Vì sao bị cáo vụ án Hứa Thị Phấn mang thai vẫn phải...ngồi tù?

Google News

(Kiến Thức) - Không hợp tác với CQĐT, khai báo quanh co, tẩu tán bất động sản là những lý do khiến các bị cáo đang mang thai trong vụ án Hứa Thị Phấn phải ngồi tù thay vì chỉ bị tại ngoại hay cấm đi khỏi nơi cư trú.

Ngày 12/1/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kết luận điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank - nay là Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - VNCB).
Trong vụ án này, CQĐT đề nghị truy tố bị can Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn và đồng phạm liên quan đến các hành vi gây thiệt hại cho ngân hàng Đại Tín hơn 6.341 tỷ đồng. Đáng chú ý, hầu hết các bị can bị khởi tố được tại ngoại và cấm đi khỏi nơi cư trú, thế nhưng lại có trường hợp mang thai vẫn phải ngồi tù, vì sao lại kỳ lạ như vậy?
 Bị can Hứa Thị Phấn. Ảnh: Plo.
Theo đó, đối với bị can Bùi Kim Loan – Kế toán công ty Phú Mỹ có vai trò giúp đỡ tích cực cho bị can Hứa Thị Phấn thực hiện hai hành vi phạm tội nêu trên. Vì thế, bị can Loan phải chịu trách nhiệm cùng bị can Phấn về toàn bộ số tiền hơn 6.341 tỷ đồng mà Ngân hàng Đại Tín bị thiệt hại.
Mặc dù xác định bị can Loan là đối tượng chính trong vụ án, tuy nhiên bị can đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên cơ quan điều tra đã áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với bị can này.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, bị can Loan không những khai báo quanh co, không hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ hành vi phạm tội của bị can Hứa Thị Phấn mà còn cùng chồng là Nguyễn Kim Thanh ký bán tẩu tán bất động sản đứng tên giúp bị can Phấn tại số 5 Đoàn Kết (phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP HCM) với giá 34,5 tỷ đồng vào ngày 29/3/2017 (sau khi khởi tố bị can 7 ngày), cản trở nghiêm trọng việc điều tra, thu hồi tài sản của cơ quan điều tra.
Do vậy mặc dù bị can Loan đang mang thai con thứ 3 (đến ngày 2/1/2018 được 23 tuần), ngày 25/9/2017, cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã thay thế biện pháp ngăn chặn từ “Cấm đi khỏi nơi cư trú” thành “Bắt bị can để tạm giam” và Viện KSNDTC đã phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam.
Đối với bị can Ngô Kim Huệ - nguyên Phó TGĐ Ngân hàng Đại Tín bị cơ quan CSĐT xác định là đối tượng chính trong vụ án có vai trò giúp sức tích cực cho bị cáo Hứa Thị Phấn thực hiện hai hành vi phạm tội nêu trên. Vì thế, bị can Huệ phải chịu trách nhiệm cùng bị can Phấn về toàn bộ số tiền hơn 1105 tỷ đồng trong hành vi liên quan nhà số 5 – Phạm Ngọc Thạch và 330,2 tỷ đồng trong hành vi hạch toán thu khống hơn 5256 tỷ đồng mà Ngân hàng Đại Tín bị thiệt hại.
Trong quá trình điều tra, bị cáo Huệ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên vẫn áp dụng BPNC “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Tuy nhiên, bị can Huệ không những khai báo quanh co, không hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ hành vi phạm tội của bị can Phấn và đồng phạm; việc sử dụng tiền do phạm tội mà có và việc sở hữu tài sản, đứng tên sở hữu và quản lý khai thác bất động sản giúp bị can Phấn, cản trở nghiêm trọng việc điều tra và thu hồi tài sản.
Bởi vậy, mặc dù bị can Huệ đang mang thai con thứ 3, ngày 25/9/2017, cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã thay đổi biên pháp ngăn chặn “bắt bị can để tạm giam”.
Sau khi tạm giam, bị can Huệ đã nhìn nhận ra hành vi phạm tội , tự khai báo về hành vi phạm tội, khai báo về việc sở hữu và đứng tên sở hữu, quản lý và khai thác bất động sản, giúp cơ quan điều tra làm rõ và kê biên, phong tỏa một số tài sản của bị can Huệ và bị can Hứa Thị Phấn để khắc phục hậu quả. Do vậy, trên cơ sở đề nghị của Cơ quan CSĐT – Bộ Công an, Viện KSNDTC đã thay thế biện pháp ngăn chặn từ “Bắt bị can để tạm giam” thành “Cấm đi khỏi nơi cư trú”.
Cơ quan CSĐT đề nghị truy tố bị can Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) và nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ; truy tố bị can Ngô Kim Huệ, nguyên phó TGĐ TrustBank, giám đốc Công ty TNHH Phú Mỹ; Bùi Thị Kim Loan, kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ về hai tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cùng với đó, đề nghị truy tố bị can Lâm Kim Dũng, nguyên giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang bị đề nghị truy tố về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
CQĐT cũng đề nghị truy tố 24 bị can khác về tội cố ý làm trái, 1 bị can bị đề nghị truy tố lạm dụng tính nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong số đó có nhiều người nguyên là cán bộ, nhân viên Ngân hàng Đại Tín chi nhánh Sài Gòn và chi nhánh Lam Giang.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)