Trẻ em nghịch lửa gây cháy nhà cấp 4 ở TP HCM: Xử lý thế nào?

Google News

Một vụ cháy tại căn nhà cấp 4 ở TP HCM đã thiêu rụi nhiều tài sản bên trong được xác định do trẻ em gây ra. Qua đây, nhiều người thắc mắc cơ quan chức năng sẽ xử lý sao khi người gây ra cháy lại là trẻ em?

Theo thông tin ban đầu, vụ trẻ em nghịch lửa gây cháy nhà cấp 4 xảy ra khoảng 11h40 ngày 17/10, trên Tỉnh lộ 10, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP HCM. Sau 30 phút, đám cháy được cơ quan chức năng khống chế hoàn toàn. Căn nhà cấp 4 với diện tích 72m2 bị cháy cùng nhiều tài sản bên trong. Bước đầu xác định nguyên nhân cháy là do trẻ em trong căn nhà trên nghịch lửa.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, cơ quan chức năng cần xác định nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn là gì? Xác định được nguyên nhân chính xác sẽ giúp xử lý các vấn đề phát sinh tiếp theo. Trường hợp đúng là trẻ em trong nhà nghịch lửa thì cần xác định tuổi của trẻ em nghịch lửa. Về cơ bản, có thể hiểu rằng trẻ em trong trường hợp này có thể là chỉ vài tuổi, năng lực nhận thức và làm chủ hành vi chưa hoàn thiện. Hỏa hoạn chỉ là tai nạn và không phải mong muốn của những đứa trẻ này.
Tre em nghich lua gay chay nha cap 4 o TP HCM: Xu ly the nao?
Hiện trường nơi xảy ra vụ cháy. 
"Tuy nhiên, thiệt hại về tài sản trong vụ việc này là thiệt hại rất thực tế. Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha mẹ thì cha mẹ phải bồi thường thiệt hại. Đây là trường hợp người gây thiệt hại được xác định là không có khả năng chịu trách nhiệm bồi thường, mặc dù có thể họ vẫn là người có một phần năng lực hành vi dân sự.
Hơn nữa, bản thân họ vẫn chịu sự giám sát quản lý của cha mẹ nên khi họ gây thiệt hại, cha mẹ bị coi là có lỗi trong việc quản lý nên cha mẹ phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại. Tuy nhiên, nếu tài sản của cha mẹ không đủ mà con có tài sản riêng thì cha mẹ được lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu" - luật sư Tùng nói.
Tre em nghich lua gay chay nha cap 4 o TP HCM: Xu ly the nao?-Hinh-2
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 
Cũng trao đổi với PV, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, đây là một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng mà lỗi xác định là do trẻ em nghịch lửa gây ra. Trong vụ việc này lỗi của người gây ra vụ cháy là lỗi vô ý, đồng thời người gây ra vụ cháy là người chưa thành niên vấn đề trách nhiệm hình sự sẽ không được đặt ra, còn việc bồi thường thiệt dân sự sẽ được thực hiện theo quy định của bộ luật dân sự 2015.
Cũng theo luật sư Cường, theo quy định của pháp luật hiện hành, nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự năm 2015, luật khác có liên quan quy định khác. Tuy nhiên, người chưa chưa thành niên là chủ thể đặc biệt, do đó Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định riêng đối với chủ thể này tại Điều 586.
Tre em nghich lua gay chay nha cap 4 o TP HCM: Xu ly the nao?-Hinh-3
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 
"Căn cứ vào các quy định trên, có thể thấy pháp luật chia làm hai trường hợp đối với người chưa thành niên, bao gồm chủ thể từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi và chủ thể chưa đủ 15 tuổi. Trong đó nguyên tắc bồi thường đối với chủ thể từ chủ thể từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Trong trường hợp chủ thể này không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ thì việc bồi thường do người giám hộ thực hiện bằng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường" - luật sư Cường cho biết.
"Còn đối với chủ thể chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu. Trong trường hợp người này không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha mẹ thì việc bồi thường sẽ do người giám hộ thực hiện bằng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Đối với người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại trong trường học thì cần căn cứ vào yếu tố lỗi để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về nhà trường hay cha, mẹ, người giám hộ của người chưa đủ 15 tuổi; về nguyên tắc nếu nhà trường có lỗi thì nhà trường có trách nhiệm bồi thường, nếu nhà trường không có lỗi thì cha, mẹ, người giám hộ của người chưa đủ 15 tuổi bồi thường" - luật sư Cường phân tích.
Hiện vụ trẻ em nghịch lửa gây cháy nhà cấp 4 ở TP HCM đang được cơ quan chức năng làm rõ.
>>>>> Xem thêm video: 2 người chết cháy trong nhà: Nghi tự thiêu do mâu thuẫn tình cảm

Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.

Gia Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)