Ngày 7/7, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp cùng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) bắt giữ Lê Hoàng Cường (tức Cường Kobe) cùng đồng bọn về các hành vi “gây rối trật tự công cộng”, “hủy hoại tài sản”… với nhiều vụ án, vụ việc liên quan. Cường Kobe có 2 tiền án về tội “mua bán trái phép chất ma túy”, 1 tiền sự “kinh doanh không phép”. Đối tượng này cũng cầm đầu băng nhóm tội phạm chuyên hoạt động bảo kê, lấn chiếm đất đai, gây ra nhiều vụ án, hành vi vi phạm pháp luật tại TP Phú Quốc.
|
Lê Hoàng Cường (tức Cường Kobe) thời điểm bị lực lượng Công an bắt giữ.
|
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, trùm giang hồ Cường Kobe và đồng bọn có thể đối mặt hình phạt gì? Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tập trung đông người, sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm để đánh nhau nơi công cộng là hành vi gây mất an ninh trật tự, bởi vậy cơ quan điều tra khởi tố nhiều bị can về tội danh gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản là có căn cứ.
Luật sư Cường bày tỏ, hành vi của hai nhóm này rất côn đồ, manh động, coi thường pháp luật, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội nên cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý là cần thiết để giữ vững an ninh, an toàn ở thành phố này. Với nhóm đối tượng thường xuyên vi phạm pháp luật, sẵn sàng sử dụng vũ khí, hung khí nóng để giải quyết mâu thuẫn nếu không được can thiệp, ngăn chặn, xử lý kịp thời thì sẽ gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động kinh doanh của người dân ở địa phương. Bởi vậy, việc cơ quan điều tra lập các chuyên án để triệt phá những băng ổ nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen trong thời gian qua là rất cần thiết, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Theo quy định của pháp luật thì trật tự xã hội được thiết lập trên cơ sở pháp luật, đạo đức, văn hóa, tập quán, để cho mọi người được tự do đi lại, làm việc, cư trú, được bình an nơi công cộng. Mọi hành vi đánh nhau, la hét, đập phá, gây mất an ninh trật tự nơi công cộng làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì đều là hành vi gây rối trật tự công cộng. Người thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hành vi gây rối trật tự công cộng đến mức được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo điều 318 Bộ luật Hình sự.
Tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự như sau: Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc đã bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm. Theo thông tin diễn biến từ phía cơ quan chức năng thì hành vi của các đối tượng này được xác định là dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách, thậm chí có thể được xác định là phạm tội có tổ chức nên hình phạt sẽ là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Luật sư Cường cho hay, với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực thì sẽ phải chịu mức án nghiêm khắc, cao nhất có thể tới 7 năm tù. Đối với các đối tượng có vai trò thứ yếu, giúp sức mà thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thì sẽ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Ngoài hành vi gây rối trật tự công cộng thì các đối tượng này còn có hành vi đập phá tài sản của người khác, gây hư hại tài sản. Bởi vậy nếu kết quả xác minh phải định giá tài sản cho thuê giá trị thiệt hại tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên thì việc cơ quan điều tra khởi tố các đối tượng này về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại điều 178 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.
Có thể thấy rằng, thời gian qua xuất hiện các đối tượng có tiền án tiền sự thường xuyên tụ tập gây mất an ninh trật tự xảy ra ở nhiều địa phương, địa bàn, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động kinh doanh của người dân. Đặc biệt là đối với các địa bàn, khu vực đang có đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, những địa bàn phát triển du lịch, có nhiều dân nhập cư sinh sống thì phạm tội theo kiểu băng ở nhóm lại càng suất hiện nhiều hơn và diễn biến phức tạp hơn. Bởi vậy, việc các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm minh với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật thường xuyên, manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí, hung khí để giải quyết mâu thuẫn là cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân", Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp chia sẻ.
>>> Xem thêm video: Chân dung giang hồ Thảo “lụi” vừa bị bắt: “Đường Nhuệ” Phan Thiết?