Vì sao bị kỷ luật, Phó Bí thư Ninh Bình vẫn làm Phó Ban PCTN?

Google News

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình Trần Hồng Quảng bị kỷ luật Cảnh cáo vẫn làm Phó Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh Ninh Bình.

Theo quyết định 655 của Tỉnh ủy Ninh Bình do bà Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình ký ngày 30/6/2022, Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Ninh Bình gồm 15 thành viên do bà Nguyễn Thị Thu Hà - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình làm trưởng ban.
Đáng chú ý, ông Trần Hồng Quảng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình làm Phó Trưởng ban. Việc này khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều bởi, cuối tháng 3/2022, ông Trần Hồng Quảng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định kỷ luật Cảnh cáo.
Vi sao bi ky luat, Pho Bi thu Ninh Binh van lam Pho Ban PCTN?
Vừa bị kỷ luật cảnh cáo, ông Trần Hồng Quảng được giao làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Ninh Bình. 
Cụ thể tại kỳ họp thứ 13 (từ ngày 28 đến ngày 31/3/2022), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả giải quyết tố cáo ông Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình.
UBKT Trung ương kết luận, ông Trần Hồng Quảng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc, quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong quản lý đầu tư, xây dựng và công tác cán bộ. Để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm nêu trên có trách nhiệm của Thường trực Tỉnh ủy, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân có liên quan.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Trần Hồng Quảng. Đồng thời yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm, chỉ đạo kiểm tra, xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Trao đổi với báo chí, ông Lưu Danh Tuyên - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Ninh Bình - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Phóng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Ninh Bình cho biết, có việc dư luận xôn xao về việc ông Trần Hồng Quảng được giao làm Phó Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh Ninh Bình. Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh cũng như các thành viên của ban cũng đã nắm được thông tin dư luận. Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh nhận định, đây là vấn đề cần xem xét một cách nghiêm túc nên đã họp và đưa vấn đề này ra bàn để có hướng xử lý.
Ông Tuyên cho biết thêm, việc ông Quảng được giao làm Phó Ban Chỉ đạo là theo cơ cấu chung. Qua nghiên cứu các quy định của Đảng, không có quy định nào cấm người đang bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng tham gia ban chỉ đạo.
"Tới đây, khi xây dựng quy chế hoạt động của Ban và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong ban, chúng tôi sẽ nghiên cứu để làm sao cho phù hợp, đảm bảo Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh có niềm tin với dân" - ông Tuyên nói.
Theo Quy định số 67-QĐ/TW ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố sẽ trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy thành lập, chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phạm vi hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương. Trực tiếp xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp xảy ra ở địa phương.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định Đảng, pháp luật Nhà nước. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức Đảng và các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xử lý các vụ việc; khởi tố điều tra, truy tố, xét xử thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm ở địa phương. Ban này cũng sẽ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy và cấp ủy viên, đảng viên có thẩm quyền trong xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực và xử lý thông tin về vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực do các cá nhân, tổ chức phát hiện, cung cấp, kiến nghị…
Quyền hạn của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo xem xét lại việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của địa phương kết luận, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ án, vụ việc cụ thể hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết, hoặc giải quyết lại nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng quy định.
Theo quy định 67, Phó Trưởng ban ngoài nhiệm vụ và quyền hạn của Uỷ viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo quy định tại Điều 8 còn có nhiệm vụ và quyền hạn: Giúp Trưởng ban điều phối hoạt động của các thành viên theo phân công của Trưởng ban. Thay mặt Trưởng ban thực hiện một số công việc, chủ trì một số phiên họp của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh khi được Trưởng ban uỷ quyền. Giúp Trưởng ban chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc phát hiện, xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương theo phân công của Trưởng ban.
Tại điều 12 về Tổ chức bộ máy Ban Chỉ đạo cấp tỉnh gồm: Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh: Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ. Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh: Phó bí thư thường trực tỉnh uỷ, thành uỷ. Trưởng ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ. Trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ, thành uỷ. Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ, thành uỷ. Giám đốc công an tỉnh, thành phố. Trưởng ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ là Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh…
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng:

Nguồn: VTV1


Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)