Công nghệ chụp ảnh “người ngoài hành tinh”
Mặc dù anh Trịnh Văn Thùy khẳng định anh không dùng bất cứ một thao tác nào để can thiệp vào bức ảnh “người ngoài hành tinh” chụp được trên phố Lương Ngọc Quyến, nhưng thực tế đã chứng minh đây chỉ là một phần mềm chèn hình có từ năm 2012. Và cũng chính công nghệ này đã “chụp được” một “người ngoài hành tinh” giống y như bức ảnh anh Thùy chụp được.
Cuối năm 2012, tại tòa soạn báo Tiền Phong, các phóng viên của báo này đã chụp được một bức ảnh người ngoài hành tinh. So sánh “người ngoài hành tinh” trong hai bức ảnh có thể nhận thấy không có điểm khác biệt về “con người”. Sự khác biệt chỉ nằm ở vị trí xuất hiện trên bàn làm việc và trên đường phố.
Hình ảnh “người ngoài hành tinh” này được tạo ra bởi các chuyên gia về hình ảnh. Sau đó họ tạo ra một phần mềm chèn hình ảnh này vào khi chụp. Và khi người chụp ảnh vô tình hay hữu ý sử dụng phần mềm này để chụp thì đều cho ra kết quả như nhau. Có thể máy của anh Thùy có chức năng này mà anh không biết nên vẫn khẳng định bức ảnh là thật.
|
Bức ảnh do anh Trịnh Văn Thùy chụp được ngày 12/7. |
Cách “nhận dạng” người ngoài hành tinh rởm
Thực tế, thời gian mấy năm trở lại đây, ở Việt Nam xuất hiện không ít thông tin liên quan đến UFO hoặc “người ngoài hành tinh”. Tuy nhiên, đó đều là trò đùa của những người vui tính hoặc vì vô tình mà máy ảnh của họ có những hiệu ứng tạo nên những hình ảnh khó hiểu.
Chị Đỗ Thị Hoa – Chuyên gia quản lý hình ảnh thuộc Công ty truyền thông Nhịp sống (Vạn Phúc – Hà Nội) sau khi xem, phân tích bức ảnh của anh Thùy đã khẳng định đó là bức ảnh bị can thiệp.
Bằng chứng mà chị Hoa đưa ra là xung quanh “người ngoài hành tinh” lộ một đường viền đen nhỏ và mỏng. Thứ hai là ở bàn chân trái có hình mờ của một vài cục đá, mà chỉ có ghép ảnh mới để lộ ra điều ấy. Thứ ba là khi phóng to ảnh và xem xét kỹ sẽ thấy “người ngoài hành tinh” chỉ là một hình ảnh có sẵn mà các phần mềm thông dụng đều cài đặt.
Cùng ý kiến với chị Hoa, TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho rằng, bức ảnh đã có sự can thiệp một cách rất rõ ràng. Hoặc có thể người chụp vô tình chạm tay vào chức năng lồng hình ảnh mà phần mềm trong máy có sẵn.
Theo chị Hoa, ngay cả việc chụp hình giả “ma” cũng khá đơn giản và không cần đến sự can thiệp của tin học. Nguyên lý của chụp ảnh là sự phơi sáng (exposure). Thông qua ống kính, camera lấy một lượng vừa đủ ánh sáng chiếu lên film hay sensor (cảm biến) để có được một bức ảnh như ý.
Chị Hoa khẳng định, ánh sáng tự nhiên là một trong những yếu tố thường xuyên làm nên sự “chệch chuẩn” của bức ảnh. Một ví dụ giản đơn là vào năm 2010, anh Nguyễn Xuân Vũ ở Hà Nội đã chụp ảnh và quay được một clip vật thể bay với ánh sáng như thể lửa cháy. Nhiều thông tin cho rằng đây là UFO, nhưng các chuyên gia đã kiểm định và kết luận đó chỉ là một máy bay dân dụng. Do bay vào thời điểm chiều mùa đông, chỉ những vật ở vị trí cao mới tiếp nhận được ánh sáng mặt trời. Luồng hơi nóng của máy bay bị kết tinh do gặp ánh sáng mặt trời và tạo thành vệt sáng.
|
Hình ảnh "người ngoài hành tinh" được đăng tải trên một tờ báo khác. |
Nếu người ngoài hành tinh ghé thăm Hà Nội?
Nhà nghiên cứu Lê Đình Quỳ - Hội Thiên văn và Vũ trụ Việt Nam, tác giả cuốn sách “Mật mã vũ trụ và giả thuyết mới về nguồn gốc hệ mặt trời” khẳng định, từng có tư liệu và bằng chứng về vật thể bay không xác định – UFO xuất hiện ở Việt Nam trong những năm 1950 – 1975.
Chính vì thế, việc “người ngoài hành tinh” nếu ghé thăm Hà Nội cũng không phải là vấn đề kỳ lạ hoặc quá bất ngờ. Ông Quỳ cũng lưu ý sự bí ẩn của thế giới xoay quanh hệ mặt trời không phải chỉ có con người. Vẫn có những người anh em mà chúng ta quen gọi là “sinh vật lạ” đã và đang gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học.
Dẫn chứng mà nhà nghiên cứu Lê Đình Quỳ đưa ra vào những năm 1972, hãng thông tấn AFP đã công bố bài viết và giật tít “What Was Over UFO Hà Nội?”. Bài báo nói một bí ẩn đối tượng xuất hiện trên bầu trời trong xanh ở Hà Nội vào hôm thứ sáu, thu hút hỏa lực tên lửa từ mặt đất, nhưng dường như nó vẫn bất động.
Phóng viên Thoraval với ống nhòm từ mặt đất đã thấy vật thể này. Ông mô tả vật thể bay không xác định có dạng hình cầu và có màu cam sáng ở độ cao mà hệ thống phòng không miền Bắc Việt Nam bắn ba tên lửa cũng không thể đạt tới mục tiêu. Các vật thể bay không xác định này xuất hiện trên bầu trời khoảng 80 phút rồi dần biến mất.
“Một số tạp chí Mỹ UFO và bản tin được công bố trong cùng kỳ một số câu chuyện tuyệt vời trong chiến tranh Việt Nam nhưng không có chuyện nào được khẳng định. Nhưng nếu chúng ta xem xét độ tin cậy của dữ liệu thì đủ để thấy rằng một cái gì đó kỳ lạ đã thực sự được báo cáo trong thời gian chiến tranh”, ông Quỳ cho biết.
Vũ trụ không chỉ có riêng con người?
Theo nhà nghiên cứu Lê Đình Quỳ: “Dù thế giới đã có rất nhiều thông tin và căn cứ để xác định có người ngoài hành tinh. Tuy nhiên, những căn cứ đó không đủ thuyết phục khoa học để đi đến khẳng định cuối cùng. Theo nghiên cứu của tôi, vũ trụ này không chỉ có mình con người, mà còn có những hành tinh khác với nền văn minh khác song hành cùng chúng ta”.
Một trong những tư liệu dẫn chứng mà ông Quỳ đưa ra về UFO xuất hiện ở Việt Nam xảy ra tại căn cứ không quân Mỹ ở Nha Trang khoảng tháng 6/1966. Căn cứ này có khoảng 2 nghìn lính Mỹ đóng quân và khoảng gần 40 nghìn quân Việt Nam cộng hòa. Hôm ấy, nhóm lính tụ tập để xem một bộ phim ngoài trời. Trong khi bộ phim mới chỉ bắt đầu thì bỗng dưng bầu trời có những ánh sáng lạ.
Với luồng ánh sáng đó, các phi công có thể ước tính cách mặt đất khoảng hơn 8km. UFO đột ngột giảm độ cao, lao về phía nhóm lính phía dưới rồi dừng lại lơ lửng trên không cách mặt đất 100m. Luồng sáng đó chiếu soi tất cả mọi thứ trong thung lũng rồi bay thẳng cho đến khi khuất tầm nhìn của mọi người.
Tư liệu ghi rõ khoảnh khắc ấy tất cả các máy phát điện trong căn cứ đều ngừng chạy. Các động cơ máy bay sẵn sàng chiến đấu đều ngừng hoạt động. Thậm chí, ngay cả xe tải, xe hơi và các động cơ máy móc khác cũng ngừng hoạt động khoảng gần 5 phút. Sự kiện bất ngờ chớp nhoáng khiến mọi người không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra. Và Washington đã phải cử một máy bay với nhiều thiết bị chụp ảnh dã chiến tới Nha Trang để điều tra.
Tuy nhiên, đã không có bằng chứng nào để sự kiện UFO ghé thăm Việt Nam thêm rõ ràng. Chính vì thế, không quân Mỹ đã không đề cập sự kiện này trong tài liệu của họ từ năm 1970. Năm 1973, nước Mỹ xảy ra một vụ bắt cóc có liên quan đến UFO nên Tham mưu trưởng không quân Mỹ là tướng George S. Brown đã họp báo và đề cập tới vụ việc ở Việt Nam.
“Người ta chỉ nhìn thấy chúng vào ban đêm, ở những nơi nhất định. Họ đã nhìn thấy nó quanh khu phi quân sự, vào đầu mùa hè năm 1968. Điều này dẫn đến một trận chiến nhỏ. Dù không bao giờ tìm thấy bất kỳ kẻ thù nào, thường thì vẫn bắn vài loạt pháo. Sự việc luôn luôn xảy ra sau khi trời tối”, ông Quỳ trích dẫn phát biểu của tướng George S. Brown.