dư luận xã hội đang dậy sóng, Bộ Y tế đã tổng hợp các ý kiến có trách nhiệm của Chi hội Luật gia Bộ Y tế, của các chuyên gia giàu kinh nghiệm, tâm huyết về y tế, pháp lý, trang thiết bị y tế, hoá học đối với nội dung Bản án.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến vừa ký văn bản gửi Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc đề nghị xét xử phúc thẩm khách quan, công tâm, khoa học trong Vụ án chạy thận nhân tạo khiến 9 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Bộ Y tế cho rằng, việc định tội danh và tuyên phạt trong phiên xét xử sơ thẩm đối với một số bị cáo còn thiếu khách quan và chưa đảm bảo khoa học pháp lý. Cụ thể, đối với bị cáo Hoàng Công Lương, bản án cho rằng bị cáo Lương “Ký đề xuất sửa chữa nhưng chưa nhận lại bàn giao hoặc chưa hỏi người có trách nhiệm sửa chữa hay có thẩm quyền để biết nước chạy thận đã an toàn mà đã ra y lệnh chạy thận cho bệnh nhân dẫn đến hậu quả.
Xác định lỗi vô ý do cẩu thả” là chưa phù hợp với hành vi khách quan của tội danh này, vì lỗi này là lỗi hành chính, không tác động trực tiếp lên cái chết của nạn nhân. Vì vậy, việc xác định bị cáo Lương phạm tội “Vô ý làm chết người” là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm về chủ thể, khách quan.
Vu an chay than o Hoa Binh: Bo Y te de nghi xet xu cong tam
3 bị cáo trong vụ án chạy thận khiến 8 người tử vong xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. 

Cũng theo Bộ Y tế, việc xác định bị cáo Đỗ Anh Tuấn phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm về chủ thể cũng như hành vi vi phạm.
Đối với bị cáo Trương Quý Dương và bị cáo Hoàng Đình Khiếu, việc xác định 2 bị cáo này phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là khiên cưỡng, yếu chứng lý về yếu tố cấu thành tội phạm liên quan đến chủ thể trực tiếp, gián tiếp hay gián tiếp của gián tiếp của hậu quả dẫn đến 8 bệnh nhân tử vong.
Bộ Y tế cho rằng, nếu Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình vẫn xác định tội danh và tuyên như bản án sơ thẩm sẽ gây tâm lý bất an cho toàn thể thầy thuốc, nhân viên y tế trong cả nước, những người đang hàng ngày trực tiếp cứu chữa, điều trị, chăm sóc bệnh nhân vì lý do an toàn nghề nghiệp của họ.
Nếu phiên tòa phúc thẩm vẫn tuyên bị cáo Hoàng Công Lương tội danh “Vô ý làm chết người” sẽ tạo một tiền lệ vô cùng nguy hiểm trong ngành y tế, vì ai cũng có thể bị điều tra, truy tố xét xử với tội danh này mà bỏ qua việc truy tố các tội danh đặc trưng cho ngành y tế là “Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” hay “tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”.
Nếu phiên tòa phúc thẩm vẫn tuyên bị cáo Lương tội danh “Vô ý làm chết người” sẽ là một tiền lệ rất xấu cho nền y khoa Việt Nam. Từ đây, các thầy thuốc, nhân viên y tế để thủ thân, an toàn cho mình sẽ bám vào thủ tục hành chính, bám vào quy trình nhiều hơn, mất rất nhiều thời gian cho các công việc ngoài chuyên môn thay vì sự xả thân có tính mạo hiểm của nghề nghiệp để tận tâm chữa bệnh, cứu người. Bên cạnh đó, nếu phiên tòa phúc thẩm tuyên xử phạt với các bị cáo một bản án mới không thay đổi so với bản án sơ thẩm sẽ tiếp tục dậy sóng dư luận xã hội trong và ngoài ngành y tế. Việc này có thể gây mất lòng tin của nhân dân vào cơ quan bảo vệ phát luật và e rằng đây là cái cớ để các thế lực thù địch gây mất ổn định về an ninh chính trị và an toàn xã hội của đất nước.
Bộ Y tế kiến nghị, do tính chất phức tạp của vụ án nên việc xác định chính xác nguyên nhân tử vong, xác định rõ bản chất của vụ án cần phải điều tra thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện, khách quan để từ đó làm cơ sở khoa học vững chắc cho công tác truy tố, xét xử và cũng để phòng ngừa rủi ro, nâng cao kiểm soát các yếu tố nguy cơ, bảo đảm an toàn cho người bệnh trong cả nước.
Việc để xảy ra sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình có hậu quả nên cần thiết phải áp dụng các chế tài xử lý nghiêm khắc nhất. Các bị cáo đều phải có trách nhiệm nhưng trách nhiệm đó là lỗi hay tội phạm và mức độ chịu trách nhiệm pháp lý của các bị cáo cũng khác nhau nên phải được điều tra, truy tố, xét xử để bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm cũng như không làm oan người vô tội.
Sự cố y khoa này khiến 8 hay 9 bệnh nhân tử vong cần phải được xác định rõ ràng để tránh tùy tiện, không bảo đảm khoa học. Bởi Kết luận giám định của Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hoà Bình chỉ ra nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân tử vong ngày 29/5/2017 là do ngộ độc Florua nhưng cuối năm 2017 lại có thêm 01 trong 10 bệnh nhân còn sống sau sự cố y khoa ngày 29/5/2017 bị chết (dù bệnh nhân này không được giám định có phải chết do ngộ độc Florua hay không) lại được bổ sung thành sự cố y khoa khiến 9 bệnh nhân tử vong. Việc thừa nhận thêm 01 người chết này sẽ làm tăng tình tiết tăng nặng, tăng số tiền bồi thường và cũng không đúng với bản chất khoa học trong nguyên nhân tử vong của bệnh nhân thứ 9 này.
Bộ Y tế hy vọng, phiên tòa xét xử phúc thẩm sẽ giải quyết được một cách thuyết phục và thỏa đáng./.
Ngày 30/01/2019, Hội đồng xét xử sơ thẩm (HĐXX) - Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình đã tuyên án (Bản án số 08/2019/HSST) đối với Vụ án "Vô ý làm chết người" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến sự cố y khoa làm 08 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Theo đó, HĐXX đã tuyên xử phạt: Bị cáo Hoàng Công Lương - Nguyên Bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - BVĐK tỉnh Hòa Bình 42 tháng tù; Bị cáo Hoàng Đình Khiếu - Nguyên Phó Giám đốc - BVĐK tỉnh Hòa Bình 36 tháng tù; Bị cáo Trương Quý Dương - Nguyên Giám đốc - BVĐK tỉnh Hòa Bình 30 tháng tù; Bị cáo Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn 30 tháng tù..
Ngay sau khi tuyên án, dư luận xã hội trong và ngoài ngành y tế đã thực sự bất ngờ, bàng hoàng, bất bình dẫn đến hoang mang, lo lắng cho một số bị cáo trước Bản án này. Đa số các ý kiến phản đối đều cho rằng việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với một số bị cáo trong vụ án này có phần khiên cưỡng, quy chụp, chưa đúng tội danh, oan sai... dù đã được các Hội Hồi sức và lọc máu quốc gia, Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam... cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế và cả đại biểu Quốc hội lên tiếng, khuyến nghị nhưng cũng chưa được lắng nghe một cách nghiêm túc trên cơ sở khoa học pháp lý.
Theo T.H/VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)