Quốc hội đã "giảm” 13 đại biểu
Trong chỉ thị về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ hướng dẫn kê khai tài sản đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân trước, trong và sau bầu cử.
Chỉ thị của Thủ tướng mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm mục đích bầu ra các đại biểu đáp ứng đầy đủ 7 tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, gồm: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; Có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội; Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm; Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
|
Quốc hội bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc vì có quốc tịch thứ hai ở Síp nhưng không khai báo theo quy định |
Yêu cầu kê khai tài sản đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp càng phải thực hiện nghiêm, minh bạch khi thực tế từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV đến nay, Quốc hội đã "giảm” 13 đại biểu (từ 494 người trúng cử Quốc hội khoá XIV, được công nhận tư cách đại biểu đầu nhiệm kỳ xuống còn 481 đại biểu) do bị bãi nhiệm hoặc vi phạm trong quá trình công tác, bị kỷ luật, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu.
Trong đó, trường hợp của ông Phạm Phú Quốc (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) là điều đáng buồn khi chiều 3/11/2020, Quốc hội chính thức bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Phạm Phú Quốc vì không trung thực trong việc báo cáo với tổ chức, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân.
Trước đó, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã thống nhất hướng xử lý tạm đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tân Thuận (IPC), đề xuất bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc vì có quốc tịch thứ hai ở Síp nhưng không khai báo theo quy định, thể hiện việc không gương mẫu và không chấp hành đúng quy định của Đảng, của tổ chức.
Thường xuyên giám sát và đánh giá đại biểu
Tại hành lang phiên họp các đoàn đại biểu Quốc hội ngày 2/11/2020, chia sẻ với báo chí về việc xem xét việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc do phát hiện vị này có 2 quốc tịch, ông Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Bình Phước) - Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, 14 nhiệm kỳ Quốc hội đã qua, chưa khóa nào số lượng đại biểu bị thôi giữ chức vụ, thậm chí có người còn bị truy tố, kết án bởi pháp luật nhiều như khóa XIV này.
“Đến nay, thêm một đại biểu nữa phải xem xét bãi nhiệm là điều không ai mong muốn. Đặc biệt, những người làm công tác tham mưu nhân sự tại Quốc hội, chúng tôi rất trăn trở” - ông Tuấn Anh nói.
|
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh QH
|
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, tất cả những đại biểu trúng cử Quốc hội khoá XIV, được công nhận tư cách đại biểu (đầu nhiệm kỳ có 2 người trúng cử nhưng không được công nhận – PV) đều là những người đủ điều kiện làm đại biểu Quốc hội, đã được thẩm tra và xác nhận đủ tư cách đại biểu Quốc hội khi đó. Sở dĩ có những đại biểu bị thôi nhiệm vụ, phải miễn nhiệm hoặc đương nhiên mất quyền đại biểu phát sinh trong thời gian giữa nhiệm kỳ là do quá trình thẩm tra ban đầu chưa phát hiện được vi phạm.
“Những hiện tượng đó, ví dụ như với đại biểu Phạm Phú Quốc, đến giờ các cơ quan chức năng mới phát hiện ra việc vị này có 2 quốc tịch. Đó là điều không ai mong muốn, là việc bất khả kháng và cũng là bài học với chúng tôi” - ông Tuấn Anh nói.
Cũng theo ông Tuấn Anh, những đơn vị liên quan, trong thời gian tới phải làm thế nào tham mưu cho Hội đồng Bầu cử quốc gia có những hướng dẫn cụ thể để tránh được những hiện tượng như khoá này, để không còn những đại biểu phải bãi nhiệm, miễn nhiệm do không còn uy tín với cử tri hoặc đương nhiên mất tư cách đại biểu do vi phạm pháp luật.
Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho hay, từ những vụ việc như vừa qua, cần phải đặt ra vấn đề chọn người thế nào cho chuẩn hơn, và ngay cả trong quá trình làm đại biểu rồi cũng cần phải thường xuyên giám sát và đánh giá đại biểu, ví dụ như đánh giá theo định kỳ hàng năm, tương tự như quy trình đánh giá với cán bộ công chức. Nhưng hiện nay chưa có cơ chế nào để làm việc này.
“Như trường hợp đại biểu Phạm Phú Quốc, nếu chúng ta tiến hành đánh giá hàng năm thì qua đánh giá đó, từ năm 2018 đã có thể xác định được việc đại biểu có 2 quốc tịch. Như vậy, Quốc hội đỡ phải xem xét thông qua kênh báo chí phản ánh mà đã chủ động việc bãi nhiệm, miễn nhiệm từ khi đó” - ông Tuấn Anh chia sẻ.
Theo Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, những sự việc đáng tiếc vừa qua cần được xem là hồi chuông cảnh tỉnh khi chúng ta chuẩn bị tiến hành bầu cử Quốc hội khoá XV, bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tới.