Về ngôi chùa gắn bó với thời cách mạng của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

Google News

(Kiến Thức) - Ít ai biết chùa Hưng Long (xã Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội) là nơi gắn bó với thời hoạt động cách mạng của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Nơi đây từng là cơ sở hoạt động cách mạng của Đảng - Tại đây, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên của huyện Thanh Trì ra đời. 

Tổng Bí thư đầu tiên trong 40 năm qua quang lâm phát tự

"Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là Tổng Bí thư đầu tiên và duy nhất trong gần 40 năm qua (1981 đến nay) quang lâm dự và phát biểu tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc. Đó là minh chứng rất rõ về quan điểm, đường lối sáng suốt của cụ đối với tôn giáo", - Trụ trì chùa Hưng Long - Thích Minh Tiến nói.

Ve ngoi chua gan bo voi thoi cach mang cua nguyen Tong Bi thu Do Muoi
 Trụ trì chùa Hưng Long Thích Minh Tiến chia sẻ với Kiến Thức.

Chùa Hưng Long (hay còn gọi là Hưng Long cổ tự) có lịch sử hơn 1 nghìn  năm (xây dựng năm 1011, vua Lý Thái Tổ ban chiếu xây dựng). Trong những năm đầu hoạt động cách mạng, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và các đồng chí cách mạng từng sử dụng nơi đây làm căn cứ cách mạng vững chắc để hoạt động.

Trụ trì chùa Hưng Long kể: Thời điểm những năm 1930, các Phật tử trong chùa hết lòng giúp đỡ hoạt động cách mạng cùng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Đây không chỉ là nơi ẩn náu an toàn để hoạt động bí mật cung cấp, trao đổi thông tin giữa những đồng chí cách mạng với nhau mà còn là nơi nương tựa vững chắc với những cán bộ cách mạng, "kho thóc" quý giá của các anh em đồng chí.  

Năm 1929, chi hội cách mạng Việt Nam cách mạng Thanh Niên đầu tiên của huyện Thanh Trì ra đời. Tháng 5/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Đông Trù được thành lập. Tối 17/8/1945, tại cổng Tam quan của chùa, Ủy ban khởi nghĩa Đông Phù được thành lập để lãnh đạo phong trào cách mạng.

Sau khi chi hội cách mạng được thành lập, các đồng chí cách mạng hoạt động trong chùa để tránh sự nhòm ngó từ quân thù.

Trụ trì chùa cho biết, những năm trước đây, xung quanh khu vực Đông Phù là đồng ruộng, quang cảnh hoang vắng, ở giữa khu vực vắng là một cái gò cao, hình dáng giống con rùa xung quanh cây cối mọc lên um tùm nên tránh được sự truy lùng của quân địch, thích hợp cho hoạt động cách mạng bí mật.

Ve ngoi chua gan bo voi thoi cach mang cua nguyen Tong Bi thu Do Muoi-Hinh-2
 Ảnh cụ Mười trong một lần về thăm chùa. (Ảnh tư liệu chùa cung cấp).

Trước đây, khi sức khỏe còn tốt, mỗi khi có dịp lễ Tết cụ thường về thăm nhà, thăm con cháu rồi ghé qua thăm chùa.

Đặc biệt, mỗi lần về thăm hỏi, cụ Mười đều động viên tăng ni phật tử tích cực hoạt động để làm sao đóng góp vào sự phát triển, ổn định của địa phương.

Trụ trì Thích Minh Tiến nhớ lại, cụ rất giản dị, đơn sơ nhưng dạt dào tình cảm. Cụ luôn xuất hiện với áo kín cổ (áo đại cán), đôi giầy bộ đội cũ.

Mỗi khi về thăm quê, cụ luôn nhắc đến lời Phật dạy: "Lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha".

Nhiều cán bộ, lãnh đạo cách mạng và nhiều chiến sĩ cộng sản đã từng sống, chiến đấu dưới sự đùm bọc, ủng hộ, bảo vệ tận tình của nhiều Tăng ni, Phật tử, nhiều chùa có phong trào phật giáo yêu nước. Vì vậy, cụ không quên căn dặn các Tăng Ni, Cư sĩ, Phật tử cùng đồng bào tôn giáo khác tiếp tục sống tốt đời đẹp đạo để không ngừng cống hiện cho sự phát triển của đất nước.

Cuộc đời giản dị, đượm tình đồng chí
Ngồi trước cửa căn nhà cấp 4 của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông Đinh Ngọc Tuấn (từng là người liên lạc phối hợp với đội cụ Mười, quê Kim Bảng, Hà Nam, trú Hoàng Mai, Hà Nội) đến viếng cụ Mười trong nỗi buồn không dứt.
ông Tuấn cho biết, những năm 1950, khi cụ Mười hoạt động cách mạng và về Hà Nam làm việc, ông Tuấn làm trong ban liên lạc của huyện Kim Bảng, Hà Nam. 
Ve ngoi chua gan bo voi thoi cach mang cua nguyen Tong Bi thu Do Muoi-Hinh-3
 Ông Đinh Ngọc Tuấn cho biết dù tuổi đã cao nhưng vẫn cố gắng đi xe buýt để đến việng cụ Mười.
Ông Tuấn nhớ lại, cụ Mười một người hết mực giản dị, đùm bọc anh em. "Thời điểm những năm 1950 vừa phải lo cái ăn, vừa phải tích cực hoạt động cách mạng nên rất khó khăn. Thế nhưng, cụ Mười vẫn không lo cho mình mà thường san sẻ cho người nghèo, anh em đồng chí, đồng đội" - ông Tuấn nói.
Trong 3 năm hoạt động cùng với đội của cụ Mười, ông Tuấn nhiều lần được cụ nhường cơm, sẻ áo. Theo ông Tuấn, đó là niềm động viên rất lớn với anh em, đồng chí trong bối cảnh cách mạng còn khó khăn.
Cách nhà cụ Đỗ Mười 2 con ngõ, ông Nguyễn Đức Trường (80 tuổi) chia sẻ với Kiến Thức: "Nghe tin bác mất, không chỉ riêng tôi mà người dân ai cũng buồn thương."
Lê Tùng

>> xem thêm

Bình luận(0)